Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

MV 5 triệu đồng và thử thách của K-ICM

“Cô độc” mở đầu với tiếng chim hót giữa rừng thông, tiếp diễn là tinh thần âm nhạc hòa hợp, thanh tân từ K-ICM và Zino.

Review

Review Co doc anh 1

Loại hình: Music Video
Thể loại: Pop, World Music
Sáng tác: Phan Hiếu
Sản xuất âm nhạc: K-ICM
Đánh giá: 8/10

Ngay cả khi tính chi phí đi lại, “Cô độc” chắc chắn vẫn là một MV đầu tư kinh phí thấp. Ê-kíp chia sẻ chỉ tốn 5 triệu đồng khi thực hiện. Bối cảnh đơn giản là khoảng đất trống giữa một rừng thông, K-ICM và Zino được vây quanh bởi những cây đàn. MV dài hơn 4 phút dàn dựng kiểu trình diễn, người đàn người hát trong lần đầu hợp tác nhưng rất ăn ý.

Sau 2 ngày, bản MV đăng tải trên mạng có hơn 1 triệu lượt xem, trong khi bản thu trên Zing MP3 có lượt nghe khiêm tốn hơn với 300.000 lượt. Nhưng những đánh giá tích cực là điều K-ICM và Zino cùng nhận được vì cả hai đã làm mới nhau thành công.

Lời buồn không có nghĩa là nhạc buồn

Cô độc là một sáng tác của Phan Hiếu, gương mặt nằm trong ê-kíp của K-ICM. Ca khúc viết theo cấu trúc nhạc pop cơ bản với hai đoạn (verse) phát triển xen kẽ với điệp khúc (chorus) và khép lại bằng một đoạn cao trào. Giai điệu êm ả, viết kiểu trải dài, không trúc trắc, không phức tạp.

Review Co doc anh 2

Ca khúc kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc với âm thanh nhạc cụ phương Tây, hiện đại.

Bài hát buồn như tựa đề của nó - “cô độc” - vốn là trạng thái nặng nề hơn cả sự cô đơn, buồn tủi. Phần lời là những tự sự của một chàng trai khi chứng kiến người mình yêu đi lấy chồng.

“Hồng nhan”, “hiền lương” nhưng không thuộc về mình, chàng trai ở lại với sự tương tư của mối tình chân phương lẫn đơn phương. Thuyền hoa sang sông, lòng người ở lại với những si mê lặng thầm, cuối cùng dẫn đến trạng thái cô độc.

Phan Hiếu viết lời tốt, sử dụng nhiều từ Hán Việt nhưng không bị gượng gạo hay phô trương, gồng gánh chữ nghĩa. Tất nhiên không ít từ trong đó đã xuất hiện ở các bài hát khác trên thị trường những năm gần đây và Phan Hiếu sử dụng lại nhưng có một từ “đắt” và đã lâu không xuất hiện: “hiền lương”.

Cùng với đó, khả năng gieo vần đơn linh hoạt cũng là điểm cộng, đặc biệt ở điệp khúc: “Cuộc tình đơn phương trái ngang / Vụt tan ngay khi thu tàn / Vỏn vẹn nơi đây / Thấp thoáng hương tóc nồng nàn / Nghẹn ngào thương tiếc cho mình / Lỡ đánh mất người hiền lương / Rời xa năm tháng tương tư / Mối tình chân phương”.

Dựa trên phần lời vốn có màu sắc văn chương, bản phối của K-ICM là chất liệu âm nhạc dân tộc với nền tảng ngũ cung kết hợp với nhạc cụ hiện đại, phương Tây.

Ngũ cung dân gian vốn là thế mạnh của K-ICM, cũng phong cách này đã làm nên thương hiệu của producer sinh năm 1999. K-ICM trong thế hệ của mình là một gương mặt trẻ không gặp khó trong xử lý âm thanh của nhạc cụ dân tộc.

Review Co doc anh 3

K-ICM giảm màu ngũ cung trong ca khúc.

Tuy nhiên, với Cô độc, âm thanh nhạc cổ truyền không được xử lý đậm đặc như những bản phối cùng thể loại khác của K-ICM. Màu pop trong ca khúc này khá đậm và chiếm tỷ lệ lớn hơn ngũ cung. Nhạc cụ chính là guitar điện, piano điện, ngoài ra nền nhạc cũng điểm tiếng violin.

Điểm đáng bàn là trái với nội dung buồn thăm thẳm của ca khúc, bản phối hoàn toàn trẻ trung, tươi mới, vui vẻ, nhiều năng lượng. Cách xử lý âm thanh bắt tai, dồn dập và tràn đầy sự hứng khởi. Lời buồn nhưng nền nhạc hoàn toàn tránh xa nỗi buồn. Dù vậy, bộ ba lời (lyrics) – giai điệu (melody) và nền nhạc (beat) vẫn ăn khớp với nhau, tạo ra những đối sóng thú vị và cuốn hút.

Tuổi trẻ và sự trong lành trong âm nhạc

Zino xuất thân từ nhóm Monstar chọn trở lại bằng cú bắt tay với K-ICM. Anh vốn không phải giọng ca có kinh nghiệm hát trên nền một ca khúc có xử lý âm thanh kiểu ngũ cung. Cặp ca sĩ – producer do vậy thử thách lẫn nhau trong lần hợp tác này.

Trong sự thử thách ấy, cả hai cùng điều chính. Zino vẫn hát rất pop nhưng đã luyến láy tinh tế hơn trong một ca khúc có nhiều từ Hán Việt và bản phối có chất dân gian. Trong khi K-ICM cũng tạo ra một nền nhạc hiện đại, sinh động và phù hợp với một giọng ca pop trẻ vốn theo đuổi hình mẫu âm nhạc thần tượng, giải trí.

Với Cô độc, Zino xuất hiện ấn tượng và hát như một giọng ca hoàn toàn mới, lần đầu xuất hiện, chưa từng biết đến những cuộc đua âm nhạc, những sắc màu trắng tối từ showbiz. Zino xử lý tự nhiên, phóng khoáng, nương theo nhịp điệu của bài.

Từ Cô độc, thành viên Monstar chứng tỏ bản thân hoàn toàn có thể phát triển sự nghiệp solo.

Review Co doc anh 4

Zino hát tự nhiên.

Ngoài sự hòa hợp trong âm nhạc, chính hình ảnh trong MV dù được xây dựng với concept đơn giản vẫn cho thấy sự ăn ý về thần thái, cảm xúc của hai giọng ca cùng thuộc thế hệ 9X đời cuối: K-ICM và Zino.

Cả hai cùng đàn hát trong một MV ít cầu kỳ, trưng trổ. Như hai chàng trai trẻ, hai người bạn đứng cạnh nhau trong tình yêu âm nhạc, không cần tô vẽ điều gì, chỉ để vẻ đẹp của tuổi trẻ, của thanh âm nhạc cụ tỏa ra trong nắng lạnh và rừng thông – hai yếu tố đặc trưng của xứ sương mù.

Tất nhiên, Zino lộ rõ là anh không hề biết chơi đàn, đôi ba lần bàn tay gượng gạo vì không biết làm gì trên dây guitar điện. Nhưng sau Cô độc, nếu đủ sự quyết tâm, việc học đàn có lẽ không quá khó với một chàng trai đã khoe được giọng hát và khả năng cảm âm tốt.

Nỗi buồn của Hoài Lâm

Kể từ “Hoa nở không màu”, trạng thái âm nhạc của Hoài Lâm là buồn và buồn hơn nữa. Ca khúc mới “Anh cứ ngỡ” tiếp tục đi theo mạch này.

BigDaddy dung tuc? hinh anh

BigDaddy dung tục?

0

8 năm sau “Nóng” kết hợp với Hạnh Sino, BigDaddy của “Mẩy thật mẩy” một lần nữa đặt mình vào những tranh cãi liên quan đến vấn đề dung tục trong hình ảnh và ca từ.

Quang Đức

Ảnh: Văn Thắng

Bạn có thể quan tâm