Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Muốn người ta tin Facebook, Mark Zuckerberg nên từ chức

Nếu Zuckerberg muốn tìm cách thể hiện rõ sự nghiêm túc của Facebook trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng, tốt nhất là ông nên từ chức.

Bài viết là quan điểm của Philip Michaels, biên tập viên tại Tom’s Guide.

Trong tuần này, ngày 30/4, Facebook sẽ mở màn F8, hội nghị nhà phát triển thường niên của họ. CEO Mark Zuckerberg sẽ lên sân khấu cùng một loạt lãnh đạo khác của Facebook để nói về những dự định trong tương lai gần của họ. Một số bài nói chuyện là về các ứng dụng khác như Instagram hay WhatsApp. Một số chủ đề liên quan đến công nghệ mới như trợ lý ảo AI mà Facebook đang phát triển.

Một chủ đề lớn mà F8 sẽ nói đến chính là thái độ của Facebook về quyền riêng tư, và Zuckerberg sẽ phải nói rõ hơn về kế hoạch của ông để đảm bảo quyền riêng tư trên một loạt nền tảng của Facebook. Lần này, có vẻ Zuckerberg khá nghiêm túc về vấn đề quyền riêng tư.

Dù vậy, nếu Zuckerberg thực sự muốn chứng tỏ sự nghiêm túc của Facebook trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng, ông nên tuyên bố từ chức.

Sau khi hứa hẹn, Facebook gặp hàng chục sự cố

Zuckerberg nói rất nhiều về quyền riêng tư trong thời gian gần đây, bắt đầu từ bài viết về kế hoạch tương lai của Facebook trong tháng 3, sau đó là ở báo cáo kinh doanh vào tuần trước. Nhà sáng lập Facebook cho biết ông muốn xây dựng một nền tảng tập trung vào quyền riêng tư, trong đó mọi người có thể liên lạc với nhau rất bảo mật.

“Tôi tin rằng tương lai của việc giao tiếp sẽ dần chuyển sang các dịch vụ riêng tư, có mã hóa nơi mà mọi người có thể tin tưởng rằng những gì họ nói với nhau sẽ luôn được bảo mật và tin nhắn, nội dung của họ sẽ không bị lưu lại mãi mãi. Đây là tương lai tôi hi vọng chúng tôi có thể đem tới”, Zuckerberg viết trong bài viết vào tháng 3.

Đó là một mục tiêu xa xôi, mà Zuckerberg cũng thừa nhận sẽ phải mất nhiều năm mới đạt được. Tuy nhiên nếu Zuckerberg vẫn còn tại vị ở Facebook, rất khó để có thể tin rằng công ty này sẽ làm được gì nhiều hơn là những lời hứa hẹn.

Tìm kiếm với cụm từ “Facebook privacy scandal”, bạn sẽ thấy những sự việc của Facebook đã kéo dài nhiều năm. Mặc dù mỗi lần sự việc lại xảy ra một khác, chỉ có một thứ không thay đổi: cái tên trên ghế CEO của Facebook.

Mark Zuckerberg nen tu chuc anh 1
CEO Mark Zuckerberg hứa hẹn rất nhiều tại hội nghị F8 năm 2018. Ảnh: Facebook.

“Thật không may là mỗi lần họ tỏ ra đang đi đúng hướng, chúng ta lại thấy một sự cố mới. Những sự việc xảy ra liên tiếp cho thấy họ chưa bao giờ ưu tiên bảo vệ người dùng hơn là mô hình kinh doanh của họ”, bà Fatemeh Khatibloo, Phó Chủ tịch và nhà phân tích tại Forrester Reasearch nhận xét về độ tin cậy khi Facebook nói họ sẽ bảo vệ sự riêng tư của người dùng.

Năm 2018, hội nghị F8 cũng diễn ra với một bài xin lỗi dài về sự cố Cambridge Analytica, khi mà Facebook để một công ty khai thác dữ liệu lấy dữ liệu cá nhân của 50 triệu người dùng.

Zuckerberg mở đầu hội nghị với một bài phát biểu hứa hẹn về những thay đổi của Facebook, như sử dụng AI để nhận biết tài khoản giả mạo, các quy định mới về minh bạch quảng cáo, và nỗ lực để fake news không hiện lên bảng tin của người dùng.

Ông cũng nói về một tính năng gọi là Clear History, cho phép người dùng dễ dàng xóa thông tin về các ứng dụng và trang web đã tương tác trên Facebook.

“Chỉ xây dựng công cụ mạnh mẽ thôi là chưa đủ. Chúng tôi phải đảm bảo rằng các công cụ được sử dụng với mục đích tốt đẹp, và chúng tôi sẽ làm điều đó”, Zuckerberg nói tại hội nghị F8 năm ngoái.

Mark Zuckerberg nen tu chuc anh 2
Với hàng loạt sự cố xảy ra từ năm 2018, nhiều người dùng đã lên tiếng phản đối Facebook. Ảnh: WJLA.

Một năm sau, tính năng Clear History vẫn chưa xuất hiện. Facebook cho biết nó sẽ ra mắt cuối năm 2019. Thay vào đó, họ cho chúng ta thấy một loạt cách thức khác mà họ đang bảo vệ người dùng.

Tháng 5/2018, 14 triệu người dùng bị thay đổi tùy chỉnh đăng bài mặc định thành công khai. Facebook đổ cho một lỗi phần mềm.

Tháng 8/2018, Wall Street Journal cho biết Facebook tìm cách lấy thông tin từ ngân hàng để làm dịch vụ hướng người dùng tốt hơn.

Tháng 9/2018, 30 triệu tài khoản bị tấn công thông qua tính năng “View As” để lấy cắp token. Khoảng một nửa số tài khoản bị lộ các thông tin như tên, số điện thoại và email, trong khi 14 triệu tài khoản còn bị lộ những thông tin khác.

Cũng trong tháng 9/2018, Facebook thừa nhận sử dụng số điện thoại người dùng đăng ký bảo mật 2 lớp để quảng cáo nhắm người dùng.

Tháng 10/2018, Facebook thừa nhận màn hình thông minh Portal có thể sử dụng thông tin cuộc gọi và cách tương tác với thiết bị để quảng cáo tới người dùng.

Tháng 12/2018, họ thừa nhận một lỗi cho phép nhà phát triển xem những bức ảnh người dùng chưa đăng lên Facebook.

Cùng trong tháng 12/2018, New York Times công bố kết luận điều tra cho thấy Facebook chia sẻ quyền truy cập tin nhắn cho nhiều ứng dụng khác.

Tháng 1/2019, các dữ liệu lộ ra cho thấy Facebook khuyến khích nhà phát triển game tìm cách thu tiền từ trẻ em mà không cần sự cho phép của cha mẹ.

Tháng 4/2019, Facebook tiết lộ hàng trăm triệu mật khẩu của Facebook, Facebook Lite và Instagram được lưu dưới dạng không mã hóa, và nhân viên Facebook có thể xem được.

Cũng trong tháng 1/2019, Facebook thừa nhận 540 triệu dữ liệu người dùng không được bảo vệ và được lưu trữ trên máy chủ của Amazon, vi phạm chính quy định của Facebook.

Đây chỉ là một danh sách không đầy đủ. Nếu tìm kiếm lại mọi sự cố của Facebook từ F8 2018, có lẽ chúng ta sẽ mất cả năm.

Chúng ta lại chờ Zuckerberg xin lỗi?

Tại phần lớn tổ chức, những sự cố liên tiếp như vậy sẽ khiến nhiều người chán nản. Tuy nhiên ở Facebook, dường như chẳng có ai phải chịu trách nhiệm, nhất là ở các cấp lãnh đạo của họ. Những vụ từ chức mới nhất hầu hết là các nhà sáng lập của các nền tảng Facebook mua lại.

Facebook không thể bảo vệ người dùng trên những dịch vụ họ đang cung cấp, nhưng lại nghĩ rằng họ đã có đủ niềm tin của người dùng để xây dựng các dịch vụ bảo mật trong tương lai.

“Chúng ta đều cần hình thức trò chuyện bảo mật, và dịch vụ này còn có thể quan trọng hơn trong cuộc sống. Do vậy, tôi nghĩ chúng tôi nên tập trung xây dựng nền tảng định hướng bảo mật này”, Zuckerberg nói vào ngày 24/4.

Mark Zuckerberg nen tu chuc anh 3
Nếu Facebook vẫn tiếp tục như thế này, có lẽ chúng ta sẽ lại thấy thêm những lời xin lỗi từ Mark Zuckerberg. Ảnh: WJLA.

Khi ông nói những lời này, các báo cáo cho thấy Facebook đã để sẵn một khoản tiền từ 3-5 tỷ USD cho khoản phạt do vi phạm các thỏa thuận với FTC từ năm 2011. CEO của Facebook nói như vậy, chẳng khác nào một kẻ giết người khuyên mọi người nên ăn chay.

Tất nhiên là Zuckerberg sẽ không nghe lời khuyên của tôi, hay bất cứ ai có ảnh hưởng của công ty này. Quý vừa qua, doanh thu của họ tăng 26% và đạt mức trên 15 tỷ USD. Lượng người dùng hàng ngày và hàng tháng đều tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Những bài viết như thế này chỉ khiến nhà đầu tư của họ vui hơn khi nhìn vào tài khoản ngân hàng.

Vì vậy, khi F8 bắt đầu vào ngày 30/4, hãy chờ đợi một bài nói dài, chi tiết về cách Facebook sẽ thay đổi và làm đúng. Những nhà phát triển sẽ vỗ tay. Những phóng viên sẽ ghi lại từng lời nói của Mark Zuckerberg.

Và cũng đừng quên chờ đợi những lời xin lỗi nữa khi một vụ việc mới diễn ra.

Sự hỗn loạn và mặt trái của livestream trên mạng xã hội Việc lạm dụng tính năng livestream vào những mục đích không lành mạnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Bên trong ‘biệt đội’ Facebook đối phó vụ livestream xả súng kinh hoàng

Hàng trăm nhân viên Facebook cố ngăn video xả súng nhà thờ ở New Zealand phát tán toàn cầu trong sự muộn màng và bị động. Lực lượng mỏng và thuật toán đã không đủ sức đối phó.


Nhật Minh

Theo Tom’s Guide

Bạn có thể quan tâm