Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Muốn làm sạch nhà người khác thì phải làm sạch nhà mình trước'

"Không phải đi thanh tra, kiểm tra người ta mà không làm mình. Mỗi năm, các đơn vị trực thuộc Bộ cũng phải kiểm tra 30%", Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói.

Chiều 27/6, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao.

Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 10/6/2018, Bộ Nội vụ được giao 518 nhiệm vụ. Đến nay, Bộ đã hoàn thành 363 nhiệm vụ, 155 nhiệm vụ đang thực hiện (trong đó 152 nhiệm vụ trong hạn, chỉ có 3 nhiệm vụ quá hạn).

Ngồi phòng công chức nhưng không phải công chức

Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) chuyển lời khen, đánh giá cao của Thủ tướng tới Bộ Nội vụ khi có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Với chức năng là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, Bộ gánh vác rất nhiều trọng trách. Bộ Nội vụ đã phối hợp xây dựng nghị định về quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ khi kiện toàn bộ máy Chính phủ mới, tham mưu xây dựng quy chế làm việc của Chính phủ, thực hiện nhiều chương trình đề án, dự án luật.

Đơn vị cũng chủ động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính; phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương về thi tuyển, phê duyệt vị trí việc làm… Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, thi đua khen thưởng cũng đi vào nề nếp, trật tự, chấn chỉnh các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng.

Bien che tang 63.200 nguoi anh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thắng Quang.

Ông Mai Tiến Dũng truyền đạt 5 vấn đề mà Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ cần quan tâm giải trình, làm rõ thêm. Đầu tiên là biên chế và tiền lương. Chỉ tiêu 6 năm phải giảm 10% biên chế. Song, qua kiểm toán tại 13 bộ, 14 địa phương, việc giao chỉ tiêu biên chế, tiếp nhận sử dụng biên chế, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập vượt tới hơn 63.200 người.

"Tôi ở địa phương rồi tôi biết, khi bí lên là dùng cả lao động hợp đồng, biên chế viên chức làm ở trong đơn vị hành chính. Tức là ngồi ở phòng công chức nhưng không phải là công chức. Đây là thực tế và cần phải có sự chấn chỉnh", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, người từng là Bí thư Hà Nam, nhấn mạnh.

Ông chia sẻ thêm khi nhiều bộ, ngành, địa phương đề nghị bổ sung biên chế công chức, ông và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã quyết liệt ngồi đối thoại với nhau.

“Nhưng, chúng ta không thể thực hiện sai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, kết luận 17, dứt khoát không thể tăng biên chế công chức, không thể chấp nhận phình bộ máy để tăng biên chế công chức và viên chức”, ông nói và cho rằng, Bộ Nội vụ cần quan tâm đến vấn đề biên chế và tiền lương, làm sao chuyển đổi mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.

Về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, theo ông Dũng, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ sâu sát, đốc thúc quyết liệt để giúp Thủ tướng thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính, biên chế, đầu tư xây dựng. Hiện, cả nước có khoảng 3,1 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, nếu tiết kiệm chi cho đội ngũ này sẽ làm được nhiều việc.

Các vấn đề về quản lý, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huy động trí thức trẻ, thu hút nhân tài; cải cách hành chính; quản lý hội và tôn giáo, tín ngưỡng… cũng được Thủ tướng lưu ý.

"Làm sạch nhà mình trước nhà người khác"

Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay đây là lần đầu tiên Tổ công tác của Chính phủ đến kiểm tra, làm việc với bộ. Qua phát biểu của các thành viên Tổ công tác, bản thân ông thấy thấy mình lớn lên.

Bien che tang 63.200 nguoi anh 2
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng muốn làm sạch nhà người khác phải làm sạch nhà mình trước. Ảnh: Thắng Quang.

"Có những việc mình không thể nhìn được cái lưng của mình. Chúng ta chỉ thấy thành tích mà không thấy được khuyết điểm của mình. Qua kiểm tra của các bộ, ngành, Tổ công tác của Thủ tướng, chúng tôi thấy còn quá nhiều công việc phải làm", ông Tân nói.

Theo ông Tân, hiện Bộ Nội vụ đã sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu bên trong. Tuy mới giảm được 1 đầu mối nhưng đã giảm 4 đơn vị đào tạo. Hiện, Bộ không còn cấp phòng trong vụ chuyên môn.

"Bộ Nội vụ được giao 617 biên chế. Chúng tôi đăng ký đến năm 2021, Bộ giảm được 15% biên chế và xin cam kết với Chính phủ là giảm từ 15% trở lên", ông Lê Vĩnh Tân khẳng định và cho hay Bộ đang tập trung làm 3 việc là xây dựng chiến lược phát triển ngành; xây dựng thể chế, hướng dẫn thực hiện và thanh tra, kiểm tra.

Với công tác thanh tra, kiểm tra, theo Bộ trưởng Tân, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Bộ đề xuất và Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, thanh tra, kiểm tra công vụ. Riêng, Bộ Nội vụ cũng thanh tra, kiểm tra công vụ 30% các bộ, ngành, địa phương.

"Không phải đi thanh tra, kiểm tra người ta mà không làm mình. Mỗi năm, các đơn vị trực thuộc Bộ cũng phải kiểm tra 30%. Nội dung xoay quanh vấn đề tổ chức biên chế, thi tuyển, tuyển dụng, chế độ chính sách…", ông Tân nói và khẳng định "trước khi làm sạch nhà người khác thì phải làm sạch nhà mình".

Riêng vấn đề tinh giản biên chế, để đạt được tỷ lệ giảm 10%, Bộ Nội vụ cho rằng cần tiếp tục phân cấp cho các địa phương; đồng thời mở thêm 4 đối tượng trong Nghị định 108 (về chính sách tinh giản biên chế), giảm thủ tục, giảm tiêu chí. Nếu không các địa phương sẽ không có đối tượng để giảm.

Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu về môi trường

Thủ tướng nhìn nhận, trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại, đang phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng do suy thoái ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra.



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm