Zing.vn tính toán điện năng tiêu thụ của một số thiết bị điện cơ bản trong 30 ngày, sử dụng ở mức bình thường. Giả sử tivi có công suất khoảng 69 Wh, mỗi ngày đều sử dụng 3 giờ, mức tiêu thụ hàng tháng là 69 x 3 x 30 = 6,2 kWh.
Hộ gia đình muốn tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng thì chỉ nên dùng một số thiết bị đáp ứng nhu cầu cơ bản như: Đèn, quạt, sạc điện thoại, nồi cơm điện... Những thiết bị khác như tivi, máy giặt phải sử dụng vô cùng tiết kiệm. Tuy nhiên, tính toán của Bộ Công Thương cho thấy số hộ dùng dưới 50 kWh đang ngày càng ít đi.
Khách hàng có thể sử dụng thêm điều hòa (công suất 9.000 btu), máy giặt khi tiêu thụ ở mức 50-100 kWh. Để khống chế tiêu thụ dưới 100 kWh, khách hàng chỉ được sử dụng điều hòa 1,8 giờ/ngày, sẽ tiêu thụ 65,4 kWh/tháng. Nếu muốn sử dụng thêm tủ lạnh đồng nghĩa với việc cắt đi gần hết việc sử dụng các thiết bị điện khác, kể cả thiết yếu: quạt, máy lạnh. Điều này gần như không thể trong thời tiết nắng nóng. Mức tiền phải trả khi sử dụng ở bậc này nằm vào khoảng 200.000 đồng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ 101-200 kWh phổ biến nhất ở Việt Nam với 10,06 triệu hộ gia đình vào năm 2018. Ở mức này, mỗi hộ có thể dùng những thiết bị điện thiết yếu phục vụ cho cuộc sống, ngủ điều hòa tối đa 4 đêm với số tiền điện phải trả là khoảng 400.000 đồng (theo mức giá mới).
Ở mức 200-300 kWh, người dân mới có thể dùng điều hòa khoảng 5 giờ/ngày, hoặc sử dụng quạt và bình nóng lạnh thoải mái hơn. Giá điện tiêu thụ ở bậc 4 cao hơn bậc 3 khoảng 26%, là mức chênh lệch cao nhất trong 6 bậc biểu giá điện.
Với mức tiêu thụ 301-400 kWh, tiền điện trung bình mỗi tháng khoảng một triệu đồng. Nếu thời tiết thay đổi khiến nhu cầu điện tăng lên, lượng tiêu thụ điện có thể lên bậc 6 (trên 400 kWh). Khi đó người tiêu dùng phải trả tiền ở giá lũy kế cao hơn, và là một trong các nguyên nhân khiến tiền điện tăng chóng mặt so với mức thường ngày.