Theo CNN, vào tháng 7/2017, các nhân viên hải quan ở cảng Phúc Điền - nơi ngăn cách thành phố Thâm Quyến và Hong Kong ở Trung Quốc - kiểm tra một người phụ nữ trung niên khi thấy bà có dáng đi kỳ lạ, đáng ngờ.
Sau đó, họ phát hiện trong áo ngực của nữ hành khách này có chứa nhiều lọ máu, và mỗi lọ được dán kèm tên một sản phụ Trung Quốc riêng. Bốn ngày sau, các nhân viên hải quan bắt thêm được một người phụ nữ khác mang theo hàng trăm lọ máu trong ba lô của mình.
Có đến 203 lọ trong số đó được bọc trong túi nhựa, và máu đã bắt đầu phân hủy vì trời nóng. Các quan chức Hong Kong cho biết những người phụ nữ này thừa nhận rằng họ được trả từ 14 USD đến 42 USD để mang những lọ máu đi qua biên giới 2 thành phố.
Các mẫu máu được phát hiện ở cảng La Hồ. Ảnh: Luohu Port. |
Vào tháng 2/2019, một bé gái 12 tuổi đã bị bắt ở cảng La Hồ - một điểm nhập cảnh khác vào Hong Kong - với 142 mẫu máu được phát hiện trong ba lô.
“Các học sinh qua về giữa 2 thành phố thường không mang gì ngoài sách vở, học cụ, hay đồ ăn nhẹ, nên túi xách của chúng rất gọn nhẹ. Nhưng chúng tôi phát hiện rằng ba lô của bé gái này cồng kềnh một cách bất thường, nên đã quyết định kiểm tra”, tờ People’s Daily dẫn lời một nhân viên hải quan ở La Hồ.
Tình trạng buôn lậu máu từ Trung Quốc đại lúc đến Hong Kong đã tăng mạnh trong 3 năm qua. Vì chính quyền đại lục cấm kiểm tra giới tính thai nhi, các bậc phụ huynh ở đây đã gửi các mẫu máu đến những phòng khám ở Hong Kong nhằm xét nghiệm DNA để biết con mình là nam hay nữ.
Giấu lọ máu trong thú nhồi bông
Nhu cầu biết được giới tính thai nhi ngày càng tăng cao ở Trung Quốc. Các đôi vợ chồng thường tìm kiếm trung gian để gửi mẫu máu sang Hong Kong làm xét nghiệm. Và có hàng chục đại lý cung cấp dịch vụ trung gian như vậy hoạt động trên mạng xã hội Weibo.
Một đại lý bán hàng trong số đó kể với CNN rằng những người phụ nữ đã có thể gửi mẫu máu của mình khi mang thai được 6-7 tuần. Toàn bộ thủ tục rất đơn giản, những gì đại lý này cần là giấy siêu âm để chứng minh thai nhi đã đủ tuần tuổi cần thiết cho việc xét nghiệm.
“Sản phụ có thể đến bệnh viện hoặc yêu cầu y tá đến nhà riêng để lấy máu”, đại lý này cho biết. Các thai phụ được bày cách giấu lọ máu bên trong những con thú nhồi bông, hay trong những hộp thức ăn nhẹ và dùng dịch vụ bưu chính để tránh bị phát hiện.
“Chúng tôi không còn sử dụng những hình thức thủ công, điều đó quá rủi ro. Chính phủ gần đây đã quản lý hình thức kinh doanh này nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn”, CNN tiếp tục dẫn lời đại lý.
Các lọ máu thường được giấu và vận chuyển một cách tinh vi. Ảnh: TNS. |
Công ty mà đại lý này gửi mẫu máu đến nằm ở một vùng xa xôi tại Hong Kong. Nó có hơn 380.000 người dùng theo dõi trên Weibo. Việc xét nghiệm được hoàn thành sau 1 tuần, và mức phí mà công ty đưa ra vào khoảng 490 USD.
Luật dân số và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc đã cấm hành vi thử nghiệm giới tính thai nhi từ năm 2002, nhằm ngăn chặn sự mất cân bằng giới tính tại đây. Theo Cục Thống kê Quốc gia nước này, tính đến hết năm 2017, số nam giới đông hơn nữ giới 32,7 triệu người.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore thống kê rằng đã có khoảng 12 triệu bé gái không được chào đời tại Trung Quốc từ năm 1970 đến năm 2017 do việc phá thai trở nên phổ biến. Chính sách một con đã khiến các bậc cha mẹ ở đất nước 1,4 tỷ dân vô cùng mong muốn con trai.
Dù chính sách này đã phần nào bị gỡ bỏ vào năm 2015 nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn chỉ chọn sinh một con nhằm tiết kiệm phí nuôi dưỡng và các chi phí phát sinh, liên quan khác.
Hành động gửi mẫu máu sang Hong Kong là bất hợp pháp vì Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm vào năm 2017. Tuy nhiên, việc nhập mẫu máu ở Hong Kong lại là hành động hợp pháp, miễn là các mẫu này được chứng nhận không chứa chất truyền nhiễm.
Theo phát ngôn viên Sở Y tế Hong Kong, từ năm 2015 đến nay, họ đã chuyển cho hội đồng của thành phố các thông tin của 3 phòng thí nghiệm kinh doanh xét nghiệm máu để tiến hành điều tra. Tuy nhiên, tất cả hồ sơ này đều bị bác bỏ bởi “không đủ bằng chứng”.
Nhắm mắt làm ngơ
Theo quy tắc cho các kỹ thuật viên y tế, các phòng thí nghiệm tại Hong Kong chỉ được phép tiến hành xét nghiệm nếu các mẫu máu của bệnh nhân được giới thiệu bởi một bác sĩ có chuyên môn đăng ký.
Nhưng theo ông Kwok Ka-Ki - một bác sĩ tiết niệu, và là thành viên của Hội đồng thành phố Hong Kong - nhiều phòng thí nghiệm tại đây đã bỏ qua quy tắc này.
“Hong Kong dường như muốn nhắm mắt làm ngơ vì sợ gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp phòng thí nghiệm của thành phố. Đây là một ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn”, ông Kwok Ka-Ki nói với CNN.
Ngành công nghiệp xét nghiệm giới tính thai nhi đã phát triển mạnh mẽ ở Hong Kong phương pháp xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (NIPT) được phát minh tại thành phố này.
Các nhân viên hải quan thu giữ các mẫu máu được trái phép. Ảnh: AsiaOne. |
“Một người sản phụ thông thường phải mang thai đến tháng thứ 4-5 mới biết được giới tính của con mình. Nhưng với NIPT, thời gian đó chỉ còn khoảng 10 tuần”, Tom Shakespeare, một nhà xã hội học người Anh chuyên nghiên cứu về đạo đức của phương pháp NIPT, nhận xét. “Chấm dứt thai kỳ ở tuần thứ 10 đơn giản và dễ dàng hơn so với tuần thứ 18”, ông bổ sung.
NIPT là thành quả nghiên cứu của giáo sư Dennis Lo, chuyên ngành hóa học lâm sàng tại Đại học Hong Kong. Ông từng là sinh viên y khoa tại Đại học Oxford danh tiếng vào cuối những năm 1980.
Khi các bài thử nghiệm của giáo sư Lo có kết quả chính xác lên đến 99%, NIPT được công ty Sequenom ở bang California đẩy mạnh thương mại tại Mỹ vào năm 2011. Từ đó, những công ty khác nhanh chóng nhảy vào cuộc đua.
Hiện NIPT xuất hiện tại hàng loạt công ty lớn, đặc biệt phải kể đến gã khổng lồ ngành dược Roche từ Thụy Sỹ. “Phương pháp này đã hoàn toàn thay đổi hình thức xét nghiệm tiền sản, giúp cả thai phụ và thai nhi an toàn. Khoảng 7 triệu phụ nữ được xét nghiệm theo phương pháp NIPT mỗi năm”, Dennis Lo nói.
Theo công ty nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets, quy mô NIPT toàn cầu sẽ đạt mức 3,9 tỷ USD trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 13,5%.
Phần nổi của tảng băng trôi
Không chỉ giúp xác định giới tính, NIPT còn cho biết về các khả năng nhiễm bệnh di truyền của thai nhi. Do đó, phương pháp này cũng tương đối phổ biến tại Trung Quốc khi nhiều phụ nữ ở độ tuổi 30-40 bắt đầu sinh con thứ 2, sau khi chính sách một con được nới lỏng.
Các công ty BGI và Berry Genomics chi phối phần lớn thị trường NIPT ở Trung Quốc. Zhou Daixing - CEO của Berry Genomics - cho biết tốc độ tăng trưởng của thị trường này tại Trung Quốc là từ 20% đến 30% mỗi năm.
Năm 2018, 4 triệu sản phụ nước này được xét nghiệm theo phương pháp NIPT, chiếm khoảng 25% phụ nữ mang thai toàn quốc. Nhưng các bác sĩ tại đây lại không được tiết lộ giới tính cho các bậc phụ huynh, do đó tình trạng gửi mẫu máu sang Hong Kong tăng đều đặn từ năm 2015 đến nay.
Giáo sư Dennis Lo, người phát minh ra phương pháp NIPT. Ảnh: CNN. |
Theo thống kê từ Sở Y tế Hong Kong, vào năm 2015, có một trường hợp nhập máu trái phép từ đại lục sang Hong Kong. Con số đó lần lượt là 17 và 18 cho các năm 2017 và 2018. Tính đến tháng 9/2019, đã có 12 trường hợp nhập máu trái phép trong năm nay.
“Đây chỉ có thể là phần nổi của tảng băng. Nếu kiểm tra toàn bộ phòng xét nghiệm tại Hong Kong, rất có khả năng có đến hàng chục trường hợp nhập lậu máu mỗi ngày”, ông Kwok Ka-Ki đánh giá.
Nhưng giáo sư Dennis Lo khẳng định việc phát hiện giới tính thai nhi không phải là ứng dụng duy nhất của NIPT. Theo ông, NIPT có thể được dùng để kiểm tra bất kỳ rối loạn di truyền nào ở trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, NIPT cũng có thể dự đoán một số bệnh bẩm sinh như xơ nang, máu khó đông, hay tan máu. Trong tương lai, công nghệ này sẽ được phát triển để dự đoán các trường hợp rối loạn thai nghén và sinh non.
“Nhưng nếu chúng ta biết rằng đứa bé sẽ mắc các bệnh tiểu đường hay ung thư khi nó bước sang tuổi 40, chúng ta có nên nói với các sản phụ điều đó trước khi nó được sinh ra hay không?”, giáo sư Lo bày tỏ quan ngại về các khía cạnh đạo đức.