Bây giờ tiền mừng tuổi của trẻ con thành phố đã nhiều hơn giá bìa một cuốn sách. 100.000 đồng là mức lì xì trung bình, khả dĩ “chấp nhận được” (bằng hai bát phở). Nhưng đã có thể mua cuốn sách dày độ 300 trang, nghĩa là tương đối dày.
Sẽ có người nói ngay, thì dắt con ra mua sách đi thôi.
Phải nói ngay rằng, người Việt không có ý niệm rõ rệt về loại sách để đọc trong năm mới. Khác với các lĩnh vực giải trí nghe nhìn, chẳng hạn Tết là mùa đổ bộ của phim gia đình, phim hài tình cảm, những bộ phim nhẹ nhàng, xem xong cười lãng đãng đi ra phố ngắm hoa đào tiếp.
Tuy nhiên, ở Hà Nội bây giờ đã rộ thói quen đi mua sách đầu năm, đến nỗi vài Tết vừa qua, các nhà bán sách phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí phải bán hàng vất vả hơn cả ngày thường.
Hành vi mua sách đầu năm cũng có chút gì đó mê tín, kiểu như mua cái chữ lấy may. Chữ đã có vẻ thiêng hơn muối (Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi). Ai cẩn thận đi cả Văn Miếu khấn “vạn thế sư biểu”, tranh thủ khấn rùa đá, xin ít chữ nho, coi như chữ cổ chữ kim không thoát khỏi tay nhà mình.
Người Hà Nội đã bắt đầu hình thành thói quen mua sách đầu năm. |
Chữ nho được cái có tính đồ họa cao, chữ đen trên nền đỏ, gợi không khí cổ truyền, về treo lên cũng huyền ảo. Còn chữ quốc ngữ - tức số sách vừa mua xong, đọc hay không chưa biết, và đáng kể hơn là có đọc xong trong mấy ngày Tết không nữa, nhưng còn hơn rất nhiều người tôi đã từng nghe họ cứ phàn nàn, chương trình Tết năm nay chả có gì để xem. “Chương trình Tết” mà họ nói là chương trình giải trí trên tivi. Có bao nhiêu thứ để thay thế cơ mà?
Ngày Tết cũng giống như những dịp nghỉ lễ ở các nước, là dịp mà các chiến dịch truyền thông cho các nhãn hàng xoắn xuýt đến tinh vi với các nghi thức cổ truyền. Hollywood làm không biết bao nhiêu phim về ngày Giáng sinh, nhưng rồi vẫn chỉ có mấy phim chiếu đi chiếu lại như thủ tục, It’s a wonderful life, Home alone hay Love, actually.
Tết tạo ra một không khí kết nối với không gian cổ truyền, một cảm thức cộng đồng xưa cũ vốn bị ngày thường che lấp đi. Vì thế, giở một vài cuốn sách khảo cứu phong tục hay những trang sách ảnh về Hà Nội xưa hay Sài Gòn cũ, có vẻ dễ nhập tâm hơn cả.
Tết là cơ hội để người ta hứa hẹn với bản thân sẽ khởi sự một vài thói quen tốt, chẳng hạn như đọc sách. Lấy may là một chuyện, nhưng vài ngày nghỉ có vẻ như rảnh rỗi để tập trung đọc cái gì đấy, và tích lũy dăm ba kiến thức thú vị (dù hóa ra việc tiếp khách và ăn uống đã chiếm hết quỹ thời gian). Mà đọc sách giấy, có vẻ như giống xem chữ nho, đã thành ra một hoạt động thuộc về thời đại tiền Internet, tiền mạng xã hội, khi cái sự tương tác không lanh chanh chen vào giữa hành trình khám phá văn bản.
Và Tết bây giờ đâu chỉ còn là cái Tết đơn thuần, nó cộng với mạng xã hội thành một loại truyền hình thực tế, đại loại như “Tết này ai đến xông nhà”, với giải nhất thuộc về Mẹ Bi, người đã nấu 72 món ăn đẹp mắt (“hãy like và share album này”).
Hãy thử xem chúng ta chọn giờ nào để đọc sách trong chuỗi hơn một tuần được nghỉ Tết nhé.
27 - 30 Tết: Thật vô lý khi ngồi rúc vào một chỗ đọc sách, trong khi gia đình chạy đôn đáo lo mua các thứ chuẩn bị cỗ bàn, hoặc biếu quà ai đó còn sót. Rất hiếm người rảnh rang để ngồi nhàn nhã đọc sách. Ừ, nhưng bận là do ta bày ra chứ nhỉ?
Mồng 1: Việc đầu tiên là sắp cỗ và cúng bái mất nửa ngày. Chụp ảnh đăng lên Facebook báo cáo rộng rãi (“lần đầu tiên làm chuyện ấy. Gà cúng da đẹp như Ngọc Trinh”). Ăn uống và các thủ tục thăm hỏi nửa ngày còn lại. Rồi đi ngủ.
Mồng 2: Ngày của đi chúc Tết và tiếp khách. Vừa mới cầm cuốn sách lên đọc được hai trang đã thấy chó sủa báo khách vào. Cứ thế cho đến đêm, cầm cuốn sách đã thấy mình lạc vào giấc ngủ lúc nào.
Mồng 3: Đi lễ chùa. Đi chúc Tết các nhà người quen trong thành phố. Còn đọc vào lúc nào? Chưa kể mọi người thi nhau chụp ảnh và rầm rập tag nhau trên Facebook.
Mồng 4…
Không dễ phải không?
Chưa kể chúng ta có thể gặp những sự cố bất thường: uống say quá, thất tình, vợ chồng cãi nhau về đĩa gà cúng bị mèo tha mất, mấy đứa con mải chơi quên không làm dằng dặc những bài tập về nhà cô giáo giao, để sát ngày đi học lại bố mẹ mới phát hiện ra…
Thời gian và không gian cho sách là thứ sẵn sàng bị cắt xén dành cho những nhu cầu thực tiễn hơn. Trong khi đó, màn hình tivi bật lúc nào cũng được, như một thứ loa phóng thanh công cộng.
May quá, năm nay nghỉ Tết dài, còn hai ngày nữa, đã xong các thủ tục chúc tụng ăn uống, trốn vào một góc để thưởng thức văn chương. Bên hàng xóm, bỗng rầm rầm tấu lên một điệu nhạc thịnh hành đã phát mấy hôm trước trên tivi, rồi giọng hát của ông hàng xóm cất lên. Căn cứ vào độ hưng phấn của tiết mục, dự báo ta sẽ chưa thể đọc xong trong Tết này.
Dù sao, ta đã kịp đăng ảnh “những cuốn sách năm Khỉ” lên Facebook rồi. Sách cũng như muối, mua lấy may đầu năm rồi lúc nào dùng cũng được.