Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bình Thuận vừa họp với Hiệp hội du lịch tỉnh này để bàn về các phương án khôi phục du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Theo đó, ngành du lịch tỉnh sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất kế hoạch, lộ trình cho việc mở cửa. Từ đó tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận ban hành kế hoạch đón khách du lịch trở lại trong thời gian tới.
"Phủ" vaccine trước khi đón khách
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát trên địa bàn Bình Thuận sau 3 tháng bùng phát.
Theo ngành du lịch tỉnh này, dịch đã làm hơn 80% cơ sở du lịch tại địa phương ngừng hoạt động, thiệt hại về kinh tế rất lớn.
Thủ phủ resort Mùi Né đìu hiu do dịch Covid-19 kéo dài. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tại buổi làm việc, một trong những giải pháp cấp bách được đặt ra là đẩy nhanh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho lao động, nhân viên tại các khách sạn, điểm tham quan du lịch.
Đồng thời, xây dựng lộ trình đưa đón khách đến cơ sở lưu trú, điểm tham quan nhằm đảm bảo an toàn; hướng dẫn các khách sạn, doanh nghiệp lữ hành trong việc thực hiện đưa đón khách theo đúng lộ trình.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện số ca nhiễm (F0) trong cộng đồng ở địa phương này bắt đầu giảm rõ rệt. Đây là cơ sở để Bình Thuận tiến tới nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội, cũng như mở cửa lại ngành du lịch và các ngành khác.
Tại cuộc họp trên, một số đại biểu cho rằng nếu mở cửa giai đoạn này thì thị trường khách du lịch nhắm tới sẽ là khách nội tỉnh và khách từ các “vùng xanh”. Trong đó, đối tượng khách chủ yếu là khách nhóm nhỏ, khách gia đình.
Các đại biểu cũng cho rằng, từ việc xác định thị trường, đối tượng khách, các đơn vị sẽ dễ hơn trong việc xây dựng tiêu chí đón khách và phương thức phục vụ phù hợp với tình hình.
Ngoài ra, các bên cũng kiến nghị UBND tỉnh và ngành du lịch trong công tác xây dựng, triển khai bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch phải cẩn trọng để phù hợp với tình hình địa phương.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Thuận, cho rằng bộ tiêu chí vừa phải đảm bảo an toàn cho nhân viên, cộng đồng, điểm đến, vừa đảm bảo an toàn cho du khách khi đến với địa phương. “Nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch cũng chính là một cách quảng bá, thu hút du khách đến với địa phương trong thời gian tới”, ông Khoa nhấn mạnh.
Về việc tiêm vaccine, lãnh đạo Sở VHTTDL Bình Thuận cho biết tỉnh đặt mục tiêu đầu tháng 10, toàn bộ nhân viên hoạt động trong ngành du lịch sẽ hoàn thành tiêm chủng và đây được coi là vấn đề tiên quyết, bắt buộc nếu muốn mở cửa đón khách trở lại địa phương này.
Dự kiến đón khách du lịch vào cuối tháng 10
Cũng theo lãnh đạo Sở VHTDL Bình Thuận, việc mở cửa đón khách phải được tính toán kỹ trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai….
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận, cho brằng việc tổ chức lại ngành du lịch phải đặt trong điều kiện “sống chung với dịch”.
Ngành du lịch Bình Thuận đặt yếu tố an toàn đối với du khách và người dân lên trên hết. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận, quan điểm của ngành du lịch là vừa khôi phục, kích thích du lịch vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các hoạt động du lịch triển khai trên cơ sở bám sát tình hình thực tế dịch bệnh tại địa phương.
Cũng theo ông Khoa, việc xây dựng lộ trình đón khách trở lại không chỉ nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, người lao động. Địa phương này mong muốn từng bước phục hồi thị trường khách du lịch nội địa đến Bình Thuận; khôi phục lại các hoạt động của ngành du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan. Từ đó Bình Thuận hướng tới phát triển kinh tế du lịch, tạo tiền đề để phát triển lâu dài trong tương lai.
Theo kế hoạch dự thảo của Sở VHTTDL Bình Thuận, lộ trình mở cửa đón khách sẽ chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu sẽ thực hiện thí điểm mở cửa đón khách dự kiến cuối tháng 10.
Giai đoạn này sẽ thí điểm với khách sạn có quyết định công nhận hạng từ 3-5 sao hoặc tương đương; dịch vụ lữ hành, điểm tham quan đạt tiêu chí an toàn được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận và chủ yếu tập trung tại khu vực Mũi Né, TP Phan Thiết.
Còn giai đoạn 2, tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai sau khi đánh giá hiệu quả của giai đoạn 1.