Khi các tướng lĩnh Zimbabwe nổi dậy chống lại Tổng thống Robert Mugabe hôm 15/11, hành động của họ có lẽ không chỉ làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của một người.
Theo New York Times, trên khắp lục địa đen, những lãnh đạo theo kiểu “ông lớn”, những người có thể duy trì quyền lực tưởng chừng như mãi mãi nhưng cũng có thể rủi ro là sụp đổ bất cứ lúc nào vì sức nặng của sự mục ruỗng.
Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân mừng Ngày Độc lập của Zimbabwe năm 2012 ở thủ đô Hazare. Ảnh: New York Times. |
Ông Mugabe, 93 tuổi, người nắm quyền kể từ khi đất nước độc lập khỏi Anh vào năm 1980, là lãnh đạo duy nhất mà người dân ở đây từng biết. Trước những mối đe dọa với quyền thống trị của mình, ông thường đàn áp một cách dã man hoặc dùng mưu kế để hạ đối thủ.
Nhiều thập kỷ sau khi lá cờ của Liên hiệp Anh được hạ xuống, ông nổi lên như biểu tượng tự do của châu Phi - bất chấp những khiếm khuyết - với khao khát thoát khỏi sự kiểm tỏa từ bên ngoài.
Hai mặt của "anh hùng giải phóng" Mugabe
Tự cho mình là chính khách thực sự của châu Phi, ông Mugabe thường xuyên bay tới các cuộc họp ngoại giao khắp châu lục, ngay cả các sự kiện tầm thường mà ông là nguyên thủ duy nhất góp mặt.
Dù bị phương Tây và nhiều người Zimbabwe coi thường, nhiều người châu Phi coi ông là nhân vật lịch sử, người truyền cảm hứng cho các nhà ngoại giao và quan chức khi khiến họ đứng dậy vỗ tay trước mỗi bài phát biểu chỉ trích quyền lực phương Tây của ông.
Cuối cùng, Mugabe lão luyện đã phạm sai lầm khi chọn người kế nhiệm và tự đẩy chế độ của mình tới ngày tàn. Ông đã đánh giá quá cao sự trung thành của quân đội và giới chức an ninh khi sa thải phó tổng thống quyền lực của mình cuối tuần trước và lựa chọn người vợ không có kinh nghiệm chính trị thay thế. Chính lực lượng này đã tống giam ông hôm 15/11 trong diễn biến được coi là đảo chính.
Gia đình Mugabe chính là điểm mù của ông. Dù chỉ hoạt động trong chính trường vài năm nhưng vợ ông, Grace, 52 tuổi, ngày càng tỏ rõ ý muốn kế nhiệm chồng. Các con trai của ông cũng khiến người Zimbabwe thêm phẫn nộ khi thường xuyên đăng ảnh về lối sống tiệc tùng, xa hoa trên mạng xã hội.
Tuần trước, một video cho thấy Bellarmine Chatunga, con trai nhỏ nhất của ông, đổ champagne lên chiếc đồng hồ đeo tay đắt tiền đang dùng và tỏ ra bất cần vì có cha là người đứng đầu đất nước. Trên Instagram, cậu con trai viết: "60.000 USD trên tay khi cha đang điều hành đất nước mà mọi người biết đấy!!!"
Các chuyên gia cho rằng những ngày cầm quyền vững chắc của Mugabe đã tới hồi kết. Đó cũng là lời nhắc nhở không thể quên đối với các lãnh đạo nắm quyền nhiều thập kỷ ở châu Phi, từ Guinea Xích đạo, Cameroon đến Eritrea và Uganda.
Tại Harare, thủ đô của Zimbabwe, khi số phận của Mugabe còn chưa rõ ràng, nhiều người Zimbabwe đã coi việc ông bị giam cầm như sự khởi đầu một chương mới trong cuộc sống của họ.
“Giờ tôi thấy hạnh phúc. Cứ như thể chúng tôi vừa giành lại độc lập. Tôi hy vọng Zimbabwe sẽ bước vào một thời kỳ mới”, Donald Mutasa, 37 tuổi, người sinh ra từ những ngày đầu của chính quyền Mugabe, cho biết.
Phản bạn vì vợ
Mugabe thăng tiến và duy trì quyền lực nhờ quan hệ khăng khít với thế hệ cựu chiến binh và chính trị gia từ cuộc đấu tranh cách mạng nhằm kết thúc chế độ cai trị của người da trắng và chủ nghĩa thực dân Anh.
Patrick Smith, biên tập viên của bản tin Africa Confidential và tạp chí Africa Report, cho rằng từ khi Mugabe quyết định cắt đứt với cựu Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa và các lãnh đạo khác của cuộc đấu tranh giải phóng, ông đã “không còn đường quay đầu”.
Tổng thống Mugabe và phu nhân tới phiên khai mạc Nghị viện ở Hazare, Zimbabwe, năm 2015. Ảnh: AP. |
Khi sức khỏe của Mugabe suy yếu và vợ ông ngày càng chiếm quyền, chính trường Zimbabwe nhanh chóng bị chia rẽ giữa một bên là Thế hệ 40 - những người trẻ tuổi vây quanh phu nhân Grace Mugabe - và bên kia là những người lớn tuổi từng sát cánh bên ông trong cuộc chiến giải phóng và từng nếm trải quyền lực.
Các doanh nghiệp, tầng lớp tinh hoa chính trị và quân sự của Zimbabwe nổi tiếng với những nông trại, biệt thự, ôtô và tài khoản ngân hàng tích lũy được từ khi độc lập.
Cuộc sống của họ trái ngược với người dân bình thường, những người từng trốn khỏi đất nước hoặc sống qua thời kỳ kinh tế khó khăn khi đối mặt với thất nghiệp, lạm phát. Nhiều người sống phụ thuộc vào nguồn tiền người thân chuyển về khi lưu vong ở nước ngoài.
Qua tất cả thăng trầm, Mugabe vẫn nắm quyền. Sinh ra ở vùng nông thôn vào năm 1924, cha bỏ đi khi ông lên 10, Mugabe được biết đến là đứa trẻ nghiêm túc và cô độc.
Tham vọng chính trị của ông được hình thành giữa những năm 1950 và 1952 ở độ tuổi 20, khi ông theo học Đại học Fort Hare ở Nam Phi, nơi là vườn ươm cho một số lãnh đạo nổi danh nhất lục địa bao gồm Nelson Mandela.
Từng bị cầm tù và lưu lạc qua nhiều nước châu Phi, Mugabe cũng như nhiều người khác coi chính quyền da trắng là kẻ thù. Sau khi được thả vào năm 1975, ông nhanh chóng vượt biên sang Mozambique, quốc gia vừa giành được độc lập từ Bồ Đào Nha. Đất nước này đã trở thành căn cứ cho những chiến binh du kích người Trung Quốc trung thành với Liên minh Quốc gia Châu Phi Zimbabwe của Mugabe.
Ông được bầu làm thủ tướng ngay trước khi Zimbabwe giành độc lập từ Anh vào tháng 4/1980. Ngay từ khi nhậm chức, ông đã làm việc cật lực và đôi khi sẵn sàng đổ máu để củng cố quyền lực.
Không tin sẽ có ngày tàn
Đến những năm 2000, trước lời kêu gọi thay đổi chính sách quản lý đất đai, ông Mugabe đã bắt tay vào chiến dịch bạo lực để thu hồi đất nông nghiệp từ các chủ da trắng. Ngay sau đó, ông chuyển sang nhiệm vụ đàn áp một phe đối lập mới hình thành như cách mà ông từng làm trước đó.
Trong các cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2008, lực lượng an ninh và những người trung thành với Mugabe đã đánh đập, giết hại hoặc đe dọa hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập, khiến lãnh đạo của họ, Morgan Tsvangirai, phải rút khỏi cuộc bỏ phiếu.
Ông Mugabe được tuyên bố là người chiến thắng cho đến khi áp lực quốc tế buộc ông phải chia sẻ quyền lực chính phủ với ông Tsvangirai.
Ông Mugabe (giữa) và lãnh đạo 2 phe đối lập, Morgan Tsvangirai (phải) và Arthur Mutambara, ký kết bản ghi nhớ tại Harare, Zimbabwe, năm 2008. Ảnh: AP. |
Năm 2013, các cuộc bầu cử lại bị phá hoại. Mugabe giành chiến thắng, chấm dứt chia sẻ quyền lực và tuyên bố sẽ lại tranh cử vào năm 2018, một viễn cảnh giờ có vẻ ít chắc chắn.
Vượt ra ngoài biên giới, đất nước của ông phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Ông bị cấm sang phương Tây ngoại trừ tham dự các cuộc họp quốc tế. Ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc khi nước này vươn tầm ảnh hưởng sang châu Phi.
Mugabe tự mô tả mình như một tiếng nói chống chủ nghĩa thực dân, quan điểm thường làm suy yếu bất kỳ nỗ lực nào của các nhà lãnh đạo châu Phi khác nhằm chỉ trích ông trước công chúng.
Tuy nhiên, ở quê nhà, ông dường như ngày càng trung thành với những tham vọng chính trị của vợ, sẵn sàng phá vỡ quan hệ với những người từng là đồng minh trong cuộc đấu tranh giải phóng, đặc biệt là ông Mnangagwa. Trước đó, Mugabe từng sa thải một phó tổng thống khác là Joice Mujuru, người được cho là đối đầu với bà Mugabe.
Ông Mugabe thường xuyên đến châu Á để dưỡng bệnh. Điều đó dường như làm ông trẻ ra đến nỗi ông đã tự so sánh mình với Lazarus trong Kinh thánh, người sống lại từ cõi chết.
Mugabe không tin rằng mình sẽ có ngày tàn mà không cần Thiên Chúa can thiệp. Trong một bài phát biểu trước Liên minh châu Phi vào năm 2016, ông nói sẽ vẫn nắm quyền "cho đến khi Đức Chúa Trời phán: Hãy đến đây".