Ngày 17/11, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe xuất hiện tại lễ tốt nghiệp của một trường đại học ở thủ đô Harare. Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của ông Mugabe, người đã lãnh đạo Zimbabwe suốt 37 năm, kể từ khi ông bị giam lỏng tại gia hôm 15/11. Ông xuất hiện trong tình trạng an ninh được thắt chặt cao độ.
Cũng trong ngày 17/11, quân đội thông báo đã có "bước tiến đáng kể" trong quá trình đàm phán thoái vị cho ông Mugabe. Các lãnh đạo đảng Zanu PF cầm quyền cũng cho thấy họ đã quyết định đứng về phía quân đội.
Tổng thống Mugabe trong lần xuất hiện hôm 17/11. Ảnh: AP. |
'Ra đi trong danh dự'
Trước lần xuất hiện ở trường đại học hôm 17/11, hình ảnh ông Mugabe trong thời gian bị quản thúc cũng được công bố. Trong những bức ảnh này, vị tổng thống 93 tuổi thường bị bủa vây bởi các lãnh đạo quân đội trong những cuộc thảo luận được cho là nhằm ép ông "từ chức trong danh dự".
Mugabe đứng giữa văn phòng trong dinh tổng thống của mình, ông trông tự tin và khỏe mạnh. Thái độ này vẫn được giữ vững cho đến ngày 19/11, khi ông xuất hiện trên truyền hình, nhắc lại công lao giải phóng dân tộc và quá khứ anh hùng của mình.
Guardian dẫn các nguồn tin cho biết ban đầu tổng thống đã gọi cuộc chính biến là "bất hợp pháp" và khước từ mọi áp lực buộc ông phải từ chức. Ông được cho là từ chối đề nghị từ một linh mục Công giáo, cũng là một người bạn cũ, để giám sát quá trình hòa giải.
Ông Mugabe nói chuyện với tướng quân đội Constantino Chiwenga trong thời gian bị quản thúc. Ảnh: Zimpapers/Herald. |
Bất chấp sự tự tin phút đầu của vị tổng thống đã cầm quyền hơn 37 năm, cả "vũ trụ" dường như đã chống lại ông.
Ngày 17/11, các lãnh đạo đảng cầm quyền Zanu PF, điểm tựa quyền lực của ông Mugabe trong nhiều thập kỷ, lên tiếng ủng hộ hành động của quân đội nhằm "ổn định nền kinh tế và dập tắt bất ổn chính trị". Giới lãnh đạo Zanu PF lặp lại tuyên bố của giới quân sự rằng việc can thiệp này chỉ nhằm dọn dẹp những kẻ phá hoại đang che mờ mắt tổng thống và làm xói mòn năng lực lãnh đạo của ông.
"Nhiều người trong chúng tôi theo dõi trong đau đớn rằng đảng và chính phủ đang bị biến thành tài sản cá nhân của một vài kẻ phá hoại với tiền sử phản bội và sự cam kết đáng nghi đối với người dân Zimbabwe", New York Times dẫn nghị quyết của các lãnh đạo Zanu PF. "Rõ ràng, đất nước đang đi sai hướng".
Đến ngày 19/11, Zanu PF đã khai trừ tổng thống khỏi đảng. Tiếng hò reo vang lên sau cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng.
Christopher Mutsvangwa, người đứng đầu hội cựu chiến binh Zimbabwe, ăn mừng việc tổng thống bị khai trừ khỏi đảng cầm quyền. Ảnh: AFP. |
Từ bên ngoài, Mugabe hẳn nhận thấy được áp lực từ Nam Phi, một nước lớn trong khu vực.
Các đặc phái viên của Nam Phi đã có mặt tại Harare để giúp đỡ cuộc đàm phán thành lập chính quyền mới và quyết định các điều khoản cho quá trình thoái vị của Mugabe. Hai đặc phái viên cùng bộ trưởng quốc phòng của Nam Phi đã xuất hiện trong 1 tấm ảnh chụp tại dinh thự Mugabe vào thời gian ông bị quản thúc. Nam Phi cũng kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Cộng đồng Phát triển Nam Phi, một cơ chế hợp tác khu vực.
Cuộc sống của ông Mugabe một vài ngày qua vẫn là những tin đồn. Daily Mail dẫn lời một cộng sự cho biết ông từ chối ăn uống và dành phần nhiều thời gian để nhìn vào tấm ảnh cũ của người vợ đầu quá cố và đứa con trai cũng đã chết năm 3 tuổi.
Chưa đầy một ngày sau bài phát biểu trên truyền hình với thái độ kiên quyết không từ chức, Tổng thống Mugabe cuối cùng đã chấp nhận thoái vị, kết thúc sự nghiệp chính trị của một trong những lãnh đạo tại vị lâu nhất châu Phi.
'Cái chết' được báo trước
Robert Mugabe đã điều hành đất nước kể từ khi Zimbabwe giành độc lập vào năm 1980. Chừng ấy thập kỷ Zimbabwe dưới thời Mugabe cũng là khi nền kinh tế nước này lao dốc không phanh.
New York Times cho rằng sự sa cơ của Mugabe ngày hôm nay, sau 37 năm nắm quyền, có lẽ không khiến ai bất ngờ trừ chính ông. Trong nhiều năm dài, vị tổng thống đã qua tuổi "thất thập" từ lâu luôn tự tin vào quyền lực và sự an toàn của mình đến độ ông tự cho phép bản thân đi nghỉ những chuyến dài bên ngoài Zimbabwe sau Giáng sinh.
Thế mà chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, vị tổng thống 93 tuổi đã bị tước bỏ hết mọi thực quyền dẫu cho ông vẫn đang là tổng thống.
Mâu thuẫn bên trong Zimbabwe đã âm ỉ từ lâu, với tham vọng từ đệ nhất phu nhân gây tranh cãi Grace Mugabe và cuộc chiến ngấm ngầm của bà với cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa. Mọi chuyện bị đẩy lên đỉnh điểm bằng việc tổng thống cách chức Mnangagwa và ông này phải lưu vong sang Mozambique để tránh bị bắt. Vài giờ trước khi cựu phó tổng thống trốn chạy khỏi Zimbabwe, Christopher Mutsvangwa, người đứng đầu hội cựu chiến binh và là đồng minh thân cận của Mnangagwa, đã bắt một chuyến bay đến Nam Phi.
Theo tiết lộ từ July Moyo, một đồng minh của cựu phó tổng thống, trong vài ngày sau đó, Mutsvangwa đã gặp các quan chức tình báo Nam Phi và cảnh báo họ về một cuộc can thiệp quân sự có thể xảy đến ở Zimbabwe. Ông cố gắng thuyết phục phía Nam Phi không dùng từ "đảo chính" để miêu tả cuộc can thiệp này. Câu chuyện này không được kiểm chứng nhưng chính phủ Nam Phi đã không dùng đến từ "đảo chính" trong tuyên bố chính thức của họ sau khi cuộc can thiệp quân sự nổ ra hôm 15/11.
Các nhà quan sát chính trị còn cho rằng gốc rễ sự sa cơ hôm nay của Mugabe đến từ người vợ thứ 2 của ông và tham vọng chính trị của bà.
Không như người vợ đầu tiên rất được người dân yêu mến, Grace Mugabe là một nhân vật gây tranh cãi. Một số người khác cho rằng bà là một chính trị gia tham vọng và rất có khả năng sẽ trở thành người lãnh đạo tiếp theo của Zanu PF, tiếp đến là vị trí lãnh đạo quốc gia.
Tiếng tăm chính trị của Grace Mugabe đến sau danh tiếng về tài năng tiêu pha của bà. Tình yêu của Grace với các nhà thiết kế đã khiến bà có biệt danh "Gucci Grace". Bà từng tấn công một nhiếp ảnh gia ở Hong Kong với nắm đấm đầy kim cương của bà. Gần đây, bà phải ra khỏi Nam Phi để tránh bị bắt sau khi một người mẫu đã cáo buộc bà đánh cô ấy bằng dây điện.
Không như nhiều chính trị gia khác, Grace tỏ ra thoải mái với cuộc tranh giành quyền lực này. Bà cười trước trò đùa của mình và đám đông thì hưởng ứng. Những người yêu thích xem bà như một "làn gió mới" trong nền chính trị Zimbabwe, một người dám nói sự thật.
Grace Mugabe trong một cuộc diễu hành trước người ủng hộ tại Harare. Ảnh: Getty. |