Nếu như SEA Games 28, điền kinh mang về cho đoàn thể thao Việt Nam 11 HCV đã là một bước tiến đáng kể so với các kỳ SEA Games trước, thì ở SEA Games năm nay, có thể nói điền kinh Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt lịch sử khi giành tới 17 HCV và soán ngôi số 1 của điền kinh Thái Lan.
Quan trọng hơn, một số nội dung có thể hy vọng giành huy chương ở ASIAD 2018.
Đội tuyển điền kinh Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 29 và hướng tới ASIAD 2018. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Đầu tiên và sáng cửa nhất là nhảy xa nữ. Thành tích giành HCV của Bùi Thị Thu Thảo ở SEA Games vừa qua (6m68) còn tốt hơn cả thành tích giành HCV ASIAD 2014 của VĐV người Indonesia Maria Natalia Londa (6m55).
Kế đó phải kể đến kỷ lục SEA Games mới ở nội dung 400 m rào của Nguyễn Thị Huyền 56 giây 06 cũng giúp chân chạy người Nam Định hoàn toàn có thể nghĩ đến việc giành huy chương ở ASIAD 2018 bởi nhỉnh hơn thành tích giành HCB ASIAD 2014 của VĐV Satomi Kubokura (Nhật Bản) 56 giây 21.
Tương tự như vậy, thành tích nhảy 3 bước của Vũ Thị Mến (14m15) cũng nhỉnh hơn thành tích giành HCB ASIAD 2014 của VĐV Aleksandra Kotlyarova (Uzbekistan, 14m05).
Tấm HCV lịch sử của đội tiếp sức nữ 4 x 100 m vừa qua khiến người ta có thể tin tưởng rằng nếu được đầu tư tích cực, thì 1 năm sau Tú Chinh và các đồng đội hoàn toàn có thể làm nên chuyện trên đất Indonesia bởi thành tích 43 giây 88 vừa đạt được còn nhanh hơn 2% giây so với thành tích giành HCB của Kazakhstan 3 năm trước (43 giây 90).
Bên cạnh đó, thành tích của Lê Tú Chinh ở nội dung 200 m nữ, Dương Văn Thái ở nội dung 800 m nam, Quách Công Lịch ở nội dung 400 m rào nam, Bùi Văn Đông ở nội dung nhảy xa nam cũng xấp xỉ thành tích giành HCĐ ở Á vận hội 2014, hứa hẹn sẽ có thể tranh chấp HCĐ ở các nội dung này.
Nguyễn Thị Huyền cũng là niềm hy vọng giành huy chương cho điền kinh Việt Nam tại ASIAD. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Nếu được đầu tư mạnh mẽ ở các nội dung này, điền kinh Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua được thành tích giành được ở ASIAD 2014 (2HCB của Quách Thị Lan nội dung 400 m nữ và Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa nữ).
Ở môn bơi lội, 3 năm trước Ánh Viên giành được 2 tấm HCĐ ở các nội dung: 400 m hỗn hợp và 200 m ngửa. Tuy nhiên nếu căn cứ vào thành tích của “tiểu tiên cá” ở SEA Games 29 thì nội dung duy nhất mà Ánh Viên có khả năng tranh chấp ở đấu trường châu lục vào năm tới là 200 m tự do (HCĐ ASIAD 2014 có thành tích là 1 phút 59 giây 34 còn thành tích của Ánh Viên là 1 phút 59 giây 24).
Hai nội dung Ánh Viên từng giành huy chương ở ASIAD thì thành tích lại đang sụt giảm: từ 2 phút 12 giây 25 xuống còn 2 phút 13 giây 64 (200 m ngửa), từ 4 phút 39 giây 65 xuống còn 4 phút 45 giây 82 (400 m hỗn hợp). Nếu không cải thiện thì 2 nội dung này, Ánh Viên khó bảo vệ được tấm HCĐ chứ chưa nói gì đến việc đổi màu huy chương, bởi thành tích này còn thua xa người xếp thứ 4 ASIAD ở các nội dung này.
Kình ngư Ánh Viên sẽ phải nỗ lực cải thiện thành tích ở những nội dung sở trường mới có thể cạnh tranh huy chương ở ASIAD 2018. |
Bên cạnh đó, nội dung khác mà thành tích của kình ngư người Cần Thơ cũng có thể tiệm cận mốc HCĐ ASIAD là 800 m tự do (8 phút 35 giây 55, còn HCĐ ASIAD là 8 phút 34 giây 66).
Nhìn sang các VĐV nam, thành tích giành HCV của kình ngư trẻ Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung 1.500 m tự do (15 phút 20 giây 10, phá sâu kỷ lục SEA Games) so với châu lục thì mới chỉ xếp thứ 5 và còn kém gần 2 giây so với người xếp thứ 4 ở ASIAD (15 phút 18 giây 46).
Tương tự như vậy, thành tích giành HCV của kình ngư trẻ khác là Nguyễn Hữu Kim Sơn ở nội dung 400 m hỗn hợp (4 phút 22 giây 12) cũng chỉ giúp anh lọt vào top 5 châu lục, thậm chí là còn kém rất xa thành tích của người xếp thứ 4 ở nội dung này (4 phút 10 giây 49).
Có triển vọng nhất trong số các VĐV nam lại là Hoàng Quý Phước. Tại SEA Games 29, kình ngư người Đà Nẵng không bảo vệ được tấm HCV đã giành được ở SEA Games 28. Tuy nhiên, thành tích giành HCB của Quý Phước ở 2 cự ly 100 m tự do (49 giây 31) và 200 m tự do (1 phút 48 giây 07) lại khá ấn tượng, đều tốt hơn thành tích giành HCĐ ASIAD 2014 (49 giây 47 và 1 phút 49 giây 25).