Chiều 6/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ đại diện cho nhiều doanh nghiệp, học giả lớn của Việt Nam để lắng nghe, thảo luận về các sáng kiến và góc nhìn với mục tiêu cốt lõi là "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045".
Sau khi lắng nghe những ý kiến phát biểu, Thủ tướng khẳng định những đóng góp của đại diện các doanh nghiệp đã cho thấy một khát khao cháy bỏng cho một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. Đây là tình cảm lớn lao của doanh nhân, trí thức dành cho đất nước.
Kết thúc cuộc đối thoại, Thủ tướng cho biết doanh nghiệp và các trí thức đã nêu ra được 6 vấn đề chính cần chú ý bao gồm phát triển con người và công nghệ; đổi mới thể chế cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản; trao cơ hội cho sự phát triển của mọi doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho người dân, các thành phần doanh nghiệp Việt Nam trong khối kinh tế tư nhân; tăng cường kết nối hạ tầng, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp, nhất là về đất đai; chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, không để ai bị bỏ lại phía sau; và bảo vệ văn hóa Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại "Việt Nam - 2045". Ảnh: Duy Anh. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh trong thời đại ngày nay, mục tiêu của doanh nghiệp không nên được định nghĩa là tối đa hóa lợi nhuận, mục tiêu của doanh nghiệp không đơn thuần là tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông mà phải tạo ra giá trị xã hội, góp phần vào thịnh vượng chung của đất nước.
Qua đây, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số công việc. Thứ nhất, cần thống nhất tư tưởng hành động của hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Thủ tướng và các bộ trưởng cam kết bảo đảm sự ổn định về kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách. Các bộ, ngành và địa phương trên cả nước phải mở rộng khả năng tiếp cận nguồn lực và cơ hội tham gia của doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư.
Thứ ba, đảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo, nới rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy tính tự chủ trong cạnh tranh của nền kinh tế tư nhân.
Thứ tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa nguồn nhân lực. Thứ năm, là đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực.
Đánh giá về buổi đối thoại, Thủ tướng cho rằng đối thoại "Việt Nam - 2045" là cuộc đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, giới trí thức nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách bền bỉ, liên tục, xuyên suốt, nhất quán nhằm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2045.
Sự kiện này cũng thể hiện sự kết tinh của tinh thần yêu nước giữa người dân, doanh nghiệp, trí thức với sự phát triển của đất nước. Đối thoại là cơ hội để doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở tinh thần đoàn kết, niềm tin mà còn ở bản lĩnh chính trị, trí tuệ.