Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mùa vịt chạy đồng

"Hò ơi, muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, tôi thuộc lòng câu ca đó từ những người nuôi vịt mỗi năm hay ghé lại xóm tôi cắm chòi sau mùa thu hoạch lúa.

Vit chay dong anh 1

Nuôi vịt chạy đồng ở miền Tây. Ảnh: Zen Nguyễn.

Nghe cũng lạ, nghề nghèo, nhưng họ vẫn cứ đeo theo, từ năm này sang năm khác, từ đời trước đến đời sau... Trong ký ức tuổi thơ của tôi bao năm, vẫn người đàn ông hay ca câu “muốn nghèo nuôi vịt” luôn trở lại. Hành lý, nghề nghiệp ông mang theo chẳng có gì khác so với mấy năm trước, kể cả nhân dạng cũng không thấy già hơn. Người đàn ông hay nói với tôi rằng: “Tao đã già trước từ hồi mười ba tuổi, lúc mới theo nghề chăn vịt, nên giờ chẳng già thêm chi”.

Họ đến bằng những chiếc ghe, chẳng phải ghe của họ, mà thuê đâu đó, bởi nếu có ghe, họ đâu đi lùa vịt làm chi. Ghe xin tấp vào chỗ bến nhà tôi, bởi bên hông nhà có con đường mòn dành cho máy cày máy cắt vào đồng.

Họ lùa bầy vịt táo tác sau cả ngày ròng rã đứng dưới ghe đói meo lên cánh đồng vừa mới cắt xong. Tụi vịt thấy đồng, háo hức chẳng khác nào con nít lạc vào thế giới cổ tích. Chúng nó vừa chạy vừa kêu “quạc quạc” nghe cũng vui tai.

Mỗi đoàn du mục đến đây đi theo từng hộ gia đình, có khi cũng chỉ hai cha con người chăn vịt áo rách không thèm vá. Họ mang theo hai, ba ngàn con vịt, đó là thứ tài sản vốn liếng, nguồn sống duy nhất theo họ gần như suốt cuộc đời.

Bầy vịt sẽ dừng chân ở mỗi cánh đồng chừng một đến ba tháng, vậy nên, nơi họ ở cũng chẳng kiên cố làm chi, ở chưa ráo đất là thấy sắp dời đi nơi khác nữa rồi. Chỉ vài ba cây tre làm cột kèo, một tấm bạt ni lông làm nóc, họ dựng lên trên bờ đê những cái trại tạm bợ.

Vậy mà tôi mê tít trại vịt ấy chẳng khác nào mê đắm một thiên đường của tuổi thơ giàu màu sắc. Có lẽ do trại của họ chật chội đơn sơ, có nét giống giống cái nhà chòi trẻ nít nên tôi thích. Những buổi trưa mùa hè, tôi hay len lén trốn má chạy ra ngoài chòi vịt của họ, cách nhà một quãng đồng không xa lắm.

Hè, những đứa con của người du mục cũng theo ba má đến nơi đây. Trong lúc ba má chăn bầy vịt ở cuối cánh đồng cách chúng tôi hơn hai cây số thì bọn trẻ ở lại trại chơi trò với đống rơm, đìa nước. Chúng khoét đống rơm thành một lâu đài, trong lâu đài ấy chất chi chít những pho tượng trâu bò gà vịt nặn từ đất sét, có cả cà ràng ông táo làm tôi mê mắt.

Nhưng thú vị hơn cả có lẽ là lúc trời sắp sụp chiều, khi bầy vịt được lùa về, thế nào ba má của những đứa bạn tôi cũng sẽ mang về con rắn nước, chùm chuột đồng hay vài ba trái xoài, trái ổi mọc hoang trên bờ đê, rìa ruộng. Họ lục đục nấu nướng trong khi bầy vịt tắm táp dưới ao đìa, còn đám trẻ tranh nhau đếm vịt.

Những con cá lóc câu được từ đìa, họ đem nướng thơm phức. Chùm chuột được làm sạch sẽ, banh ra trên cái kẹp bằng tre rồi nướng rơm, hoặc có khi là con rắn nấu canh đu đủ...

Họ í ới gọi nhau, trại nào có món ngon gom về trại đó, đàn ông vừa ăn vừa lai rai nhậu, đàn bà ngồi ăn mâm riêng ở phía sau trại, rôm rả kể chuyện lượm hột vịt đêm qua trúng thất ra sao, giá lúa năm nay cao hay thấp... Họ luôn canh cánh những nỗi lòng nhưng chưa bao giờ tắt đi tiếng cười hào sảng.

Những buổi chiều mê chơi quên cả về nhà má lội bộ ra đồng tìm tôi dắt về, không hiểu sao trong những lần ấy, má chưa bao giờ rầy la tôi một tiếng nào cả. Có lẽ năm xưa ông bà ngoại nghèo, má lên đồng từ thuở còn thơ, cực nhọc với ruộng và bầy vịt, nên má muốn tôi hiểu những bài học từ nghề nuôi vịt. Cũng có khi trời sụp tối rồi, chưa thấy má ra đón. Ông già chăn vịt tôi quen xách cái đèn pin hoặc đội cái đèn soi nhái lên đầu, dắt tôi băng qua cánh đồng về nhà. Khoảng đồng không xa mấy, nhưng cái cảm giác bước chân trên đất giữa trời đêm mịt mùng tối làm tôi cứ nhớ mãi khôn nguôi trong một nỗi bùi ngùi rất lạ. Để rồi khi đưa tôi về đến nhà, ông già quay lại trại, tôi đứng phía sàn nước nhìn theo ông mãi. Bóng dáng người đàn ông nhập vào trong bóng tối, chỉ còn mỗi cái ánh đèn là le lói chập chờn trên khoảng đồng đêm, và xa xa, cũng chập chờn những ánh đèn hắt ra từ bình ắc quy nơi trại vịt.

Tôi dầu biết được, lúc tôi vẫn còn ngủ say trong nhà ấm áp thì những đứa bạn cùng lứa với tôi, con của những người du mục, phải lục đục thức dậy giữa đêm khuya khi nghe vịt kêu ổ, tiếp ba má lượm từng cái trứng vịt trong ổ rơm, để má tụi nó kịp lội bộ mấy cây số đường mang ra chợ bán.

Vậy nên, mỗi khi cầm trứng vịt đồng trên tay, tôi luôn thấy bóng dáng của những giọt mồ hôi và cả nước mắt của những người chăn vịt trên đồng. Mãi đến khi lớn lên, tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng câu hỏi, nếu nghề nghèo khó quá, sao họ theo nghề làm chi. Tôi đem thắc mắc ấy hỏi nhiều người chăn vịt, họ kể rằng theo nghề từ đời ông nội, đời ba má và đến đời mình. Ba má cho con cái ra riêng, vốn liếng chẳng có gì hơn là ba trăm con vịt vốn. Cứ vậy mà nuôi, gầy dựng từ từ. Không giàu nhưng nghề đủ nuôi con cái ăn học, đi rong ruổi cũng có niềm vui của rong ruổi, nên đi.

Cũng có khi thất bát dịch giã, phải bán tháo đàn vịt, lên phố làm công nhân. Nhưng phố thị ồn ào tiếng xe làm nhớ quá tiếng vịt đồng, tiếng ếch nhái, lại quay về quê nuôi vịt. Đêm, nghe mưa gió, sương đêm rơi lộp độp, vịt nhảy ổ kêu ầm ĩ hay ễnh ương gọi nhau rền vang trên mặt ruộng, vậy mà lại ngủ ngon lành.

Ông bạn già của tôi bảo rằng, tụi vịt nuôi mình bao đời, nay mình cũng phải nuôi chúng lại, nên ở cái tuổi gần bảy mươi rồi, ông vẫn ngày ngày rong ruổi. Tết nhất cũng hiếm khi về nhà, nhưng mỗi chiều xuống, ngồi lai rai với bạn đồng vài con ếch nướng rơm, cơm nguội chan mắm sống, đờn vài điệu “ba Nam, sáu Bắc”, ngân lên câu vọng cổ mà nghe mát dạ mát lòng.

Còn nghề nào vui hơn nghề này không? Nhưng muốn vui thì phải cực! Cái triết lý “muốn vui thì phải cực” của ông già bao năm cứ lẽo đẽo theo tôi, trở thành lời dặn dò từ khi nào không biết. Mỗi khi đứng trước sóng gió khó khăn, tôi luôn nhớ đến ông bạn chăn vịt và những người du mục, họ chỉ ghé qua nhà tôi mỗi năm một, hai lần nhưng lại vẽ nên trong lòng bao cảm xúc. Để rồi mỗi khi nhớ quê, trong cái không gian đồng vọng ấy, luôn có tiếng vịt chạy đồng hòa cùng mùi rơm thơm cọ vào ký ức... xôn xao.

Lê Quang Trạng/Chi Books và NXB Lao động

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.