Ông Văn cho biết đến thời điểm này, các chỗ đi tàu trong các ngày cao điểm trước Tết đã bán được 92%, các chỗ còn lại chủ yếu tập trung vào các ngày 29, 30, 31/1/2016 đi từ ga Sài Gòn, Biên Hòa đến các ga Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nội...
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng, trong các ngày cao điểm từ 20 đến 28 tháng chạp, Đường sắt Việt Nam có bán vé ghế phụ, ghế chuyển đổi (giường tầng 1 bán 3 ghế).
Việc bán vé ghế phụ, ghế chuyển đổi cũng như việc không đáp ứng hết nhu cầu của khách đi tàu trong dịp tết là điều hoàn toàn không mong muốn của ngành đường sắt.
“Cò” vé (bên trái) bán vé tàu tết cho khách tại ga Sài Gòn. |
Ông Văn cũng lưu ý khách hàng không nghe lời dụ dỗ mua vé tàu từ “cò” vé ở ngoài ga Sài Gòn để tránh mất tiền oan. Theo đó, các thẻ lên tàu hỏa và chứng minh nhân dân kèm theo mà các đối tượng bên ngoài rao bán đều là bản copy không trùng khớp với thông tin với khách đi tàu.
Bên cạnh đó, không thể loại trừ các “cò” vé còn có thể in ra nhiều bản bán cho nhiều người. Nếu lỡ mua vé tàu chợ đen, hành khách không thể lên tàu được. Hành khách chỉ dùng thẻ lên tàu hỏa và giấy tờ tùy thân (bản chính) trùng khớp với thông tin trên thẻ mới có thể trả vé, đổi vé và đi tàu.
Theo ông Văn, từ ngày 1/9 Đường sắt Việt Nam sử dụng hệ thống bán vé điện tử và hóa đơn điện tử. Khi mua vé, khách hàng nhập (hoặc cung cấp) thông tin về họ tên và số giấy tờ tùy thân của người đi tàu. Sau đó, khách hàng nhận được thẻ lên tàu hỏa (tự in hoặc in tại các điểm bán vé).
Thẻ lên tàu hỏa có thể in lại khi bị mất hoặc hỏng. Khi lên tàu, hành khách cần có thẻ lên tàu hỏa và giấy tờ tùy thân (bản chính) có thông tin phù hợp với thông tin trên thẻ lên tàu hỏa.
Khách hàng cần hóa đơn thì cung cấp thông tin về tên đơn vị, mã số thuế... khi mua vé và sau đó truy cập vào trang web http://hoadon.vantaiduongsathanoi.vn hoặc http://hoadon.duongsatsaigon.vn để in hóa đơn. Khách hàng cũng có thể đến các quầy vé để yêu cầu in hóa đơn.