Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mùa vải... đắng

Tại các điểm mua, vải thiều Lục Ngạn và vải thiều Thanh Hà được bán khoảng 8.000 đồng/kg, chỉ đủ trả công hái và chi phí chăm sóc.

6h, trên tuyến đường chính chạy qua huyện Lục Ngạn, hàng ngàn người dân lấm lem bùn đất với những sọt vải đỏ mọng, tươi rói cao quá đầu tập trung tại các điểm mua chính như thị trấn Chũ, ngã ba Kép, trung tâm xã Biên Sơn, Hồng Giang... mong sao mở hàng sớm và được giá.

Giá bèo nhưng không thể bỏ cây vải

Tại các điểm mua, thương lái đứng ngay giữa đường luôn vẫy tay, thấy xe vải nào đẹp thì gọi vào. Nếu gặp xe vải không ưng ý, các thương lái không hề kỳ kèo mà quay ngoắt đi vẫy xe khác.

Vải thiều trúng mùa nhưng người dân Lục Ngạn buồn bã.

Vải thiều trúng mùa nhưng người dân Lục Ngạn buồn bã.

Anh Đặng Văn Kỳ (36 tuổi, trú thị trấn Chũ) mệt mỏi: “Chạy mấy điểm mua mà vẫn chưa bán được. Giá họ trả 8.000 đồng/kg thì bèo quá. Tôi cố chạy thêm mấy điểm nữa giá vẫn thế nên phải bán, chứ để lâu quả vải không còn giá”. Cũng như anh Kỳ, ông Nguyễn Hoàng Quân (56 tuổi, thôn Đầm, xã Phượng Sơn) vừa cất “tấm vé giá” vào túi áo nói: “Bán được 9.000 đồng/kg. Chuyến này tôi chở hơn 1 tạ, trừ đầu trừ đuôi cũng bán được 900.000 đồng, không có lãi vì tiền nhân công thuê hái vải 4 người mất 600.000 đồng chưa kể cơm nuôi, còn tiền phân đạm, thuốc trừ sâu nữa”.

Vất vả chăm bón gốc vải, giá lại bấp bênh nhưng người dân nơi đây không nghĩ đến việc phá bỏ cây vải bởi một lẽ giản đơn: họ gắn bó với cây vải hàng chục năm nay và vải từng là cây “hái ra tiền”. Anh Hoàng Viết Dương (38 tuổi, thôn Trại Thượng, xã Hồng Giang) chia sẻ: “Giá bèo nhưng chúng tôi không thể bỏ cây vải bởi chuyển sang trồng cây khác thì không có vốn, không biết kỹ thuật trồng. Mà nếu trồng cây khác thành công, được mùa thì liệu có như cây vải, thị trường mở rộng hơn không?”.

Xây lò sấy rồi bỏ hoang

Khó trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ

Ngoài các hội nghị xúc tiến thương mại, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc tìm các thị trường ở phía Nam cũng như ở nước ngoài về việc tiêu thụ vải thiều từ trước khi bước vào vụ mùa. Tuy nhiên thị trường không thuận lợi, người dân vẫn phải bán cho thương lái. Đặc biệt năm nay sản lượng vải thiều bán sang Trung Quốc giảm so với mọi năm trước đây nên giá cả cũng ảnh hưởng. Để tìm đầu ra cho trái vải, Bắc Giang đã đưa sản phẩm về vải sang chào tại thị trường Nhật Bản và sẽ tiếp tục giới thiệu ở nhiều nước khác.

Ông Vũ Đình Phượng
(phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang)

Trong khi giá trái vải tươi rẻ như bèo, trái vải chín rụng đầy vườn nhưng những lò sấy vải mới xây tại Lục Ngạn bị bỏ không, để rêu mọc. Ông Nguyễn Minh Cường (thôn Trại 3, xã Quý Sơn) cho biết nhà có bốn người, cuộc sống của cả gia đình dựa hết vào gần 1ha trồng cây vải thiều. Các năm trước cho dù vào mùa vải chín rộ cũng không lo vì có máy sấy. Hàng sấy chủ yếu được đưa đi Trung Quốc tiêu thụ với giá cả khá tốt. “Nhưng năm nay họ mua rất ít, giá rất bèo nên chúng tôi không ai sấy nữa, chỉ hái vải tươi rồi mang ra chợ để bán. Thương lái trả giá bao nhiêu thì đành vậy vì vải chín không hái xuống cũng hỏng”, ông Cường nói.

Theo chị Nguyễn Thị Thảo (34 tuổi, ở thôn Cầu Đất, xã Phượng Sơn), để chủ động trong việc bảo quản, mấy năm trước gia đình chị đã vay mượn anh em trong họ hàng để xây một lò sấy. Nhưng hai năm nay giá vải khô rẻ như bèo, trừ tiền công, chi phí sấy thì giá bán chỉ hòa tiền vốn mà không có lợi nhuận nên gia đình chị đành bỏ không lò sấy. “Từ ngày sản phẩm vải khô không bán được, người dân chỉ còn biết hái vải tươi trên cây xuống là mang ra chợ bán luôn. Không tiêu thụ kịp, người dân kéo giãn thời gian thu hoạch, năng suất và chất lượng vải bị giảm, do úng và thối nhiều”, chị Thảo nói.

Bà Nguyễn Thị Tân (xã Phượng Sơn) cho biết người trồng vải không có nhiều lựa chọn, hái rồi phải bán, không bảo quản được. Mấy năm trước vải khô còn được giá, không bán được người dân đem về sấy cũng có ít lãi. “Nhưng hiện nay vải khô chỉ có giá 13.000-15.000 đồng/kg, trong khi cần đến 3 kg vải tươi mới sấy được 1kg  vải khô, chưa tính đến những chi phí khác nên càng sấy càng lỗ. Lò sấy đành để không", bà Tân cho biết.

 

Nhiều khó khăn trong chế biến vải thiều

Do thời gian thu hoạch rộ chỉ 20-25 ngày, các doanh nghiệp chế biến vải chịu một áp lực rất lớn về bảo quản và nhân công chế biến. Nếu như để chế biến một container dưa leo chỉ cần 12-15 người, thì để làm một container vải cần đến 250 người để bỏ vỏ và hạt vải. Làm vải đóng hộp rất khó vì dễ bị hư hỏng. Ngoài ra, chất lượng trái vải không đồng đều nên khó biết có thể chế biến được hay không.

Thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được đơn hàng từ một đơn vị phân phối rất lớn nhưng chưa đáp ứng được vì thiếu nhân công. Các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... cũng có nhu cầu vải chế biến nhưng yêu cầu khá cao mà VN chưa đáp ứng được nên họ đang nhập khẩu từ Trung Quốc. Để giải quyết hiện trạng này, trước hết các nhà vườn phải ổn định được chất lượng quả vải, làm theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để tạo nguyên liệu cho các ngành sơ chế, chế biến như sấy khô, cấp đông, đóng hộp, ép nước...

Ông Phan Văn Thưởng
(giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, Bắc Giang)


 

Thị trường vải chế biến có giới hạn

Đối với các loại trái cây thì bán tươi phải là chính và đem lại lợi nhuận tốt nhất chứ không phải là chế biến. Từ đầu vụ đến nay, giá bán vải thiều ở miền Bắc tuy không được cao như mong muốn của người dân do nguồn cung dồi dào nhưng cũng có thể chấp nhận được. Đã có một số đơn vị tham gia vào khâu chế biến như làm vải sấy khô, vải đóng hộp, nước vải và vải đông lạnh nhưng do giới hạn đầu ra nên chưa nhiều.

Các sản phẩm sấy khô cũng chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu chế biến đóng hộp thì cần rất nhiều công nhân có tay nghề, được đào tạo và phải có dụng cụ sản xuất, tức là tốn nhiều tiền đầu tư. Thế nhưng thời gian làm vải chỉ kéo dài khoảng một tháng thì sau đó số công nhân này sẽ làm gì, đi đâu. Hơn nữa, không chỉ VN mà nhiều nước khác cũng trồng vải như Trung Quốc, Thái Lan nhưng thị trường thế giới biết về trái vải này không nhiều.

Ông Lê Văn Ánh (giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả I, Hà Nội): 

 

http://tuoitre.vn/Kinh-te/614001/mua-vai--dang.html

Theo Trần Mạnh/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm