Tại quê hương của vải – Lục Ngạn, Bắc Giang, từ khi vào vụ thu hoạch vải cách đây hơn một tuần, tuyến đường trên quốc lộ 31, đoạn qua xã Phượng Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang), nơi có vựa vải lớn nhất cả nước thường xuyên tắc nghẽn vào cuối buổi sáng và chiều do lượng xe tải, container đông nghịt từ khắp nơi đổ về mua vải.
Cư dân mạng kêu gọi mua vải để ủng hộ người dân. |
Giá vải được đánh giá cao hơn mọi năm từ 10.000 đồng đến 18.000 đồng/kg nhưng do giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn, xuất khẩu cũng giảm hơn so với mọi năm nên người trồng vải lao đao ở khâu tiêu thụ. Có những thời điểm vào cuối buổi chiều, giá vải hạ xuống còn 7.000 đồng/kg vẫn kém hút người mua do nguồn cung lớn hơn cầu.
Trên đường phố Hà Nội, đâu đâu cũng thấy vải. Vải ê hề khắp các chợ, tràn lan trên vỉa hè thủ đô.
Xót lòng trước cảnh vải ế tràn lan khắp đường phố, cư dân mạng đua nhau kêu gọi, mua vải ủng hộ người dân. Theo nhiều người, hành động đó đồng thời còn là cách để mỗi cá nhân thể hiện lòng yêu nước. Người Việt Nam mua vải của Việt Nam vừa là nguồn hoa quả sạch, vừa “cứu” được bao gia đình người dân trồng vải.
Những chia sẻ và kêu gọi người dân mua vải, ủng hộ người trồng vải của cư dân mạng. |
Những câu status như: “Mua vải để ủng hộ người dân”, “Là người Việt Nam hãy ăn vải của Việt Nam”, được các cư dân mạng ủng hộ và chia sẻ nhiều ngày nay.
Trên trang cá nhân, Facebooker Đức Lộc Nguyễn đăng hình ảnh vải ê hề, tắc nghẽn trên quốc lộ 31 với chia sẻ: “Lần đầu hiểu được tình cảnh, nhìn thấy đẹp mà đau”. Dòng chia sẻ trên đã thu hút gần 600 lượt người like, và hơn 20 lượt chia sẻ và nhiều đồng tình, bày tỏ sự cảm thông với người dân: “Vải đắng chát! Thương người nông dân quá...”; “Ảnh đẹp, nhưng sao thấy xót xa!”; “Nhìn cảnh này sao thấy lòng đau như cắt. Người nông dân phải làm sao?”; “Mỗi người phương Nam hãy mua dùm một ký vừa ý thức vừa thưởng thước bà con ơi!”.
“Đắng lòng trước cảnh vải ê chề, 'thừa bứa chứa chan' như hiện tại. Người tiêu dùng như mình thì sung sướng, nhưng người trồng vải thì méo mặt. Giá vải ngày càng 'tụt' thấp. Hy vọng, người dân vẫn vững lòng cố gắng chăm sóc đồi vải. Sang năm, biết đâu tình hình sẽ khác, vải sẽ ngọt hơn, không đắng ngắt như năm nay”, Facebooker Van Anh... đồng cảm.
Trên Facebooker Thuy… kêu gọi: “Ai cũng nói yêu nước, nhưng yêu nước thì phải làm thế nào nhỉ? Với mình thì việc đầu tiên cần làm lúc này là tiêu thụ vải được mùa cho người dân. Mỗi ngày đều mua vải, ăn vải thay vì hoa quả Trung Quốc hay hoa quả nhập khẩu. Vải chế biến được nhiều món lắm nhé! Như là chè vải nhồi cốm, thạch siro nho vải, chè vải rau câu, vải ngâm, canh vải thiều, mực xào vải khô, vải xào nhồi tôm, gà nấu trái vải, gỏi vịt quay trái vải, vải ép nước uống…”
Bên cạnh những cảm thông, chia sẻ của cư dân mạng về nỗi vất vả của người trồng vải khi vải được mùa nhưng “rớt” giá, một số người còn suy nghĩ về cách giải quyết cho việc làm thế nào để không để xảy ra tình trạng như hiện tại.
Facebooker Tho Van Nguyen nêu câu hỏi, đồng thời cũng như một gợi ý cho các nhà doanh nghiệp Việt Nam ở Đức và châu Âu: “Các nhà doanh nghiệp Việt Nam ở Đức, châu Âu nghĩ gì? Tới Đức vào đầu mùa vải, một nhúm nhỏ dăm quả vải đắt như vàng. Bạn Hung Nguyen chiều vợ con cũng chỉ dám mua hơn chục quả.Trong khi đó vải Việt Nam đầu mùa 85.000 đồng một kí. Giữa mùa 15.000 tới 30.000 đồng. Nếu mua ở gốc có lẽ rẻ hơn nữa. Vải xưa nay chỉ xuất sang Trung Hoa nuôi sống hàng ngàn gia đình ở Lục Ngạn... Sao người ta xuất được mà ta không xuất được chính ngạch? Xuất vải bây giờ là cứu bao gia đình, và là yêu nước thiết thực đấy. Tại sao các đại gia ở châu Âu và Đức không buôn thử nhở? Nhìn vải ê hề mà thương vải quá!”.