Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mùa Trung Thu giãn cách ở phố đèn lồng TP.HCM

Xóm làm lồng đèn truyền thống ở quận 11 bị phong tỏa do có nhiều ca dương tính, còn phố đèn lồng quận 5 năm nay cũng đìu hiu.

Trung thu anh 1

“Chị ơi, bán cho em bó rau muống!”

Đang tỉ mỉ chỉnh lại mấy chiếc lồng đèn, chợt nghe có tiếng khách gọi, chị Kim Thu treo vội đèn lên sợi dây thép rồi chạy ra ngoài. Hơn 30 năm gắn bó với nghề làm lồng đèn, đây là mùa Trung Thu đầu tiên gia đình chị Thu phải bán rau thay vì tất bật làm đèn cho khách.

Đìu hiu xóm đèn lồng

“Alo! Em ơi chị chuẩn bị xong 100 cái lồng đèn rồi. Em chịu khó đặt shipper qua lấy giúp chị nhé. Bên chị không chở qua được”, chị Thủy, chủ cửa hàng lồng đèn trên đường Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM, trao đổi với khách qua điện thoại.

Rằm tháng 8 cận kề, cửa tiệm vừa mở bán được 3 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức Trung Thu cho trẻ em khu cách ly và bệnh viện dã chiến. “Lúc thành phố thông báo tiếp tục giãn cách, tôi cứ nghĩ sẽ không có Trung Thu”, chị Thủy nói.

Trung thu anh 2

Con phố bán lồng đèn trên đường Hải Thượng đìu hiu trong mùa giãn cách. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Việc vận chuyển trở nên khó khăn trong thời điểm dịch bệnh khiến số lượng đèn bán ra giảm đáng kể. Là thế hệ thứ 2 trong gia đình có truyền thống kinh doanh lồng đèn ở quận 11, anh Hưng chia sẻ vào các năm trước đây, cửa hàng bán hơn 100.000 chiếc đèn. Năm nay do tình hình giãn cách siết chặt nên lượng bán ra chưa đến 10.000 chiếc.

“Chủ yếu là bán online. Hoặc các cơ quan Nhà nước, cơ sở y tế mua để tặng cho trẻ em”, anh Hưng nói.

Đa số đèn ở đây là sản phẩm của xóm đạo Phú Bình (quận 11), nơi sản xuất đèn thủ công nổi tiếng ở TP.HCM. Gắn bó với nghề làm đèn lồng từ khi còn trẻ, chị Nguyễn Kim Thu (42 tuổi) cho biết nghề này đã có mặt ở xóm đạo Phú Bình hơn nửa thế kỷ.

“Bố mẹ chị là người Nam Định vào TP.HCM lập nghiệp, rồi mang theo nghề truyền cho con cháu. Ngày còn nhỏ chị đã làm tập làm lồng đèn rồi, lâu dần thành đam mê”, người phụ nữ chia sẻ.

Mỗi năm, sau Tết Nguyên Đán là người dân xóm Phú Bình lại rục rịch chuẩn bị nguyên liệu để làm lồng đèn cho kịp mùa Trung Thu. Năm nay không khí trầm lắng, khác lạ. Chị Thu cho biết nhiều con hẻm ở Phú Bình đã bị phong tỏa vì có ca nhiễm nCoV, một số gia đình làm lồng đèn có người nhiễm bệnh, qua đời.

Còn lại lác đát vài gia đình vẫn làm, nhưng chỉ cầm chừng vì không biết có ai mua hay không. Để duy trì kinh tế chị Thu mở thêm sạp bán rau, trái cây để trang trải cuộc sống.

Vắng đi vẻ nhộn nhịp thường thấy ở xóm Phú Bình, Trung Thu ở TP.HCM cũng không trọn vẹn. Chị Thu bảo trước đây cả nhà phải thức thâu đêm để làm lồng đèn cho kịp giao cho khách. Có khi hàng xóm phải chạy qua phụ vì công việc quá tải.

“Hồi đó mệt mà vui, giờ có muốn mệt giống vậy cũng không được”, người phụ nữ nói.

"Qua đợt dịch này, năm sau phố đèn lồng lại vui”

Nhắc đến Trung Thu ở TP.HCM, không thể bỏ qua phố đèn lồng Lương Nhữ Học. Con phố nhỏ ở quận 5 luôn là điểm đến thu hút đối với hàng nghìn bạn trẻ và các gia đình có trẻ nhỏ ở thành phố.

Những gian hàng san sát nhau được trang hoàng bằng nhiều chiếc lồng đèn đủ màu sắc, từ truyền thống đến hiện đại tạo nên một không gian lễ hội rực rỡ.

Tuy nhiên, mùa Trung Thu năm nay đèn trên phố Lương Nhữ Học đã không được thắp sáng. Hàng rào chắn được thiết lập tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Lương Nhữ Học. Nhiều ngôi nhà vẫn còn dán tờ thông báo cách ly y tế trước cửa.

Trung thu anh 7

Hình ảnh trầm lắng của phố đèn lồng Lương Nhữ Học mùa Trung Thu 2021. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Sống hơn 20 năm ở phố đèn lồng, ông Trần Mạnh Hà (62 tuổi) cho biết: “Mấy năm trước từ rằm tháng 7 các gia đình ở đây đã bắt đầu dựng rạp để buôn bán. Đông vui lắm, mấy hôm cận Trung Thu, người ta chen nhau đi chơi tới tận khuya”.

Với nhiều gia đình ở khu vực này, Trung Thu là mùa thu nhập lớn nhất trong năm của họ. Thế nên sự tiếc nuối là không tránh khỏi. Anh Hữu Khoa, chủ một cửa hàng lồng đèn, nói đây là lần đầu tiên anh chứng kiến phố đèn lồng trầm lắng đến thế.

Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, người dân ở đây chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường. “Chỉ tội mấy đứa con nít. Nhưng thôi, mong là qua đợt dịch này, năm sau phố đèn lồng lại vui”, Ông Hà nhìn những chiếc đèn lồng bám đầy bụi treo trước cửa nhà.

Người phụ nữ lủi thủi trên chiếc thuyền ở TP.HCM

Không nhà cửa, không người thân bên cạnh, suốt nhiều tháng liền bà Hồng sống lủi thủi trên chiếc thuyền trong nỗi nhớ gia đình và niềm mong mỏi hết giãn cách.

Mẹ đơn thân giúp đỡ các gia đình F0 ở TP.HCM

Công việc đối diện với không ít rủi ro, mỗi ngày bà Linh vẫn tìm cách hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các gia đình có F0, F1 đang tự điều trị và cách ly tại nhà.

Bạn có thể quan tâm