Trong 2 ngày 8-9/9, Đồng Nai hứng chịu cơn mưa lớn, nhiều nơi bị ngập nặng. Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai, lượng mưa đo được là 165 mm, lớn nhất trong 20 năm qua.
Báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Đồng Nai (PCTT-TKCN), cơn mưa ngày 8/9 kéo dài từ 17h30 đến 23h45 đã khiến TP Biên Hòa ngập nặng. Các tuyến đường của Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Phúc Chu… ngập sâu từ 30 đến 80 cm.
Một tuyến đường tại TP Biên Hòa bị ngập trong cơn mưa vào đêm 8/9. Ảnh: Ngọc An |
Tuyến quốc lộ 51 (đoạn thuộc xã Phước Tân, TP Biên Hòa) bị ngập gần 1 m khiến các phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn. "Tình trạng ngập kéo dài từ 22h ngày 8/9 đến 6h hôm sau. Các phương tiện đến khu vực này đều dừng lại vì nước quá lớn. Những nhà dân ven quốc lộ cũng bị nước tràn vào", ông Hoàng Huy Thiều (người dân địa phương) cho biết.
Các khu dân cư thuộc phường Trảng Dài, Long Bình Tân, Tân Phong và xã Phước Tân (TP Biên Hòa) ngập từ 0,3 đến 1,5 m.
Ông Phạm Văn Hoàn (ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) kể: "Khuya 8/9, nước tràn vào nhà gần ngập hết chiếc tủ lạnh. Tôi và vợ phải leo lên gác để tránh. Đến 23h, thấy nước tiếp tục dâng nên tôi phải gọi điện nhờ công an phường và cảnh sát PCCC đến cứu. Các vật dụng như tivi, tủ lạnh, quạt điện… bị hỏng hết".
Cơn mưa lịch sử cũng làm một ngôi nhà tại phường Trảng Dài bị sập. Theo con số thống kê sơ bộ từ Sở NN-PTNT Đồng Nai, đợt ngập vừa qua làm 10 ha diện tích trồng rau tại phường Tân Phong hư hỏng, thiệt hại gần 1,8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Lê Phương, chuyên viên phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa cho biết: "Trên địa bàn TP có khoảng 23 điểm ngập. Nguyên nhân là các hệ thống thoát nước không được kết nối đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng nên không thoát nước kịp".
Cũng theo ông Phương, những năm trước, TP Biên Hòa ít khi xảy ra ngập úng do đô thị hóa chưa cao. Hiện tại, các công trình nhà ở, xí nghiệp… mọc lên san sát, nhiều hồ nước bị san lấp làm mất các đường thoát nước tự nhiên.
Nước mưa và sinh hoạt tại TP Biên Hòa chủ yếu thoát ra các suối Săn Máu, Bà Lúa, Cầu Quang… Những con suối này bắt nguồn từ các huyện lân cận, chảy qua Biên Hòa rồi đổ về sông Đồng Nai. Tuy nhiên, lòng suối đang bị thu hẹp dần bởi cây bụi và người dân lấn chiếm xây dựng công trình nên dòng chảy bị ngăn cản.
Ông Phương cho biết: "Hiện nay, nếu mưa trút xuống Biên Hòa chỉ trong 2 giờ, nhiều tuyến đường, khu dân cư sẽ bị ngập. Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này phải nâng cấp, xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước trên toàn thành phố. Những dự án này cần kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng".