Tại Việt Nam, các ngân hàng đang có những nỗ lực vượt bậc trong công nghệ và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu này của người dân và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Số liệu khảo sát của Master Card, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đạt được sự tăng trưởng ổn định với 68,4% người được khảo sát trả lời trong 3 tháng cuối năm 2013. Khảo sát cũng cho thấy rằng, thương mại di động là một thị trường tiềm năng, khi 94% có thể truy cập Internet từ điện thoại di động của mình.
Mua sắm trực tuyến được ưa chuộng bởi đơn giản và tiện lợi hơn hẳn cách mua sắm truyền thống. Là khách hàng thường xuyên của nhiều kênh mua sắm trực tuyến như Lazada, Hotdeal… chị Thanh Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Giờ mình không phải mất công đội mưa nắng đi từng cửa hàng để chọn lựa quần áo, giày dép nữa. Những lúc rảnh rỗi, mình chỉ cần lên mạng và đảo mắt qua các kênh mua hàng quen thuộc, thấy món nào đẹp thì click chuột là người ta giao hàng đến tận nhà”.
Ngoài mua sắm trực tuyến, người có tài khoản ngân hàng còn có thể thực hiện nhiều giao dịch khác, như thanh toán trực tuyến hóa đơn điện, nạp tiền điện thoại… ngay tại nhà hay văn phòng mà không tốn nhiều thời gian, công sức.
Trong lúc những lợi ích của mua sắm trực tuyến ngày càng rõ rệt hơn đối với người tiêu dùng, ông Arn Vogels - Giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương, cho rằng: “Chìa khóa cho sự thành công của mua sắm trực tuyến sẽ là biết cách giải quyết những lo ngại bảo mật thanh toán và chất lượng sản phẩm, đồng thời gia tăng trải nghiệm của khách hàng thông qua những cải thiện, như giảm phí giao hàng và giúp các giao dịch mua sắm trở nên dễ dàng hơn”.
Trên thực tế, thị trường ngân hàng đang chứng kiến cuộc đua nhằm đáp ứng tốt hơn tính bảo mật và tiện lợi cho giao dịch trực tuyến, mà trong đó, lợi thế đang thuộc về những ngân hàng có tiềm lực tài chính lớn và có chính sách ưu tiên cho công nghệ.
Có thể kể tới Ngân hàng Techcombank với chiến lược chú trọng đầu tư phát triển nền tảng công nghệ ngay từ đầu những năm 2000. Cho đến nay, ngân hàng này vẫn liên tục duy trì đầu tư lớn hàng năm cho nâng cấp công nghệ, nâng cao tính bảo mật và đảm bảo an toàn thanh toán. Về phương diện bảo mật, Techcombank là một trong những ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam thử nghiệm và áp dụng cơ chế bảo mật RSA, một công nghệ bảo mật thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Chuyên gia Techcombank cho biết, khi sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến (IB) tại Techcombank, khách hàng sẽ được cấp mã PIN cố định để ghi nhớ cùng mã Token ngẫu nhiên và thay đổi liên tục. Để thực hiện giao dịch qua IB, người dùng phải khai báo cả hai mã này. Tương tự, có những cơ chế bảo mật khác nhằm ngăn chặn những rủi ro về an ninh như hacker, virus máy tính…
Ngoài yếu tố bảo mật, một yếu tố quan trọng khác quyết định hành vi của người dùng dịch vụ trực tuyến là sự tiện lợi của dịch vụ. Điều này phụ thuộc vào mức độ hiện đại và độ bao phủ của mạng lưới hạ tầng của nhà cung cấp. Techcombank có nền tảng cơ sở hạ tầng mạnh, mạng lưới đại lý rộng lớn, hệ thống máy ATM bao phủ hơn 90% trên toàn quốc, bao gồm 1.300 máy ATM Techcombank và hơn 15.000 máy ATM thuộc hệ thống liên minh thẻ Smartlink and Banknetvn. Nhờ đó, khách hàng của Techcombank có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nhằm nâng cấp các dịch vụ giao dịch, đồng thời củng cố hàng rào bảo mật, đem lại sự an toàn cho các hoạt động thanh toán của khách hàng, Techcombank liên tục nhận được các giải thưởng về công nghệ thông tin. Mới đây nhất, Global Banking & Finance Review - một tạp chí hàng đầu thế giới về tài chính ngân hàng của Anh, đã bình chọn Techcombank là Ngân hàng điện tử tốt nhất Việt Nam 2014.
Tư liệu: Techcombank