Đến như hỏi: “Nên chơi sách và sưu tầm sách từ buổi nào?” thì xin đáp: “Hãy tùy cơn mà mua sắm”.
Có anh mua mỗi ngày một cuốn sách vần cho con đi học, mới nghe ra tưởng đâu con và học sáng lắm, “cỡ học một biết mười”, nhưng kỳ thật cu cậu thuộc vào “hạng tân nhơn vật”, học rồi buổi nào thì vứt bỏ tập vở buổi ấy, không buồn đem về kẻo nhọc tay ôm, báo hại người cha muốn con hay chữ phải nai lưng kệch mua cả lố sách vần mà còn sợ con chưa đủ dùng, và thử đoán chơi một đứa con quái ác như vầy, may ra học đến thành tài, ắt phải sắm cho nó mấy bồ mấy xe sách vần và sách tập đọc!
Nhưng nhà chơi sách phải cho bền chí và đủ kiên nhẫn, đừng ngã lòng vô cớ. Nếu nhiều tiền mua một lượt đến hai ba thùng sách, kỳ tàu nào bên Pháp hoặc từ ngoại quốc đến đều có mua sắm thì ra người giỡn bạc, đâu quý hóa bằng gã nọ dành dụm từ tháng một, khi ít khi nhiều, có lúc đến nhịn cả ăn mặc để mua lần hồi từ cuốn từ quyển trong một bộ môn.
Sự thật là ta hãy giữ một bản sắc, một thể thức riêng, chớ có bồn chồn mua hốt mớ như chị bếp mua tôm mua cá ngoài chợ đông, mà phải kỹ càng chọn lọc từ hạng giấy đến cái bìa ngoài, làm thế nào cho phân biệt được người thanh với kẻ trược, cho món ăn tinh thần được xứng với tâm, chí của mình, cho tủ sách có một đặc sắc riêng, khi ấy mới đáng gọi rành nghề chơi sách.
Một điều nên chú ý là sách mua về phải lật ngay khi ấy xem xét có đủ trang đủ xấp hay chăng, hoặc có rách có lem luốc bên trong thì có thể xin đổi thay cuốn khác liền khi ấy được. Không gì bực mình và buồn lòng bằng lâu ngày lấy sách ra thấy có một số trang dư xấp đôi, một số trang khác lại thiếu mất, ấm ức để lòng, như thằng câm ăn ớt, muốn đổi cũng khó bề vì chuyện quá muộn rồi.
Luôn luôn trong tủ sách đừng cho loài truyện nhảm đứng kề những cảo thơm, và tránh đừng để những nguỵ thuyết tà thư đứng đồng hàng với loại văn chương cổ nhã.
Một số cuốn sách ấn bản đặc biệt. Ảnh: Đông A. |
Trái lại những loại bốn xu một hào mỗi quyển, chẳng nên vì giá tiền ít ỏi mà vội coi rẻ nó, như tôi biết bộ thơ Hồ Xuân Hương do Xuân Lan xuất bản năm xưa, chỉ ba xu bốn xu mỗi tập, như bộ Tam Quốc của Phan Kế Bính dịch thuật, chỉ có năm đồng bạc trọn bộ năm quyển dày có đóng bìa vải đen sẵn, như bộ Việt Lam Xuân Thu hoặc như bộ Chuyện đời xưa Trương Vĩnh Ký và nhiều bộ con con khác nữa, nếu tính gộp lại giá cũ không hơn hai chục bạc, thế mà cũng nhờ có nó mà một vị giáo sư Đại học đã mấy phen lặn lội, bổn thân xách ô xách dù đến tận nhà chủ nó trong Bà Chiều để hỏi mượn. Giá thứ những cuốn nho nhỏ kia đào kiếm dễ dàng hỏi đâu cũng có thì tội gì ông giáo sư phải “tam cố mao lư?”.
Rồi từ sự lựa chọn chung đến sự chuyên môn, còn một hạng chơi sách khác nữa là “hạng kén ăn” già lừa già lọc, không phải bất cứ sách nào hay cũng đều mua, mà còn buộc sách phải vào hạng mình ưa thích: sử-ký, tiểu thuyết trữ tình, trinh-thám, du ký, sách khảo về bác vật học, triết lý, văn chương hay sách khảo và nghề chụp ảnh, nghề trồng lan, nghề giảo nghiệm đồ sứ cổ...
Suy ra một mỹ nhân kiều diễm, không phải vì nhờ lớp phấn sáp bề ngoài, một bức tranh đẹp là đẹp lấy nó, chở không vì khung kính sáng ngời hay cái vành sơn son mạ vàng đỏ chói; cuốn sách hay cũng thế: Kiều bản giấy dó đặc biệt với Kiều bản thường cũng vẫn là Kiều, cũng là tác phẩm của Nguyễn Du, có khác chăng là khác chỗ nhà xuất bản và nhà chú thích.
Tuy vậy, theo lệ thông thường, bản in kỳ nhứt với những bản các kỳ sau vẫn có chỗ không giống nhau, và làm gì bản in kỳ đầu, đối với nhà chơi sách cũng biệt đãi hơn bản in kỳ tam kỳ tứ; một lẽ dễ hiểu là vì chính bản đầu được người ta chú ý nhứt: nhà viết văn cũng chưa biết sách mình tạo ra sẽ bán chạy cùng không, và vì vậy đã xiết bao quên ăn bỏ ngủ với vấn đề hoặc nhờ đứa con tinh thần mà sau này sẽ được ghi tên tuổi vào làng văn, hoặc bao nhiêu mồ hôi công khó “rặn” ra cuốn sách sẽ nặng nhẹ tùy đồng cản của người gánh giỏ tre đi mua giấy vụn.