Theo CNET, thông tin chấn động này vừa được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tiết lộ hôm 1/5. Trong cả hai lần phóng vệ tinh Orbiting Carbon Observatory năm 2009 và Glory năm 2011, tên lửa đẩy đều không thể tách được.
Tại thời điểm đó, NASA chưa biết chính xác nguyên nhân của sự cố, vì thiết kế bộ phận tách trên tên lửa Taurus XL đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ trước đó.
Dự án phóng vệ tinh Glory năm 2011 thất bại vì nhôm không đạt chuẩn. Ảnh: NASA. |
Giờ đây, điều tra của Chương trình Dịch vụ Khởi động NASA (LSP) cho thấy nguyên nhân của sự cố là vật liệu nhôm bị lỗi. Cuộc điều tra cũng vạch trần chân tướng lừa đảo của nhà sản xuất nhôm Oregon Sapa Profiles trong suốt 19 năm qua.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các nhân viên của Saga tại Portland, bang Oregon, đã chỉnh sửa kết quả của những đợt thử nghiệm thất bại, giúp vật liệu nhôm không đạt chuẩn vượt qua các bài kiểm tra trong suốt giai đoạn từ năm 1996 đến 2015.
"Sau đó, họ đã cung cấp kết quả kiểm tra sai cho hàng trăm khách hàng trên cả nước tất cả để tăng lợi nhuận doanh nghiệp và thu thêm lợi nhuận dựa trên sản lượng", G. Zachary Terwilliger, công tố viên Đông Virginia, cho biết.
Sapa - đổi tên thành Hydro Extrusion Portland sau khi bê bối bị phanh phui - đã đồng ý bồi thường 46 triệu USD cho chính phủ Mỹ và các khách hàng thương mại khác.
Con số này chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại 700 triệu USD từ các nhiệm vụ thất bại của NASA. Công ty Sapa cũng đã bị gạt tên khỏi hợp đồng cung cấp vật liệu cho chính phủ Mỹ kể từ năm 2015.