Một vài doanh nghiệp phân phối bất động sản mới đây công bố mức thu nhập "khủng" của nhân viên môi giới năm vừa qua lên đến hàng trăm thậm chí hàng tỷ đồng. Đáng chú ý có một số môi giới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có thu nhập lên tới nhiều tỷ đồng.
Mua nhà, tậu xe nhờ môi giới
Theo anh Nguyễn Tùng Anh, một môi giới phân khúc nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần thương mại Địa Ốc 5 Sao, nếu chịu khó, một môi giới bình thường của phân khúc này có thể đạt thu nhập khoảng 1-3 tỷ đồng/năm.
Bất động sản nghỉ dưỡng là điểm sáng của thị trường trong năm 2016. Ảnh: Đoàn Nguyên - Ngọc Minh. |
Thậm chí, một số môi giới đã có nhiều kinh nghiệm trong nghề, các mối quan hệ xã hội rộng thu nhập có thể lên đến khoảng 3-5 tỷ đồng/năm.
Anh Tùng Anh chia sẻ thêm bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc có giá khá cao trên thị trường bao gồm các sản phẩm như biệt thự biển, căn hộ khách sạn, đất ven biển... Năm vừa qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có sự tăng trưởng lớn nên doanh số rất tốt. Trung bình một căn biệt thự biển có giá từ 15-30 tỷ đồng, còn căn hộ khách sạn có giá 2-3 tỷ đồng. Giá trị lớn nên biên độ hoa hồng của phân khúc này cũng rất hấp dẫn.
Anh Nguyễn Tuấn, giám đốc một công ty phân phối bất động sản có tiếng trên thị trường chia sẻ một môi giới nếu chăm chỉ có thể bán được khoảng 1-2 căn hộ khách sạn/tháng và 1 căn biệt thự biển.
Thậm chí doanh số có thể nhiều hơn con số nay. Nếu bán thành công, chủ đầu tư sẽ trả hoa hồng cho đơn vị phân phối khoảng 3% giá trị hợp đồng. Môi giới sẽ nhận được khoảng 1-1,5%. Nếu trừ các chi phí cá nhân đi, mỗi môi giới có thể thu nhập khoảng 10-15 triệu/căn hộ khách sạn và 100-200 triệu/căn biệt thự biển. Trung bình một tháng, một nhân viên viên môi giới có thể có thu nhập vài trăm triệu đồng.
Không chỉ có tiền, anh Tùng Anh cho biết thêm nhân viên môi giới còn được rất nhiều thứ đi kèm trong quá trình bán phân khúc bất động sản cao cấp. Môi giới có thể được làm việc, tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư là những người có vị thế trong xã hội. Qua đó kỹ năng mềm và các mối quan hệ được gia tăng nhanh chóng.
Ngoài ra, với các khách hàng tiềm năng, môi giới được chủ đầu tư và công ty tạo điều kiện dẫn khách đi tham quan, trải nghiệm cuộc sống tại các dự án. Nhiều môi giới còn tâm sự cảm thấy "chán" khi ngủ biệt thự biển, căn hộ khách sạn thường xuyên.
Thu nhập khủng khiến nhiều môi giới có cơ hội đổi đời. Nhiều người đã mua được nhà, tậu được xe chỉ sau một năm làm nghề. Một số môi giới có kinh nghiệm thậm chí còn có tiền để đầu tư chính dự án mà mình phân phối.
Con đường không chỉ có hoa hồng
Cũng theo anh Nguyễn Tùng Anh, để trở thành một môi giới bất động sản nghỉ dưỡng có thu nhập cao là việc vô cùng khó khăn. Rất nhiều môi giới đã bỏ nghề. Rất ít người theo được vì phân khúc này bán hàng rất khó.
Đầu tiên, môi giới chính là người tạo ra nhu cầu cho khách hàng. Với phân khúc nhà ở, người mua là do nhu cầu thực sự để ở hoặc cho thuê. Còn với người mua bất động sản nghỉ dưỡng chủ yếu là để đầu tư. Nhiều khách hàng có hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng không hề có nhu cầu. Môi giới chính là người khơi gợi nhu cầu, phân tích cho khách về triển vọng đầu tư một cách hiệu quả.
Nghề môi giới bất động sản nghỉ dưỡng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Ảnh minh họa. |
Thứ hai là việc tìm kiếm khách hàng. Mới vào nghề, môi giới phải tự tìm kiếm và tạo dựng mối quan hệ với khách hàng bằng nhiều cách. Người thì phát tờ rơi, người thì telesales (bán hàng qua điện thoại), người thì quảng cáo trên các website môi giới, người thì gặp gỡ tiếp cận với khách hàng có tiềm năng… Trong khi đó, người thực sự có tiềm lực và quan tâm thường rất ít và khó tiếp cận. Công sức tìm kiếm khách hàng rất khó khăn.
Thứ ba, người làm môi giới bất động sản nghỉ dưỡng phải rèn luyện nhiều kỹ năng. Đầu tiên là kỹ năng bán hàng. Chiến lược “chai mặt” đặc biệt có tác dụng với nghề này. Nhiều môi giới nhận được hàng chục sự từ chối hàng ngày. Có người phải tư vấn qua song cửa vì khách hàng không tin tưởng cho vào nhà. Thậm chí, có người còn bị kỳ thị do khách hàng thấy giống bán hàng đa cấp. Ngoài ra, các kỹ năng khác như giao tiếp, tư vấn cho khách hàng cũng cần hoàn thiện ở khả năng rất cao. Tạo được sự tin tưởng của khách hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, nhân viên môi giới phải rất tích cực "chăm sóc khách" bởi đây là sản phẩm không thiết yếu, nhiều khách hàng quên rất nhanh. Nói chung, để làm được môi giới của nghề này không hề đơn giản. Đòi hỏi tính kiên trì, khả năng tập trung rất lớn, đặc biệt là không nản chí.
Nghề nghiệp tiếp tục hấp dẫn
Theo dự báo của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, năm 2017, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là điểm sáng của thị trường. Theo đó, năm tới tiếp tục có nhiều dự án mới ra mắt thị trường. Nhu cầu của khách hàng vẫn còn rất lớn. Tăng trưởng tín dụng trong phân khúc này sẽ tiếp tục tăng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cơ hội nghề nghiệp cho môi giới bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn rất nhiều trong tương lai.
"Chính phủ đang rất quan tâm đến phát triển du lịch. Cùng với đó, xu hướng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ có ở ven biển mà còn lan ra nhiều địa phương khác có tài nguyên du lịch hấp dẫn như: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội... Do đó, khi thị trường phát triển, môi giới sẽ có nhiều cơ hội hơn", ông Hà cho biết thêm.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Địa ốc 5 Sao, cơ hội nghề nghiệp của nghề môi giới bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ dừng lại ở năm 2017 mà còn nhiều năm tới nữa. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai nên còn rất nhiều tiềm năng.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng, làm môi giới bất động sản nghỉ dưỡng cần nghiêm túc mới mong thành công. Không thể "hớt váng" thị trường mà làm ăn qua loa được.