Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mưa lớn trên diện rộng ở Trung Bộ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa lớn. Nhiều sông ở đây xuất hiện lũ, có nơi trên báo động 3.

Bản tin phát lúc 15h30 ngày 26/11 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho hay do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 9 nên ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Ngoài ra, ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió đông nên từ đêm nay (26/11) đến đêm 27/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa lớn.

Cụ thể, lượng mưa phổ biến ở tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (40-70 mm/ngày); ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-120 mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-150 mm/ngày).

Cơ quan khí tượng cảnh báo từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông chính phổ biến ở mức báo động 1 và trên báo động 2. Các sông nhỏ lên trên báo động 3.

Vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh này, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và bắc Phú Yên, có nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét. Đặc biệt, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại vùng núi, ngập úng tại vùng trũng thấp ở tỉnh Phú Yên đặc biệt là huyện Tuy An, Sơn Hòa, Sông Cầu, Đồng Xuân.

Mua lon dien rong o Trung Bo anh 1
Lũ ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) vào sáng 26/11. Ảnh: Bình Minh.

Trước đó, sáng 26/11, tại cuộc họp của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại bão số 9 và tình hình mưa lũ sau bão, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu trong những ngày tới các địa phương tiếp tục theo dõi, đề phòng mưa lũ gây lũ quét và sạt lở đất, đảm bảo an toàn hồ chứa.

Các tỉnh, thành cần kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Cuộc họp cũng nhấn mạnh việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu, tổ chức thường trực và vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt...

Nhiều nơi ở TP Nha Trang bị chia cắt vì nước lũ Mưa lớn, các hồ xả lũ khiến nhiều nơi ở TP Nha Trang ngập sâu. Một số điểm nước cao hơn 1,5 m, chia cắt hoàn toàn.

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm