Chiều 29/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trong 6 giờ qua, mưa xuất hiện ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình với lượng phổ biến 40-90 mm. Một số nơi của Nghệ An, Thanh Hóa ghi nhận lượng mưa 100-180 mm.
Ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp không khí lạnh tăng cường và nhiễu động gió đông trên cao, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình tiếp tục mưa lớn đến hết ngày 31/10. Tổng lượng mưa trong 3 ngày phổ biến 100-300 mm/đợt. Nhiều nơi ở Nghệ An và Hà Tĩnh mưa đến 400 mm.
Tại khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, mưa tiếp diễn trong 2 ngày cuối tháng 10 với lượng phổ biến 50-150 mm, có nơi mưa trên 200 mm.
Riêng tại Quảng Nam, mưa lớn có thể ảnh hưởng đến việc tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở huyện Nam Trà My và Phước Sơn.
Hiện trường vụ sạt lở làm 11 người mất tích ở Phước Sơn, Quảng Nam. Ảnh: Quốc Kỷ. |
Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum đã vượt báo động 3. Tối và đêm nay (29/10), lũ trên các sông ở khu vực này xuống nhanh. Dù vậy, chuyên gia nhận định tình trạng ngập lụt ở Quảng Nam và Quảng Ngãi có thể kéo dài.
"Bão không chỉ gây gió mạnh, sóng cao và nước dâng mà còn nhiều thiên tai đi kèm khi gây các đợt mưa lớn trên diện rộng. Sau bão, các nguy cơ về lũ, ngập lụt, các tai biến địa chất vẫn còn. Người dân và chính quyền các địa phương cần lưu ý", ông Long nói.
Chuyên gia nhận định từ nay đến cuối năm, Biển Đông có thể xuất hiện thêm 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Do đó, các nguy hiểm về các tai biến địa chất ở khu vực vùng núi vẫn còn, đặc biệt khi nơi đất đã bão hòa.
Những ngày tới, do mưa lớn tiếp diễn, lũ trên sông Gianh (Quảng Bình) và các sông ở Hà Tĩnh, Nghệ An sẽ lên. Trong đó, đỉnh lũ ở thượng lưu sông Cả có thể đạt báo động 2, báo động 3. Người dân các huyện miền núi từ Nghệ An đến Quảng Bình cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.