Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mùa hoa ô môi ở miền Tây

Trong cái không gian mộc mạc, đơn sơ hoang dại ấy, xứ sở đồng bằng đã kết nên mùa hoa ô môi, cũng tim tím, cũng xuyến xao và cũng rất đỗi trữ tình.

Hoa o moi anh 1

Hoa ô môi. Ảnh: dulichvietnam.

Mỗi miền quê thường có một loài hoa đặc trưng, để khi nhắc đến xứ sở nào đó, người ta không khỏi bồi hồi nhớ những hàng hoa nở một cách huy hoàng rực rỡ. Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng là xứ miệt vườn thôn dã, miền đất mới khai phá tròm trèm 300 năm tuổi, nhưng lại là nơi có nhiều mùa hoa dại làm xao xuyến lòng người. Ngó dòng sông mênh mông trôi, thấy những cánh hoa lục bình nho nhỏ mà khi kết thành bè trổ tím cả dòng trôi. Ngó về Thất Sơn, nơi hiếm hoi giữa đồng bằng có núi, thấy mùa phượng vĩ trổ đỏ triền núi Sam, biết ngày ve sầu cũng bắt đầu râm ran mùa sinh sản. Và cũng trong cái không gian mộc mạc, đơn sơ hoang dại ấy, xứ sở đồng bằng đã kết nên mùa hoa ô môi, cũng tim tím, cũng xuyến xao và cũng rất đỗi trữ tình.

Khi không khí mùa xuân ấm áp ươm mầm cho muôn hoa đua nở sắp qua đi, mùa hè lại về, mang đến những trận “hạn Bà Chằng” dữ dội. Tháng ba, trong cái không khí nóng oi như thiêu đốt, đất có nơi đã khô nứt chân chim, vậy mà bông ô môi lại chọn tháng ba để trổ những chùm hoa đẹp nhất của đời mình.

Những ngày tháng ba này, đi dọc các vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và đặc biệt là miệt cù lao Phú Tân của tỉnh An Giang, dễ dàng bắt gặp những cây ô môi đang xòe chùm chùm bông tím đặc trưng dọc dài theo những tuyến đường, lung lay trước gió.

Không rõ cây ô môi được mang đến từ nơi khác, hay là cây bản địa của đồng bằng miền Tây Nam Bộ, nhưng các cụ cao niên ở đây kể rằng, từ nhỏ, các cụ đã thấy cây ô môi mọc nhiều ở quê mình, và các cụ cố (của các cụ) cũng bảo là ô môi đã có mặt ở xứ sở này từ xa xưa lắm.

Dù có nguồn gốc từ nơi khác (như lục bình được người Pháp mang sang), hay do con chim nào đó tha hạt từ phương xa tới, thả lại xứ đồng bằng, để rồi ô môi vươn lên cho hoa kết trái thì ô môi bao đời vẫn là loài cây gắn bó thân thiết với người dân miền Tây, đặc biệt là khoảng trời tuổi thơ, mấy ai thiếu cái mùi vị của trái ô môi chua chua, chát chát!

Ô môi được trồng (và cả tự mọc hoang dại) ở miền Tây là loại cây thân gỗ, cao lớn, mỗi năm trổ hoa một lần, thường rơi vào khoảng tháng ba. Hoa ô môi có đôi nét giống hoa phượng, mang màu tím rất đặc trưng. Ven các đường lộ nông thôn, hoặc các kinh rạch, người ta trồng ô môi để lấy bóng mát, nên thường chúng mọc dọc dài ven đường.

Những buổi rong ruổi giữa trưa trên con đường vắng gặp hàng ô môi tỏa bóng mát, tôi thấy như mình vừa được tưới tươi trở lại, như sự hoang vắng của con đường không còn, và cái nắng gay gắt tháng ba dường như cũng dịu dịu đi. Đó là chưa kể đến những hàng cây rực rỡ chùm chùm bông kết trên tán ở môi tim tím, nhìn từ xa như những khối máy tím đậu lại trên tán lá giữa trưa hè.

Mùa ô môi thường kéo dài chừng một tháng, sau đó, hoa sẽ đậu trái thành từng chùm một treo lủng lẳng trên cây. Trái ô môi có vỏ dày và cứng màu đen nhánh, dài, sần sùi từng mắc (ô) và có mùi rất đặc trưng. Có những trái dài đến cả cánh tay của đứa trẻ.

Một thời, trái ô môi là món quà quê thơm thảo, món trái cây chua mà ngọt lịm lòng của những đứa trẻ nghèo miền quê thôn dã. Bọn trẻ mỗi trưa thường tụ tập lại những cây ô môi dại, tranh nhau trèo, bẻ trái. Trái bẻ xuống, phải dùng dao róc vỏ, để lộ ra bên trong những mắt ô môi xếp từng tầng như ngôi nhà chung cư cao lớn. Trong mỗi “tầng chung cư” đó là thịt và hạt ô môi.

Có người bảo, thịt trái ô môi có màu đen, khi ăn dễ dính lại ở môi cái màu đen nhánh đó, nên cây mới được gọi là ô môi. Ô có nghĩa là màu đen, ô môi là đôi môi màu đen... Nhưng cũng có người lại lý giải rằng, cây tên ô môi là bởi khi róc vỏ của trái ra, dễ thấy từng thớ thịt nằm trong từng ô, mỗi ô như một đôi môi xinh xắn....

Và dẫu mang ý nghĩa gì đi nữa thì bao đời qua, ô môi luôn là thứ cây trái vừa mang mùi vị vừa mang màu sắc đậm nét trong lòng người dân miền sông nước...

Tôi nhớ những năm tuổi thơ của mình, dẫu nhà nghèo nhưng trong mắt lũ bạn nhìn tôi, thấy rõ chúng thèm thuồng được làm con của ba má tôi biết mấy. Bởi sau nhà, ông cố ngoại có trồng mấy cây ô môi, sau đời ông đến đời ông bà ngoại, rồi đến đời má tôi thì cây đã cao lớn, mỗi mùa cho hàng trăm trái.

Má tôi mỗi năm đều trông vào mùa ô môi rộ trái. Má sẽ bẻ dựa lại đầy trong nhà, đem bỏ mối cho thương lái, rồi những trái ô môi của nhà tôi theo chân những người bán hàng rong lang thang khắp nơi, tới cổng trường học, tới ngôi chợ nghèo heo hút hoặc chiếc ghe hàng cọc cạch chạy dọc theo những dòng kinh tận Miệt Thứ, U Minh.

Một thời, tôi ăn ô môi đến chán chê, và khi cảm giác chán chê ấy vừa đến cũng là lúc mùa trái ô môi đã bắt đầu cạn. Năm sau, khi những trái ô môi non đầu tiên nhú ra trên nách lá của cây, tôi đã bắt đầu thèm thuồng tưởng tượng đến mùi vị từng thớ ô môi trong miệng. Cái cảm giác thật khó cưỡng lại, nỗi nhớ lại có dịp làm mình làm mẩy với tôi khi cứ ngóng trông hoài, mong sao trái mau chín tới.

Một thời, những thứ quà bánh của trẻ con miền sông nước chỉ đơn giản là cóc ổi, mía ghim, ô môi, cơm nổ... như thế. Cứ hết năm này sang năm khác, mỗi mùa bánh trái lại đến rồi đi, mỗi mùa hoa lại tiếp nối nhau nở rộ. Vậy mà hết đám trẻ này đến đám trẻ khác vẫn không thôi xao xuyến, rung động trước những thứ bánh trái dân dã miệt vườn.

Một thời, những người yêu nhau hay ví tình yêu đẹp như bông ô môi, mà buồn cũng lại như bông ô môi. Thứ niềm vui mãnh liệt mà dịu dàng, thứ nỗi buồn cũng hết sức thiết tha và đằm thắm, như lời bài hát Bông ô môi của nhạc sĩ Sơn Hạ: "Bông ô môi rơi đầy trước ngõ. Theo gió chiều trôi cuốn tình ta. Bông ô môi còn đây bao nỗi nhớ. Dưới cơn mưa chiều se thắt lạnh hồn ai"...

Và không ít lần, tôi chứng kiến cảnh những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng vì chiến tranh, vén khăn chấm nước mắt khi nghe câu vọng cổ trong bài Bên rặng ô môi, một sáng tác nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu, được ông hoàng đĩa nhựa Tấn Tài thể hiện hết sức mùi mẫn, da diết và cảm động. Ô môi rụng cánh đầy sông. Mấy mùa hoa nở, mấy năm đợi chờ...

Nếu bông ô môi đẹp hồn nhiên như người con gái dịu dàng, đằm thắm thì trái ô môi cũng mang một vẻ đẹp như những chàng trai xứ sở đồng bằng rắn rỏi, mặn mòi, mà hết sức thơm thảo và đặc trưng. Chính nhờ vẻ đẹp đấy, ô môi không chỉ được trồng ở rất nhiều nơi, đến ngày nay, còn trở thành tên gọi của những miền đất như: Bến đò Ô Môi ở cù lao Ông Hổ (thành phố Long Xuyên, An Giang), hay cầu Ô Môi (còn có tên khác là cầu Bà Bướm) ở Thành phố Hồ Chí Minh...

Lịch sử đã chứng minh, những thứ trở thành tên địa danh là những thứ bất tử trong lòng người. Ô môi không chỉ đi vào lòng người bằng một loài cây hoang dại quê nhà, mà còn là địa danh nơi bến đò nỗi nhớ, nơi mỗi chiều có đứa học trò ngóng đò, nhìn hướng cây ô môi cổ thụ trên bến mà mong sao đò mau qua...

Bây giờ, những hàng ô môi vẫn còn đó ở nhiều nẻo đồng bằng. Ô môi rụng trái rồi lên cây, ô môi được người ta trồng để che nắng, để lấy gỗ làm củi hoặc giữ đất đai không sạt lở là chủ yếu. Ít ai nghĩ rằng trồng ô môi để lấy trái như xưa, bởi những trái ô môi một thời là thứ quà quê nay không còn được bọn trẻ ưa chuộng nữa. Những quầy hàng ven trường học trải đầy trái ô môi chỉ còn trong ký ức của thế hệ từ nửa đầu “9X” trở về trước. Tuy nhiên, sự đẹp hồn nhiên mà rực rỡ, đằm thắm mà lộng lẫy của bông ô môi dường như vẫn còn sức thu hút lòng người.

Lạ thay, thứ bông quê mùa, hoang dại ven đường cũng đủ làm người ta xuyến xao rung động đến nước kéo theo chùm chùm nỗi nhớ hiện về, cũng chẳng khác gì bông đang đơm ở lòng người giữa thời công nghệ 4.0.

Lê Quang Trạng/Chi Books và NXB Lao động

SÁCH HAY