Với giới tài phiệt, Mặt Trời có thể mọc tại đường chân trời của Thái Bình Dương, hay Vịnh Mexico, hoặc có thể ở biển Địa Trung Hải. Nếu sở hữu một trong những siêu du thuyền trị giá hàng triệu USD, hành trình phiêu lưu này không có gì là quá xa vời.
Thế giới "trong mơ" này đã bị cuộc chiến ở Ukraine kéo về hiện thực. Bloomberg ước tính kể từ khi giao tranh bắt đầu, tổng số siêu du thuyền bị tịch thu thuộc sở hữu của tỷ phú Nga có giá trị lên tới hơn 2 tỷ USD.
Đầu tháng này, Đức đã thu giữ siêu du thuyền Dilbar thuộc sở hữu của tỷ phú dầu mỏ Alisher Usmanov. Đây được coi là du thuyền lớn nhất thế giới với hai bãi đáp trực thăng và bể bơi lớn.
Khoảng 10% siêu du thuyền trên thế giới thuộc sở hữu của người Nga. Theo BBC, khi phương Tây tìm cách săn lùng tài sản quốc tế của giới tài phiệt Nga, những người làm trong ngành công nghiệp siêu du thuyền cho rằng thế giới thượng lưu trên biển có thể sẽ bị bóp nghẹt theo.
Và khi quá trình săn lùng này vẫn tiếp diễn, nhà thiết kế, kiến trúc sư, chủ xưởng đóng tàu và nhân viên trên tàu cũng có thể gặp rắc rối khi khách hàng siêu giàu của họ bị trừng phạt. Khi đó, du thuyền bị bỏ trống và không ai trả lương cho những người này.
“Tôi nghĩ rằng mọi người đều sợ hãi nếu chẳng may nhận ‘nhầm’ tiền”, nhà phân tích Sam Tucker, người làm việc cho công ty nghiên cứu hàng hải VesselsValue, nói.
“Những hòn đảo có chủ quyền”
Mặc dù thuật ngữ “siêu du thuyền” không có định nghĩa kỹ thuật, đây là cụm từ thường được dùng để mô tả bất kỳ con thuyền nào dài hơn 24 m. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại có kích thước gấp 4 lần con số này.
Kiến trúc sư Greg Marshall đã ví những con thuyền khổng lồ này như "những hòn đảo có chủ quyền". Ông hiện thiết kế một siêu du thuyền dài 122 m, có thác nước nhiều tầng đổ từ bể bơi này sang bể bơi khác trên các boong khác nhau, một spa rộng 2.400 m2 và một phòng tập thể dục rộng 1.500 m2.
Người Nga nổi tiếng là thích du thuyền có kích thước siêu lớn. Theo phân tích của SuperYacht Times, kích thước trung bình siêu du thuyền của người Nga vào năm 2021 có chiều dài 61 m, so với 53 m của du thuyền do người Mỹ sở hữu.
Những tính năng và phụ kiện đi kèm siêu du thuyền tùy thuộc vào sở thích của khách hàng. Siêu du thuyền Phi bị tịch thu vào tháng trước có một “hầm rượu vô tận” ở sảnh dưới boong tàu.
Siêu du thuyền Axioma bị tịch thu ở Gibraltar có một rạp chiếu phim 3D, một salon hai tầng và một đường trượt nước trên tàu - cho phép khách di chuyển từ boong tắm nắng xuống vùng biển bên dưới chỉ trong vài giây.
Siêu du thuyền Tango bị giới chức Mỹ và Tây Ban Nha phối hợp bắt giữ sáng 4/4. Ảnh: AP. |
Trước khi nổ ra chiến sự, ngành công nghiệp siêu du thuyền đã trải qua một thời kỳ bùng nổ.
Khi ông Marshall bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực đóng du thuyền hơn 40 năm trước, ông cho biết chỉ có khoảng 24 du thuyền trên 30 m. Con số này hiện là 5.000, theo SuperYacht Times.
Richard Lambert - người sở hữu công ty môi giới du thuyền Burgess báo cáo doanh thu kỷ lục 2,2 tỷ USD vào năm 2021 - cho biết thị trường du thuyền toàn cầu chứng kiến sự gia tăng đáng kinh ngạc.
Ông cho hay doanh số bán du thuyền, đóng mới và thuê du thuyền đều ở mức cao kỷ lục và dự kiến tăng trưởng hơn nữa vào năm 2022.
Đối với những người siêu giàu, chuyến đi đến hòn đảo tư nhân là một trong những lựa chọn an toàn nhất. Sự linh hoạt trong địa điểm làm việc do đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc những chuyến đi này "không biết ngày về", với những giao dịch hàng tỷ USD được thực hiện từ vùng biển Caribbean.
Tránh làm ăn với người Nga
Ông Tucker cảnh báo ngành công nghiệp siêu du thuyền có thể bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt của phương Tây khiến người Nga khó thực hiện giao dịch ngân hàng.
Chi phí vận hành mỗi năm thường rơi vào khoảng 15% giá trị của du thuyền. Do đó, chỉ riêng tiền bảo dưỡng đã ngốn hàng trăm, thậm chí là hàng triệu USD.
Trong khi đó, chủ sở hữu người Nga gặp khó khăn trong việc trả tiền bảo dưỡng cho thủy thủ đoàn nếu họ không thể chuyển tiền.
Andrew Adams - người đứng đầu đơn vị KleptoCapture do Bộ Tư pháp Mỹ điều hành để truy lùng tài sản của giới tài phiệt Nga - cho biết nếu du thuyền bị bắt giữ ở Mỹ, chính phủ có nghĩa vụ phải trả tiền bảo dưỡng để khối tài sản nổi này không bị mất giá.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất du thuyền - nhiều người trong số họ sống ở Bắc Âu - có thể phải ngừng các dự án mới do lo sợ dính dáng tới lệnh trừng phạt.
Ông Tucker cho biết hầu hết người trong ngành đang tránh làm ăn với người Nga ngay cả khi họ không có trong danh sách trừng phạt chính thức, bởi vì khó xác định chính xác quyền sở hữu.
Nhiều tỷ phú đưa du thuyền đến các vùng biển "thân thiện" để không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt. Ảnh: IHA. |
Không chỉ thế, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều siêu du thuyền đang nằm “đắp chiếu” trên các cảng khắp thế giới, do người trong ngành không muốn liên quan tới đối tượng bị giới chức phương Tây chú ý tới.
"Không ai biết rõ ai là người sở hữu nó (du thuyền) và cũng không thể bán nó một cách hợp pháp. Bạn không thể làm gì với nó. Bạn không thể di chuyển nó. Nó bị mắc kẹt trong các xưởng đóng tàu", ông Tucker nói.
Các biện pháp trừng phạt này có thể sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn người trên khắp thế giới làm thủy thủ đoàn trên những du thuyền này. Một du thuyền lớn cần khoảng 50-100 nhân viên, khi một nửa dự kiến phục vụ trên thuyền và một nửa sẽ nghỉ phép vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Một số du thuyền có thể đã chạy đến các vùng biển ở những quốc gia không áp đặt biện pháp trừng phạt. Hai siêu du thuyền của tỷ phú Roman Abramovich cập cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi nhiều người khác đưa tài sản đến Dubai.
Caribe cũng là một khu vực được nhiều người ưa thích, nhưng ông Tucker cho rằng điều này không phải là do có họ muốn trốn tránh lệnh trừng phạt.
Mùa hè là mùa cao điểm của ngành công nghiệp siêu du thuyền khi các thuyền thường đi đến Địa Trung Hải. Ông Tucker cho rằng cần phải chờ thêm mới có thể đánh giá hết tác động kinh tế tới ngành này.