Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Mùa đông khó khăn của EU khi Nga giảm nguồn cung khí đốt

Việc Nga giảm nguồn cung khí đốt đặt ra bài toán khó cho EU khi mùa đông đến. Nhưng đây cũng là động lực thúc đẩy sớm chuyển sang năng lượng sạch, các chuyên gia nói với Zing.

"Tàu đã rời sân ga, bắt đầu chuyến hành trình không thể quay đầu", đó là những gì bà Annika Hedberg - Trưởng ban chương trình châu Âu về thịnh vượng bền vững tại Trung tâm Chính sách châu Âu (Bỉ) - chia sẻ với Zing về cam kết của Liên minh châu Âu (EU) trong việc chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng nhập từ Nga.

Đồng quan điểm, giáo sư Matus Misik - khoa Khoa học Chính trị, Đại học Comenius (Slovakia) - cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay đã "mở rộng tầm mắt" cho EU và các nước thành viên, khiến họ thay đổi quan điểm về quan hệ năng lượng với Nga.

eu giam phu thuoc nang luong nga anh 1

Giáo sư Matus Misik thuộc Đại học Comenius. Ảnh: Ceenergynews.

“Tôi không nghĩ sẽ có hợp tác năng lượng trung và dài hạn giữa EU và Nga. EU có thể dùng khí đốt từ Nga trong những năm tới (viễn cảnh ngắn hạn), nhưng các quốc gia thành viên sẽ cố gắng thay thế nó càng sớm càng tốt”, ông nói với Zing.

Việc Nga giảm nguồn cung khí đốt đã khiến EU phải xoay sở để tránh viễn cảnh sống trong một mùa đông tối tăm và lạnh giá.

Nhiều nước châu Âu đã đưa ra các giải pháp để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng trong bối cảnh nắng nóng đang đẩy nhu cầu năng lượng lên cao. Tuy nhiên, bản thân các giải pháp này cũng bộc lộ một số hạn chế.

Thế khó của EU

“EU đang đứng trước một mùa đông khó khăn”, giáo sư Matus Misik nhận định.

Guardian đưa tin nhiều nước châu Âu đang phải tiến hành những biện pháp chưa từng có tiền lệ trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng lên trong nắng nóng.

Tại Pháp, các cửa hàng được yêu cầu phải giữ cửa đóng để tối đa hiệu quả hoạt động của máy điều hòa. Các thành phố Đức tắt đèn chiếu sáng tại đài tưởng niệm công cộng và tắt đài phun nước, trong khi Ireland cũng yêu cầu người dân giảm tốc độ khi lái xe để tiết kiệm năng lượng.

Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sánchez hôm 29/7 xuất hiện trong buổi họp báo với bộ trang phục không cà vạt. Ông yêu cầu người đứng đầu các cơ quan nên làm theo mình để hạn chế sử dụng máy điều hòa.

Tuy nhiên, sự đa dạng trong việc áp dụng các chính sách tiết kiệm năng lượng đặt các nước EU vào hoàn cảnh không thống nhất biện pháp trong một vấn đề mang tính sống còn như năng lượng.

Lý giải điều này, chuyên gia Annika Hedberg cho rằng các nước thành viên EU có điều kiện và khả năng khác nhau, nên một giải pháp chung không phải lúc nào cũng hiệu quả cho mọi nước.

eu giam phu thuoc nang luong nga anh 2

Bà Annika Hedberg, thành viên Trung tâm Chính sách châu Âu. Ảnh: Annika Hedberg.

Ngoài ra, bà Hedberg cho biết nguồn cung năng lượng của các quốc gia thành viên EU cũng rất khác nhau.

Trong EU, Đức là quốc gia chịu áp lực lớn trong việc đảm bảo nguồn cung khí đốt vì nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Nga. Trong khi đó, một số nước như Pháp hay Tây Ban Nha, vốn đã tự chủ cung cấp một lượng đáng kể nguồn năng lượng, lại dễ dàng tìm lời giải hơn trong bài toán nguồn cung.

Bà cho rằng các thành viên EU đang chịu áp lực rất lớn trong việc ứng phó giá năng lượng ngày càng tăng và sự gián đoạn nguồn cung. Do đó, nguy cơ trì hoãn quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trong châu Âu trong ngắn hạn là hiện hữu.

"Việc quay lại năng lượng hóa thạch, hay kế hoạch xây các trạm trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ tác động đến tốc độ và chi phí của quá trình chuyển đổi", bà Hedberg nói.

Bà nhận định nếu các nước vào lúc này đầu tư vào hạ tầng nhiên liệu hóa thạch như một giải pháp ngắn hạn, loại nhiên liệu này sẽ không còn mang nhiều giá trị kinh tế khi EU đặt ra những tham vọng về chuyển đổi sang năng lượng sạch. Những dự án năng lượng hóa thạch khi đó sẽ rất tốn kém vì chi phí bỏ ra sẽ cao hơn lợi nhuận mang lại.

Trong khi đó, giáo sư Misik cho rằng EU đang phải vật lộn để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga, vốn chiếm hơn 45% lượng khí đốt nhập khẩu vào năm 2021. Ông nói dù khí đốt từ Nga vẫn đang chảy đến các nước EU, khối này đã không còn coi Gazprom là đối tác đáng tin cậy.

Hồi tháng 6, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt qua Nord Stream 1 xuống còn 40% công suất. Tập đoàn này lấy lý do tuabin do công ty Siemens Energy (Đức) sản xuất đang được bảo trì tại Canada bị chậm trả lại. Công ty này sau đó tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt xuống còn 20% vào ngày 27/7.

Hôm 3/8, phía Đức đề nghị chuyển giao tuabin đã được sửa chữa cho Gazprom nhưng tập đoàn năng lượng của Nga cho biết chưa thể nhận lại tuabin vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nhưng châu Âu không chỉ gặp vấn đề với nguồn cung năng lượng trong vài tháng lạnh giá sắp tới, theo ông Misik. “Mùa đông năm 2023-2024 cũng sẽ khó khăn với châu Âu vì không dễ tìm nguồn thay thế hoàn toàn khí đốt”, ông nói.

Nghịch lý ở châu Âu

Một lượng lớn khí đốt nhập khẩu từ Nga được EU dùng cho mục đích phát điện.

Hôm 19/7, Pháp công bố chi tiết kế hoạch tái quốc hữu hóa công ty điện lực EDF nhằm tăng tính độc lập trong nguồn cung năng lượng. Đức đã thúc đẩy EU bật đèn xanh đối với các khoản vay giá rẻ cho các dự án khí đốt mới. Điều này làm tăng khả năng khiến châu Âu phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ nữa, theo New York Times.

Đây cũng có thể sẽ là nguyên nhân gây cản trở mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 được EU đưa ra vào tháng 7/2021.

“Các cơ sở nhiệt điện và hạt nhân đều có thể giúp giải quyết vấn đề an ninh năng lượng hiện nay và tiết kiệm khí đốt được sử dụng để phát điện”, bà Hedberg cho biết. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng chỉ có điện hạt nhân mới có thể hỗ trợ thực hiện mục tiêu trung hòa carbon dài hạn của EU.

eu giam phu thuoc nang luong nga anh 3

Nhà máy điện ở Bexbach, Đức tích trữ mỏ than để hoạt động trở lại. Ảnh: Washington Post.

Cùng nhận định trên, giáo sư Misik cho rằng tình huống hiện tại đang đặt châu Âu vào hoàn cảnh đầy nghịch lý.

“Khí tự nhiên cần phải được loại bỏ gần như hoàn toàn khỏi việc sử dụng năng lượng của EU nếu khối này muốn đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Nghịch lý thay, tình hình hiện tại lại có thể hỗ trợ mục tiêu này”, ông nói.

Vị chuyên gia cho rằng chính nguồn cung khan hiếm và các biện pháp cắt giảm năng lượng hiện tại tạo động lực cho châu Âu đạt được mục tiêu khí hậu của mình.

Tương tự, bà Hedberg nói rằng nhìn vào mặt tích cực, EU đã có nhận thức rằng chuyển sang năng lượng sạch là chìa khóa giải quyết khủng hoảng. Mục tiêu, tầm nhìn này là không bàn cãi, nhưng thách thức nằm ở việc cần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi so với dự kiến, đồng thời kiểm soát được chi phí.

Lời giải cho bài toán năng lượng

Các giải pháp đã được đưa ra tới nay phần nào giải quyết được nhu cầu tiết kiệm năng lượng cho mùa đông sắp tới của các nước EU. Tuy nhiên, khối này cần những biện pháp triệt để hơn, dài hạn hơn để ổn định nguồn cung và đạt mục tiêu khí hậu.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Hedberg, các giải pháp trước mắt còn mang nặng tính biểu tượng, điển hình là việc yêu cầu tắt đèn ở nơi công cộng. Vị chuyên gia cho rằng với việc đèn LED được sử dụng rộng rãi ở châu Âu thì tắt đèn là giải pháp quan trọng nhưng chưa đủ.

“Chắc chắn, châu Âu sẽ cần phải hành động nhiều hơn nữa”, bà nêu quan điểm.

eu giam phu thuoc nang luong nga anh 4

EU hôm 20/7 công bố kế hoạch "Tiết kiệm khí đốt vì mùa đông an toàn", với việc giảm nhu cầu khí đốt 15% đến tháng 3/2023. Ảnh: Ủy ban châu Âu (EC).

Bà Hedberg cũng đề xuất một số giải pháp khác như giảm tốc độ khi chạy trên đường cao tốc, thúc đẩy mọi người đi bộ, đạp xe và sử dụng chung các loại phương tiện. Bà cũng cho rằng các thành phố châu Âu nên thực hiện ngày chủ nhật không ôtô, cải thiện chất lượng và giảm giá các phương tiện giao thông công cộng để khuyến khích người dân sử dụng.

Về dài hạn, việc đảm bảo nguồn cung là yếu tố tiên quyết giúp châu Âu đảm bảo có đủ nguyên liệu phục vụ đời sống người dân, vận hành các ngành công nghiệp và hơn hết là không thấp thỏm chờ nguồn cung từ Nga.

Trên thực tế, châu Âu đã bắt đầu hành động.

Liên minh châu Âu hôm 5/8 chính thức thông qua đạo luật thực thi kế hoạch cắt giảm sử dụng khí đốt của Nga. Thỏa thuận này đề nghị toàn bộ nước EU tự nguyện cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt vào mùa đông tới. Quy định trong thỏa thuận cũng có thể có hiệu lực bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp nguồn cung.

Theo Reuters, ngoại trừ Hungary và Ba Lan, các nước EU còn lại đều nhất trí thông qua đạo luật trên. Việc triển khai đạo luật này chỉ cần sự ủng hộ của tối thiểu 15 quốc gia.

Vì nguy cơ thiếu điện, người Đức xem xét lại nguồn năng lượng 'cấm kỵ'

Năng lượng hạt nhân là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất ở Đức suốt ba thập kỷ. Nhưng với việc Nga cắt nguồn khí đốt, người Đức buộc phải xem xét lại những điều "cấm kỵ".

Mỏ than 'hồi sinh' ở Đức

Việc thiếu hụt năng lượng do mất đi phần lớn nguồn cung nhiên liệu từ Nga đã buộc Đức phải mở lại các mỏ than đã đóng cửa.

Hồng Sơn - Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm