Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mùa đông ấm cứu kinh tế châu Âu

Thời tiết ôn hòa kết hợp với nhiều nhà cung cấp hơn và nỗ lực giảm nhu cầu đã phần nào giúp kinh tế châu Âu tránh khỏi viễn cảnh một mùa đông khắc nghiệt.

Theo Wall Street Journal, thời tiết ôn hòa và các kho dự trữ khí đốt gần đầy đã giúp giá năng lượng tại châu Âu thấp hơn dự kiến, làm giảm tỷ lệ lạm phát của khối này xuống mức 1 con số.

Tuy nhiên, giá hàng hóa tiêu dùng vẫn tăng quá nhanh khiến cho các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang báo hiệu rằng họ sẽ tăng lãi suất trở lại. Ngoài ra, những tín hiệu tăng lãi suất này còn để hạ nhiệt tốc độ tăng lương hàng năm của các doanh nghiệp tại đây.

Trước đó, giá năng lượng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã nhảy vọt sau khi xung đột giữa Nga - Ukraine nổ ra, đẩy lạm phát của các nước trong khối lên mức 2 chữ số.

mua dong am chau Au anh 1

Giá hàng tiêu dùng tại châu Âu vẫn tăng mạnh. Ảnh: Zuma Press.

Thứ sáu vừa rồi (6/1), Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 là 9,2% - giảm so với tỷ lệ 10,1% của tháng 11. Giá năng lượng dành cho các hộ gia đình đã tăng 25,7% cả năm - thấp hơn nhiều so với con số 34,9% của riêng tháng 11.

Ngược lại với giá năng lượng, mức CPI cốt lõi tháng 12 của các mặt hàng cơ bản trong khu vực này lại tăng từ 5% lên 5,3%, nguyên nhân là giá dịch vụ tăng với tốc độ nhanh hơn.

Tuy vậy, châu Âu nhìn chung có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng. Mặc dù một đợt lạnh đột ngột hoặc sự gián đoạn nguồn cung vẫn có thể khiến thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn, ngày càng nhiều người tin tưởng rằng khu vực này sẽ vượt qua mùa Đông này và mùa Đông tới.

“Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế, một cuộc khủng hoảng cốt lõi của ngành công nghiệp tại châu Âu đã được ngăn chặn”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết.

Còn ông Carsten Brzeski - nhà kinh tế tại ING Bank - thì cho rằng nếu duy trì được giá năng lượng ở mức hiện tại thì lạm phát sẽ giảm rất nhanh. Các nhà kinh tế tại Capital Economics mới đây cũng đã hạ tỷ lệ lạm phát dự báo trong năm 2023 của khu vực này từ 6% xuống 5,5% với lý do giá khí đốt tự nhiên thấp hơn. Nếu giá năng lượng lại tăng lên, mức lạm phát năm 2023 có thể sẽ là 6,3%.

Tuy nhiên, một vấn đề chính hiện tại là người lao động và các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phản ứng với sự giảm giá năng lượng. Theo ECB, điều này sẽ giữ lạm phát ở mức cao trong nhiều tháng kể cả khi đợt tăng giá năng lượng đã qua đi. Minh chứng rõ ràng nhất là chỉ số CPI cốt lõi của tháng 12 đã tăng lên thay vì giảm.

mua dong am chau Au anh 2

Mùa đông ấm đã giúp lạm phát tại châu Âu hạ nhiệt. Ảnh: The Edge Markets.

Ngoài ra, theo dữ liệu từ Eurostat, tiền lương theo giờ ở khu vực châu Âu đang tăng với tốc độ chậm hơn so với quý II/2022. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm và thị trường lao động đang dần thắt chặt, khu vực này dự kiến tăng lương mạnh trong năm sau.

Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde cho biết: "Tiền lương tăng nhanh khả năng cao sẽ thúc đẩy lạm phát, và đây là một vấn đề khó mà chúng tôi cần giải quyết nếu muốn ổn định giá cả thị trường".

Trước đó, ECB đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 và các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng có thể tăng lãi suất thêm nữa trong vòng 2 cuộc họp tiếp đó.

Ôtô điện Trung Quốc có thể rẻ hơn 10.000 euro so với hãng xe châu Âu

Các hãng xe điện đến từ Trung Quốc đang không ngừng gia tăng thị phần tại châu Âu nhờ mức giá rẻ và chất lượng tốt.

Dầu mỏ của Nga chuyển hướng sang châu Á sau lệnh cấm từ châu Âu

Kể từ khi lệnh cấm vận giá trần của châu Âu lên dầu Nga chính thức có hiệu lực, gần 90% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga đều hướng tới châu Á.

Tàu chở dầu Nga loay hoay vì các đòn trừng phạt

Các lệnh trừng phạt về trần giá dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) đã khiến nhiều tàu chở dầu bị tắc nghẽn khi di chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ.


Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Hằng Nga

Bạn có thể quan tâm