Tối 18/3, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do mưa đá tại 8 tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Sơn La, Hà Giang.
Trận mưa đá xảy ra đêm 17/3 khiến hơn 2.200 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 870 ha hoa màu bị thiệt hại; hơn 200 con gia cầm và 6 con gia súc bị chết. Ước tính thiệt hại về kinh tế tại các tỉnh trên 9 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh tiếp tục thống kê thiệt hại và tập trung khắc phục hậu quả, đảm bảo ổn định đời sống và an toàn chống dịch Covid-19.
Đêm 17/3, ảnh hưởng của không khí lạnh khiến nhiều địa phương xuất hiện mưa đá. Ảnh: H.Q.V. |
Trước đó, một số huyện tại Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ xảy ra mưa đá, bắt đầu từ khoảng 20h ngày 17/2. Trận mưa lớn nhất xảy ra ở Si Ma Cai (Lào Cai) với kích thước các viên đá to, trắng xóa đường, kéo dài khoảng 30 phút.
Theo hình ảnh ghi lại, các viên đá to như trứng cút, rơi xuống với mật độ dày đặc. Đây là lần thứ 3 các địa phương này hứng chịu mưa đá kể từ đầu năm nay.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, không khí lạnh đã mở rộng xuống Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khiến toàn khu vực trở lạnh. Ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao gây ra mưa dông diện rộng tại đây.
Tại các tỉnh đồng bằng, lượng mưa phổ biến ở ngưỡng 10-30 mm/ngày. Riêng vùng núi có mưa lớn với lượng mưa lên đến 40-70 mm/ngày. Đặc điểm của đợt lạnh lần này là gây ra mưa dông, độ ẩm cao, tuy nhiên nền nhiệt không giảm sâu. Tuy nhiên trạng thái này không kéo dài.
Đến ngày 19/3, khu vực chỉ còn xuất hiện mưa phùn, sương mù, nền nhiệt tăng lên ở ngưỡng 20-24 độ C.