Ông Long nói: Trên thị trường, yếu tố tâm lý thường chi phối đám đông. Mỗi khi giá vàng tăng, người ta đổ xô đi mua và khi giá giảm mạnh thì lại ồ ạt bán ra. Nếu cần mua vàng làm của để dành, người dân cần hết sức tỉnh táo.
- Thưa ông, những nhân tố nào tác động khiến giá vàng trồi sụt thất thường trong mấy ngày qua?
- Về căn bản, sự biến động của thị trường vàng trong nước và thế giới vừa qua là do cung – cầu. Cả một thời gian dài, thị trường vàng không có đột biến, giá giảm đều, khả năng sinh lời thấp, không còn hấp dẫn, nên nhiều người trong giới kinh doanh vàng chuyển sang đầu tư ở lĩnh vực khác. Vì vậy, sức mua giảm mạnh.
Gần đây, tôi chú ý đến hai yếu tố. Một là, thông báo của Tổng giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), là sẽ tăng lãi suất tuy chưa biết khi nào, nhưng thường mỗi khi lãi suất tăng, đồng đôla Mỹ (USD) sẽ lên giá nên giá vàng sẽ giảm. Thứ hai, vừa qua giá dầu giảm, dẫn đến giá vàng cũng giảm. Yếu tố chi phối lớn nhất là tình hình kinh tế không sáng sủa của Trung Quốc. Cái ruột của nền kinh tế Trung Quốc như quả bong bóng, bộc lộ qua diễn biến của thị trường chứng khoán mấy ngày vừa qua, và thị trường địa ốc hiện nay đang rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa.
Người dân cần tỉnh táo khi mua, bán vàng. |
- Sự trồi sụt của giá vàng có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế?
- Giá vàng gần đây tác động không lớn đến nền kinh tế, vì suốt mấy năm vừa qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có hàng loạt giải pháp thu hẹp thị trường vàng. Các ngân hàng thương mại không được phép cho vay kinh doanh vàng nên nguồn tiền kinh doanh vàng cũng giảm khiến thị trường thu hẹp lại. Chỉ còn một số đơn vị, cá nhân kinh doanh vàng mua đi, bán lại. Vì vậy nếu có biến động mạnh thì ảnh hưởng đến nền kinh tế không lớn.
- Giá vàng nhảy múa liên tục phải chăng là do nạn đầu cơ, “lướt sóng”, mua bán theo tâm lý đám đông?
- Hôm qua có lẽ giá vàng xuống thấp quá nên nhiều người bắt đầu mua vào, không bán ra nữa nên giácó nhích lên. Điều này cho thấy vàng vẫn còn là một phương tiện cất trữ quan trọng. Thị trường vàng không còn đột biến nên tình trạng đầu cơ, “lướt sóng” cũng giảm.
Trên thị trường, bao giờ yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng tâm lý bây giờ không còn tác động mạnh như ngày trước. Suốt thời gian dài những người kinh doanh vàng cũng thấy rõ giá lên xuống bình thường, theo quy luật nên cũng bình tĩnh chờ thời điểm thích hợp để bán ra hay mua vào.
- Vì sao biên độ biến động của giá vàng trong nước không tương ứng với thế giới?
- Giá trong nước biến động theo giá vàng thế giới là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường vàng trong nước bao giờ cũng chậm hơn. Giá thế giới lên, giá trong nước lên không kịp. Giá giảm xuống cũng vậy. Xét về xu hướng thì khi giá vàng thế giới liên tục tăng (hoặc giảm) thì giá vàng trong nước cũng biến động tương tự.
Ông Nguyễn Thành Long, nguyên Tổng giám đốc SJC. |
- Giá vàng trong nước vẫn cao hơn khá nhiều so với giá vàng thế giới, vì sao?
- Sự chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới là ở vàng thương hiệu SJC. Vàng SJC hiện nay không sản xuất nữa. Ngay như các miếng vàng SJC móp méo, biến dạng phải tái chế, dập lại cũng phải có quota cho phép của NHNN. Chính vì sự “khan hiếm” vàng SJC dẫn đến sự chênh lệch khá lớn giữa giá trong nước và giá thế giới. Những loại vàng khác, mức chênh lệch không nhiều. Thực tế, những nguồn vàng đi vào trong nước phát sinh thêm chi phí vận chuyển, chi phí cơ hội, tỷ giá… Đặc biệt, giá vàng biến động theo giá USD.
- Sự chênh lệch giá trong nước và thế giới quá lớn có làm tình trạng buôn lậu vàng gia tăng?
- Có thể. Nhưng nhu cầu trên thị trường vàng trong thời điểm bình thường không lớn. Chỉ vào những dịp lễ Tết, nhu cầu vàng nữ trang tăng mạnh, có thể một số đơn vị mua vàng trôi nổi để sản xuất nữ trang.
Cám ơn ông.
“Người dân cần tỉnh táo phán đoán và chọn lúc giá vàng xuống thấp nhất để mua và lên cao nhất thì bán ra. Chu kỳ biến động của giá vàng từ trước đến nay luôn luôn có lên, có xuống. Thực tế, vẫn có những biến động làm giá vàng tăng liên tục mà không chịu xuống hoặc ngược lại. Đó chỉ là những tình huống đột biến”.
Ông Nguyễn Thành Long, nguyên Tổng giám đốc SJC