Vấn đề của Manchester United chưa bao giờ là tiền. Nhà Glazer luôn bị chỉ trích vì bòn rút tiền bạc của "Quỷ đỏ". Tuy nhiên, những dòng tiền lớn vẫn không ngừng chảy vào Old Trafford. MU vừa chi 70 triệu euro để chiêu mộ Casemiro. Chưa kể, họ còn hào phóng trao cho tiền vệ người Brazil mức lương khó có thể chối từ.
Với giá trị thương hiệu lớn mạnh, MU tất nhiên "ăn nên làm ra". Ngoài việc tự tạo ra doanh thu và ngốn hơn 1,4 tỷ bảng cho các thương vụ chuyển nhượng trong thập kỷ qua, MU cũng chi 1,1 tỷ bảng để trang trải các khoản nợ, trong đó trả cho chính nhà Glazer tiền cổ tức.
"Quỷ đỏ" mua Casemiro sau khi gặp bế tắc trong vụ De Jong. |
MU không thiếu tiền
MU phá kỷ lục chuyển nhượng vào năm 2016 khi ký hợp đồng với Paul Pogba. Họ biến Harry Maguire trở thành hậu vệ đắt giá nhất lịch sử. Hè năm ngoái, Cristiano Ronaldo trở thành cầu thủ được trả lương cao nhất ở Premier League khi tái hợp Man Utd. Bảng lương của "Quỷ đỏ" luôn nằm trong top đầu thế giới.
Vì vậy, New York Times bác bỏ nhận định cho rằng nhà Glazer "keo kiệt". Chỉ có điều, giới chủ MU không vạch ra được một kế hoạch tỉ mỉ và đúng hướng trong dài hạn, khiến đội bóng trượt dài. "Quỷ đỏ" chi mạnh tay nhưng thường các vụ làm ăn kém hiệu quả.
Theo Sky Sports, chỉ Zlatan Ibrahimovic và Bruno Fernandes là 2 bản hợp đồng có màn trình diễn tốt. Những chữ ký còn lại mà MU chiêu mộ, kể từ khi Sir Alex Ferguson giải nghệ, hoàn toàn gây thất vọng. Paul Pogba, Angel Di Maria hay Romelu Lukaku là minh chứng.
MU từng cố gắng ký hợp đồng với Thiago Alcantara và Toni Kroos nhưng cuối cùng quyết định mang về Marouane Fellaini. Họ lọc danh sách 804 hậu vệ phải tiềm năng và chọn Aaron Wan-Bissaka, bản hợp đồng lãng phí 50 triệu bảng. Một số trường hợp tương tự tiếp tục xuất hiện trong nhiều năm qua.
Việc ký hợp đồng với Casemiro nằm ngoài kế hoạch ban đầu. MU chiêu mộ một cầu thủ giành 5 chức vô địch Champions League, và là một trong những cầu thủ hàng đầu ở vị trí của mình. Nhưng Casemiro sắp bước sang tuổi 31 vào tháng 2 năm tới. MU trao cho tiền vệ người Brazil hợp đồng 4 năm, kèm tùy chọn 1 năm với mức lương hậu hĩnh.
Casemiro là mẫu cầu thủ rất khác so với mục tiêu mà Man Utd dành cả mùa hè để theo đuổi là Frenkie de Jong. Thậm chí, Casemiro không phải giải pháp thay thế cho Adrien Rabiot, dù giá trị và đẳng cấp của tiền vệ người Pháp không thể sánh bằng.
Tất nhiên, có thể MU đánh giá lại kế hoạch khi họ nhận thấy có cơ hội lớn chiêu mộ Casemiro. Sự xuất hiện của tiền vệ người Brazil phần nào sẽ giúp tuyến giữa CLB trở nên chắc chắn hơn, khả năng phòng ngự từ xa ổn hơn, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn.
Dù vậy, chữ ký của Casemiro vẫn để lại một dấu hỏi lớn. Nếu Ten Hag kiên quyết muốn có một cầu thủ theo phong cách De Jong để áp dụng triết lý tại MU, thì việc mang về Casemiro đồng nghĩa nhà cầm quân người Hà Lan phải phác thảo nên một cách tiếp cận mới.
Có cảm giác MU mua về một cầu thủ, hoặc bổ nhiệm một HLV rồi sau đó mới tìm ra cách gắn kết lại với nhau và để mọi thứ có thể hoạt động trơn tru.
Nhà Glazer không ngần ngại chi mạnh tay để MU mua sắm. |
Hiểu sai về nhà Glazer
Cách MU mua sắm phản ánh một đội bóng thiếu tầm nhìn. Thay vào đó, MU bổ sung những cầu thủ chất lượng, có giá cao nhưng đôi khi không phù hợp. Đó là những ý tưởng chắp vá, rời rạc, không phải là một quy trình tổng thể chặt chẽ, mạch lạc.
Ten Hag muốn xây dựng lối chơi từ phía sau, nhưng đẩy đi Dean Henderson và giữ lại David de Gea. Thủ thành người Tây Ban Nha có thể nằm trong số những người gác đền có khả năng phản xạ và cản phá hay nhất thế giới, nhưng kỹ năng chơi chân của anh không tốt.
Cựu HLV Ajax muốn MU thay đổi, tiếp cận trận đấu theo phong cách pressing tầm cao, bóp nghẹt đối thủ từ bên phần sân đối phương. Tuy nhiên, Ten Hag đang đối mặt với thực tế rằng Ronaldo không giỏi pressing.
Đó là những vấn đề và trở ngại vốn kìm hãm MU trong một thập kỷ qua. Họ sắp cán mốc 10 năm không giành được, hoặc thậm chí thật sự thách thức cho một chức vô địch Premier League.
Gary Neville và giới phân tích liên tục chỉ trích nhà Glazer. Họ cho rằng MU lẽ ra có thể chi mạnh tay hơn nếu đội bóng được giữ lại doanh thu tạo ra. Thế nhưng, cần biết rằng nhà Glazer cũng cho phép MU chi rất nhiều cho hoạt động mua sắm. Chỉ có điều họ chi thiếu hiệu quả.
Gần đây xuất hiện thông tin Jim Ratcliffe muốn mua lại MU. Ông là người giàu nhất nước Anh với khối tài sản lên đến 13 tỷ bảng. Điều này khiến CĐV MU phấn khích. Song, suy cho cùng tiền thôi là chưa đủ để thay đổi tình trạng hiện tại.
Kinh nghiệm của MU và chính nhà Glazer cho thấy tiền chưa bao giờ là vấn đề ở Old Trafford, và rất có thể, tiền cũng không phải là giải pháp. "Quỷ đỏ" có thể chi rất nhiều tiền nhưng những gì họ làm được mới là quan trọng.
MU đang phải trả giá cho chính sách quản lý yếu kém và thiếu chiến lược. Casemiro có thành công hay không phải để thời gian trả lời. Nhưng một điều chắc chắn rằng MU vẫn chưa thể tìm ra lối thoát cho tương lai.