Bình luận
Trong suốt hơn nửa thập niên qua, bất kỳ cổ động viên (CĐV) nào yêu mến MU cũng chỉ ra được lý do “Quỷ đỏ” thất bại. Đó là sự điều hành kém cỏi của Phó chủ tịch Ed Woodward.
Song nghịch lý lại nằm ở chỗ chưa bao giờ vị thế của Ed Woodward bị lay chuyển tại sân Old Trafford. Bất chấp việc người đàn ông này có khiến MU sa lầy như thế nào, khả năng ông bị sa thải là gần như bằng không.
Ed Woodward khiến MU sa lầy với hàng loạt quyết định sai lầm trên thị trường chuyển nhượng. Ảnh: Getty. |
Vai trò của Woodward
Ed Woodward là ai và đóng vai trò gì tại MU? Đó là câu chuyện dài bắt đầu từ năm 2005, khi Ed Woodward đóng vai cố vấn chính trong màn thâu tóm MU của nhà Glazer. Trước đó, người đàn ông sinh năm 1971 này là chuyên gia phân tích tài chính của JP Morgan, một trong những quỹ đầu tư lớn trên thế giới.
Sau chiến công thâu tóm MU ngày đó, Ed Woodward được bổ nhiệm vào ban kế hoạch tài chính của “Quỷ đỏ”. Hai năm sau, Ed Woodward nhận lấy trách nhiệm phụ trách các hoạt động thương mại và truyền thông. Trong 5 năm, Ed được tin tưởng giao trách nhiệm và thương hiệu MU tăng phi mã trên thị trường.
MU vẫn là thương hiệu bóng đá lớn bậc nhất toàn cầu. Ảnh: Getty. |
Trước khi Ed Woodward phụ trách mảng này, MU thu về 48,7 triệu bảng mỗi năm. Sau 8 năm, con số MU thu về trong một năm tăng lên thành 169 triệu bảng, theo Statista.
Ed Woodward hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa MU trở thành thương hiệu bóng đá lớn bậc nhất toàn cầu. Số liệu của Statisa cho thấy “Quỷ đỏ” đang là CLB sở hữu thương hiệu mạnh nhì với thế giới khi được định giá 1,651 tỷ USD, chỉ kém Real Madrid, CLB giành tới 4 chức vô địch UEFA Champions League trong giai đoạn mạng xã hội bùng nổ trên thế giới.
Lần cuối cùng MU vô địch Premier League là năm 2013, trong khi Champions League là năm 2008. Trong từng đấy năm, Real Madrid vô địch Champions League 4 lần, con số tương tự với Barcelona là 3 lần. Chelsea cũng có 4 chức vô địch Premier League, 1 Champions League. Song MU vẫn khiến tất cả phải kiêng nể về mặt giá trị thương hiệu. Công lao đó dĩ nhiên thuộc về Ed Woodward.
Đứng trên cương vị chủ doanh nghiệp, việc sa thải một quan chức luôn giúp giá trị thương hiệu đội bóng tăng lên và kiếm bộn tiền là điều không thể. Woodward chắc ghế là vì lẽ đó.
MU cần thương hiệu hay thành tích?
Là “dân” kinh tế, Ed Woodward hiểu rõ giá trị của đồng tiền. Vì không phải “dân” bóng đá, Woodward lại không hiểu rõ giá trị không thể định lượng của trò chơi được coi là thể thao vua này.
Ông coi bóng đá cũng như kinh doanh và cư xử với nó hệt như doanh nhân. Khi MU đi mua cầu thủ, Woodward cử luật sư đi đàm phán. Họ chỉ nói về tiền, mặc kệ thứ giá trị thể thao đầy hấp dẫn và lôi cuốn của “Quỷ đỏ”. Patrice Evra là người mới nhất lên tiếng về cách đàm phán kiểu con buôn này.
"Tôi còn nhớ dưới triều đại của Sir Alex Ferguson, những thông tin chuyển nhượng của Man United đều được giữ kín. Chúng tôi không gây ra hiệu ứng quá nhiều trên truyền thông nhưng sẽ trả lời bằng hành động cụ thể. Van Persie, Evra, Vidic, Ferdinand cứ thế lần lượt gia nhập sân Old Trafford", Evra nói.
Matt Judge (đi sau) là cánh tay phải của Ed Woodward, người trực tiếp thương thảo các vụ chuyển nhượng của MU. Giống Woodward, Judge chưa từng là cầu thủ và sở hữu bằng kinh tế tại Đại học Bristol. Ảnh: Getty. |
"Giờ đây, tôi thường xuyên nhận được cuộc gọi từ những giám đốc bóng đá của các CLB hàng đầu. Họ bảo hãy giúp họ chuyển lời đến Matt Judge (giám đốc phụ trách chuyển nhượng của MU - PV) vì ông ấy không nhấc máy. Vậy đấy, Man United cử luật sư đến nói chuyện mua bán cầu thủ. Đó là hành động sai lầm vì họ không am hiểu gì về thế giới bóng đá cả".
"Khi bạn muốn mua cầu thủ có giá 20 triệu bảng, có khi bạn phải chi đến 100 triệu bảng. Tuy nhiên, giờ có khi những cầu thủ này còn chẳng muốn tiền của chúng tôi nữa", Evra nhấn mạnh.
Ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2020, Woodward tự tay gạt đi 2 mục tiêu quan trọng của “Quỷ đỏ” là Jadon Sancho và Sergio Reguilon. Với Sancho, Woodward không chấp nhận mức giá 108 triệu bảng mà Dortmund yêu cầu và không tôn trọng thời hạn cuối cùng mà đội bóng Đức đặt ra (ngày 10/8).
Tờ Athletic nhấn mạnh MU của Woodward chỉ gửi lời đề nghị hỏi mua trị giá 80 triệu bảng đến Dortmund. Tới ngày 10/8, MU thả lỏng thương vụ vì nghĩ đó là chiêu bài ép giá của đội bóng Đức, và Dortmund thực tế vẫn đang ngồi trong bàn đàm phán. Đến sát hạn cuối của kỳ chuyển nhượng, Woodward mới chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ để ép giá Dortmund và “chốt đơn”.
Tuy nhiên, lúc này đã quá muộn. Bundesliga bắt đầu, và Dortmund không dại gì bán đi cầu thủ quan trọng nhất của mình để ôm lấy cục tiền còn quá ít giá trị sử dụng.
Trong thương vụ Reguilon, Woodward nhất quyết từ chối điều khoản mua lại của Real Madrid. Ông sợ MU lỗ vì Reguilon tỏa sáng và đi vào vết xe đổ Juventus từng chịu trong thương vụ Alvaro Morata (Real cài điều khoản mua lại và lấy Morata về sau 2 mùa bán cho Juve).
MU thua 1-6 trước Tottenham. Trong đó, vị trí hậu vệ trái của Luke Shaw bị khoét vào liên tục. Hàng công MU trở nên thiếu đột biến khi mãi dựa vào Rashford, Martial và Bruno Fernandes.
Mới đây, ESPN phát hiện ra chuyện Woodward can thiệp vào phút chót khiến MU mua hụt mất Haaland tháng 1/2020. Nguyên nhân cũng không cũ khi ông không muốn có điều khoản phá vỡ hợp đồng trị giá 75 triệu bảng trong thương vụ này.
Có thể thấy rõ Woodward đặt tiền là trung tâm trong mọi vụ chuyển nhượng của MU. Ông không quan tâm cầu thủ tài năng ra sao hay sẽ mang tới điều gì cho “Quỷ đỏ”. Nếu MU thiệt về tiền nhiều hơn được khi mua người, Woodward sẽ từ chối.
Câu chuyện MU chấp nhận đợi Ruud van Nistelrooy một năm và chờ tiền đạo người Hà Lan bình phục chấn thương đứt dây chằng trước khi tỏa sáng tại Old Trafford chắc chắn không thể nào xuất hiện dưới thời Ed Woodward.
Con mắt của doanh nhân không cho phép ông làm điều đó. Với phó chủ tịch MU, giá trị thể thao không tồn tại, tiền quan trọng hơn tất cả.
MU không thể mua Sancho vì Ed Woodward tin Dortmund kiểu gì cũng phải bán. Ảnh: The Athletic. |
Woodward cũng có những phi vụ thắng lớn. Bruno Fernandes hay phần nào đó là Martial là những chữ ký như thế. Song trên cương vị doanh nhân, Ed Woodward hẳn hiểu rõ cơ chế của thị trường và sự khắc nghiệt của nó.
Bất kỳ ai hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính (như Woodward) đều biết George Soros. Tỷ phú người Hungary nổi tiếng với câu chuyện đánh sập đồng bảng Anh để thu về một tỷ USD trong một ngày. Câu chuyện của Soros bài học gối đầu giường cho nhiều doanh nhân.
Bí quyết của Soros có thể gói gọn trong một câu: “Điều quan trọng nhất chính là không phải bạn đúng hay sai, mà là bạn kiếm được bao nhiêu khi bạn đúng và mất bao nhiêu khi bạn sai”.
Trên góc độ thể thao, MU kiếm được quá ít với những quyết định đúng của Woodward, nhưng lại mất quá nhiều sau những quyết định sai lầm của người đàn ông này.