Ngân hàng hướng đến cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận và giữ vững chỉ số an toàn hoạt động.
Tập trung số hóa, nâng tầm trải nghiệm khách hàng
Năm 2022, MSB là một trong những ngân hàng tiên phong ra mắt thị trường những giải pháp “thuần số” như vay tín chấp - thế chấp cá nhân và doanh nghiệp, mở thẻ tín dụng, mua bảo hiểm phi nhân thọ với quy trình trực tuyến, có tính tự động hóa cao. Thời gian từ bước đăng ký sử dụng sản phẩm đến giải ngân hoặc phát hành chỉ còn vài tiếng hoặc vài phút, thay vì vài ngày như cách thức truyền thống. Kênh số cũng được MSB định vị trọng tâm trong tiếp cận khách hàng. Chuyển đổi số tạo động lực dẫn dắt tăng trưởng trong kế hoạch đến năm 2027.
Thành quả từ chuyển đổi số đã được phản ánh rõ trong kết quả hoạt động kinh doanh của MSB 2 năm gần đây. Việc số hóa quy trình thẩm định, phê duyệt, giải ngân online góp phần tăng năng lực cạnh tranh của ngân hàng trong mảng tín dụng và đóng góp không nhỏ vào tổng mức tăng trưởng tín dụng 16,35% năm 2022, tính riêng mảng ngân hàng.
MSB đặt mục tiêu trở thành ngân hàng có dịch vụ tốt nhất dựa trên nền tảng số hóa hiện đại. |
Tăng trải nghiệm cho khách hàng cũng giúp MSB giữ vị thế top 5 ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng tiền cao hàng đầu thị trường, với mức trung bình năm 2022 đạt 36%. Đây là cơ sở để ngân hàng tối ưu chi phí huy động vốn, tạo nền tảng nâng biên lãi thuần (NIM) lên mức 4,5%, trong bối cảnh thị trường chung bị ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng tăng lãi suất nửa cuối năm ngoái.
Với mục tiêu trở thành ngân hàng có dịch vụ tốt nhất dựa trên nền tảng số hóa hiện đại, năm 2023, MSB từng bước hoàn thành triển khai chương trình STP (straight-through processing) - tự động hóa từ đầu đến cuối quy trình. Khách hàng có thể tự xử lý các giao dịch trực tuyến, dễ dàng tiếp cận sản phẩm ngân hàng và sử dụng linh hoạt dịch vụ khác mà không cần thao tác phức tạp hay trợ giúp từ nhân viên.
Giai đoạn 2023-2025, MSB tiếp tục đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cho mảng công nghệ, hiện thực hóa mục tiêu 70-80% giao dịch được thực hiện trên kênh số, đồng thời giảm thời gian sản phẩm ra mắt thị trường xuống 4 tuần/sản phẩm.
Từ mong muốn thúc đẩy các dự án số cùng mục tiêu cụ thể được xác lập, trong năm nay, ngân hàng quyết định trình đại hội đồng cổ đông phương án tạm thời không chia cổ tức để tạo nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Dự kiến, khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, ngân hàng sẽ trình bổ sung phương án.
Ưu tiên giữ vững các chỉ số an toàn
Chiến lược ưu tiên của ngân hàng trong nhiều năm là giữ vững chỉ số an toàn. Riêng năm 2022, ngân hàng ghi nhận tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR riêng lẻ) đạt mức 68,77% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung/dài hạn của mảng ngân hàng được kiểm soát ở mức 23,57% (so với yêu cầu 37%). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo thông tư 41 đạt 12,33%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL mảng ngân hàng) theo thông tư 11/NHNN đang ở mức 1,21%.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường năm 2022 diễn biến khó đoán định, ngân hàng giữ mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 14% so với năm 2021, đảm bảo tăng trưởng lành mạnh và hiệu quả. Hoạt động tín dụng cũng được chuyển dịch theo xu hướng giảm cho vay bất động sản, tăng cường giải ngân cho các ngành ít chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn như sản xuất, thương mại, năng lượng sạch… Nói cách khác, danh mục tín dụng đã được chuyển dịch nhằm giảm rủi ro và tăng hiệu quả sử dụng vốn.
MSB ưu tiên giữ vững các chỉ số an toàn trong hoạt động. |
Tại quý I, MSB vẫn giữ quan điểm thận trọng. Đại diện ngân hàng cho biết: “Quý đầu năm là chu kỳ mang tính ‘thăm dò’. Ngân hàng lựa chọn hướng đi chắc chắn, lắng nghe và quan sát phản ứng của thị trường để đưa ra kế hoạch phù hợp giai đoạn tiếp theo”.
Tại đại hội cổ đông, MSB sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2023 với phương án lợi nhuận trước thuế 6.300 tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đầu năm nay, MSB đã cập nhật tuyên bố khẩu vị rủi ro để đảm bảo tính phù hợp thị trường và định hướng chiến lược kinh doanh 2023-2027. Trong đó, ngân hàng tập trung nâng cao chiến lược quản trị rủi ro số, cập nhật cơ chế nhận diện rủi ro. Đồng thời, MSB tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng phương pháp tính vốn mới, Expected Shortfall (ES) - tiếp cận nâng cao Basel III, tính vốn EVE trên cơ sở 6 kịch bản rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Qua đó, ngân hàng đưa ra dự báo sớm cho 3 tháng tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả quản trị rủi ro thị trường, thanh khoản.