Thủ tướng Hungary Viktor Orban cáo buộc Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phải “chịu trách nhiệm cho toàn bộ mớ hỗn độn này”, trong khi các nhà ngoại giao Tây Ban Nha và Italy gọi ông là “Mr. No No No!” (tạm dịch: Ngài Không Không Không Không).
Lý do: vì ông luôn nói “không” với việc đóng góp thêm cho EU trong nỗ lực lập quỹ phục hồi kinh tế.
Ông Rutte đã đứng lên phản đối kế hoạch chi tiền của (EU), dưới góc độ là người lãnh đạo của nhóm các nước nhỏ và “tằn tiện” hơn ở châu Âu, theo Reuters.
Dù ông không hào nhoáng như “người đàn bà thép” Margaret Thatcher, thủ tướng Anh của thế hệ trước, việc ông Rutte ưu tiên sự tằn tiện có sự hậu thuẫn của dư luận và chính trị ở nước ông.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đến hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels ngày 19/7. Ảnh: Reuters. |
Người Hà Lan, vốn có tỷ lệ ủng hộ EU tới 2/3, tự hào về lịch sử của mình là một nước buôn bán và tiết kiệm.
Người đóng thuế Hà Lan biết rằng so với quy mô đất nước thì họ là nước đóng góp nhiều nhất vào ngân sách của EU. Vì vậy, họ không mặn mà lắm với việc đóng góp thêm hoặc cho vay thêm.
Biệt danh “no no no” đến từ một video lan truyền rộng rãi hồi tháng 4, trong đó một người thu gom rác ở Hà Lan hét lên với ông Rutte là đừng “cho những người Italy và Pháp kia” thêm tiền.
“Oh, no no no”, ông Rutte trả lời. “Tôi sẽ ghi nhớ”.
Nhưng những ý kiến trái chiều lại cho rằng việc tằn tiện bây giờ là không đúng lúc, vì Hà Lan có thặng dư thương mại lớn với toàn EU. Theo họ, việc Hà Lan phải đóng góp nhiều vào EU chỉ là một phần câu chuyện, vì Hà Lan nhận được nhiều khoản lợi khác, chẳng hạn như thu thuế.
“Là thiên đường thuế đã giúp Hà Lan tóm được 6,7 tỷ euro (7,65 tỷ USD) tiền thuế từ Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha” (vào năm 2018), kinh tế gia Erik Nielsen của công ty Unicredit cho biết.
Dù vậy, từ góc độ người Hà Lan, tranh luận lại xoay quanh việc Hà Lan giàu mạnh là do kỷ luật làm việc của mình, và liệu có công bằng hay không khi chia sẻ với các nước có tuổi nghỉ hưu thấp hơn (tức làm việc ít năm hơn).
Chính trị cũng có vai trò lớn trong vấn đề này. Tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 3 năm sau, và đảng VVD bảo thủ của ông Rutte sẽ phải tranh giành với các đảng cực hữu cùng một khối cử tri, đa phần trong đó là những người hoài nghi EU.