Ngoại trừ 2 sân vận động lớn trong thành phố là Aung San và Thuwunna (sân thi đấu chính), không khí bóng đá dường như chưa về đến Yangon. Không băng rôn, không cờ quạt, từ sân bay đến trung tâm thành phố, chẳng ai nhận diện được AFF Cup nằm ở chỗ nào.
Yangon là một thành phố đang trẻ hoá với tốc độ vũ bão. Nhưng đấy là bề nổi, khi nhìn vào những toà cao ốc mọc lên kìn kìn, những con đường ngày càng chật chội bởi xe hơi, những chiếc điện thoại thông minh tràn trề sóng 4G…
Ở sâu thẳm trong từng ngõ ngách, nhịp sống của người dân Yangon vẫn trôi chầm chậm, nhẹ tênh. Cách đường lớn Parami chỉ vài bước chân là một con ngõ nhỏ với những quán ăn dã chiến bằng xe đẩy, với những khoảnh vườn um tùm cây cối chẳng khác gì một vạt rừng.
Trong con ngõ ấy có một người đàn ông gần 40 tuổi, chạy taxi bán thời gian. Ông là Ko Soe, một nhân viên tư vấn du lịch ngày nào cũng bận rộn với những cuộc gọi hay chat từ những người nước ngoài muốn khám phá Myanmar.
Ko Soe rất chuyên nghiệp. Đúng 5 rưỡi sáng, như đã hẹn, ông đến đón chúng tôi đi ngắm mặt trời mọc trên hồ Can Taw Gyi với đầy đủ nước uống, đồ ăn nhẹ. Trên xe còn một chai nước thật to, mà ông dặn: đừng có uống.
Hoá ra, đây là nước… lau kính. Xe ô tô của Ko Soe là một chiếc Mitsubishi cũ đến mức nước lau kính không còn phụt lên được nữa. Mỗi lần muốn làm sạch tầm nhìn, ông lại phải tự đổ nước ra và… gạt.
Ông Ko Soe đổ nước rửa kính. Ảnh: Quốc Bảo. |
Ko Soe nói vui: “Xe Mitsubishi của tôi ở đây là đồ hiếm. 80% dân Yangon chạy xe Toyota”.
Quả thế thật. Đường phố Yangon gần như là sự độc chiếm của thương hiệu Toyota. Người bình dân thì lái những chiếc hao hao như Yaris, Altis, Vios ở Việt Nam, còn nhà giàu thì chuộng Prado, Highlander hay dòng cao cấp như Lexus.
Yangon chỉ có xe hơi, không cho xe máy chạy. Để nuôi một chiếc ô tô, với một gia đình trung lưu như Ko Soe là chuyện rất nhẹ nhàng. Ông bảo, giá xăng ở đây chỉ là 650 kyats/lít, tính ra tiền Việt khoảng 13.000 đồng.
Ko Soe mặc longyi, một loại váy phổ thông ở Myanmar, và nhai trầu suốt quãng đường. Cái hồ mà ông đưa chúng tôi đến, nằm rất gần ngôi chùa Vàng Shwedagon nổi tiếng nhất Yangon. Đấy cũng là điểm dân cư tập trung mỗi sáng.
6 rưỡi sáng, trong cái nắng mặt trời đã nhô cao hơn đỉnh của những ngôi chùa vàng óng ánh, người dân phố vẫn bình thản đi dạo, hít vào thở ra và chắp tay cầu nguyện. Nét mặt họ thư thái, không có vẻ gì lo lắng cho một ngày thứ sáu dồn hết công việc dang dở của cả tuần. Chín giờ, họ mới bắt đầu ngày làm việc.
Một người đàn ông vừa tập thể dục vừa cầu nguyện ở công viên Can Taw Gyi (Yangon). Ảnh: Quốc Bảo. |
Tôi hỏi Ko Soe, ông có yêu bóng đá không. Ko Soe gật đầu. Ngày trước, ông hay xem bóng đá, nhưng bây giờ công việc khá bận nên ông ít dành thời gian cho thú vui này.
Cũng như nhiều người dân Myanmar khác, Ko Soe quan tâm đến giải Ngoại hạng Anh hơn giải đấu của Myanmar. Vì thế, thật chẳng dễ chút nào để Ko Soe tìm ra một cầu thủ Myanmar mà ông cho là hay nhất.
Ngẫm nghĩ một lúc, sau vài cái nhấn ga để lên cầu, Ko Soe mới đưa ra lựa chọn: Kyi Lin. Ko Soe bảo rằng Kyi Lin đá hay, là một tiền vệ, khoảng 25, 26 tuổi gì đó. Nhưng ông không dám chắc ở giải đấu này, Kyi Lin có xuất hiện hay không.
“Tôi có biết AFF Cup tổ chức tại Yangon, hình như họ đã bán vé rồi đấy. Nhưng tôi có khách đặt xe ngày chủ nhật, nên tôi không thể đến sân”, Ko Soe cho biết. Ông cũng lý giải, người dân Myanmar thường sát ngày thi đấu mới kéo đi mua vé, nên hiện giờ, không khí chưa sôi động.
Xe dừng đèn đỏ. Ko Soe tranh thủ mua 2 tờ báo. Không tờ nào chuyên về thể thao.
Chúng tôi liếc qua sạp báo cầm tay của người đàn bà có đôi mắt biết cười, chẳng hề có hình ảnh AFF Cup hay đội tuyển Myanmar như tưởng tượng. Tờ duy nhất với trang bìa mang hình hài bóng đá, lại là ảnh đội tuyển Anh.
Người phụ nữ bán báo mang "đôi mắt biết cười". Ảnh: Quốc Bảo. |