Ngày 27/1, ông Trump cố gắng sắp xếp lịch trình làm việc dày đặc để dành thời gian thực hiện cuộc điện đàm kéo dài 1 tiếng với Tổng thống Mexico Pena Nieto.
Trước đó, ông Nieto vô cùng giận dữ trước quyết định xây tường biên giới của người đồng cấp Mỹ, nên thẳng thừng hủy cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Trump. Nhóm của Trump ban đầu dự định đáp trả bằng cách áp đặt thuế biên giới với hàng nhập khẩu từ Mexico.
Tuy nhiên, cuối buổi điện đàm, một số nguồn tin cho biết Trump đã giao cho con rể Jared Kushner để giải quyết những bất đồng còn lại. Sự việc này một mặt là khởi đầu gập ghềnh của Tổng thống Trump trong giới ngoại giao, mặt khác là dấu hiệu cho thấy cách ông sẽ quản lý các vấn đề thế giới.
Ông Trump từng đến thăm Mexico khi còn tranh cử. Tổng thống Mexico dự kiến đến Washington vào tuần tới, nhưng quyết định hủy bỏ chuyến đi để phản đối quyết định của Trump về xây tường biên giới. Ảnh: AP. |
"Vừa đấm vừa xoa"
Chỉ trong vài ngày, Trump áp dụng chiến thuật vừa cảnh báo vừa trấn an những đối tác quốc tế. Ông gây chiến nhưng cũng dập tắt rất nhanh. Ông tuyên bố mạnh mẽ nhưng sớm dịu giọng. Qua mỗi bước đi, Trump tỏ ra phụ thuộc vào đội cố vấn thân cận đã đi cùng ông qua một chiến dịch phá vỡ mọi quy tắc, một nhóm ít kinh nghiệm đối ngoại nhưng có được lòng tin của tổng thống.
Đến nay, các nguồn tin chính quyền và ngoại giao cho biết phần lớn các quyết định chính sách đối ngoại của chính quyền mới nằm trong tay người con rể Kushner và Steve Bannon, tổng biên tập một trang tin bảo thủ và trở thành cố vấn của Trump.
Trong khi đó, ứng viên ngoại trưởng của Trump là Rex Tillerson vẫn đang chờ phê chuẩn từ Thượng viện. Còn các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), bộ máy mà Trump từng chỉ trích là "phình to", vẫn đang cố gắng chờ chỉ đạo từ chính quyền mới.
Trên thực tế, một số động thái ngoại giao của Trump vẫn tuân theo quy tắc tiêu chuẩn. Ông đã thực hiện các cuộc điện đàm đầu tiên với những đồng minh của Mỹ như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande...
Tuy nhiên, Trump cũng nhanh chóng tuyên bố một kỷ nguyên mới. Ông phá bỏ nỗ lực xây dựng một hiệp ước thương mại tự do rộng lớn ở dải Thái Bình Dương của chính quyền Obama. Tân tổng thống cũng quyết liệt đóng sập cánh cửa Mỹ với người tị nạn, không ngần ngại chọc giận thế giới Arab khi ngưng việc cấp thị thực cho người dân ở 7 quốc gia Hồi giáo trong 3 tháng.
Trong ngày đầu tiên trên cương vị tổng thống, Trump đã phát biểu trước cộng đồng tình báo ở trụ sở CIA rằng "Mỹ lẽ ra đã chiếm được các mỏ dầu của Iraq vì lý do kinh tế, dựa trên những nỗ lực của Mỹ ở đất nước này". Ông đã chốt hạ rằng: "Nhưng không sao, quý vị có thể còn cơ hội khác".
Vài quan chức tại NSC tỏ ra lo ngại về một số nội dung trong chính sách với người tị nạn của Trump cũng như cách ông quyết tâm tăng cường an ninh biên giới. Tuy nhiên, những cố vấn thân cận của tổng thống dường như không quan tâm đến các lo ngại này.
Người con rể Jared Kushner và cố vấn Steve Bannon được cho là người ảnh hưởng lớn đến phần lớn chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Ảnh: AFP. |
Quyền lực người con rể
Chàng rể Kushner và ông Bannon tham gia rất nhiều vào những cuộc bàn thảo giữa chính quyền Trump với các đối tác châu Âu, sắp xếp các cuộc điện đàm và gặp trực tiếp những nhà ngoại giao, quan chức nước ngoài.
Khi thảo luận với quan chức Anh, Kushner được cho là đã nổi giận chỉ trích việc Anh ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an, trong đó lên án việc mở rộng khu tái định cư của người Israel. Đại diện Mỹ của chính quyền Obama tại Liên Hợp Quốc khi đó đã bỏ phiếu trắng, dù Trump thúc giục họ phủ quyết.
So với quan điểm mạnh mẽ của nhóm của Trump về Israel, các đối tác châu Âu cảm thấy lo lắng khi tổng thống Mỹ tỏ ra thân thiết với Nga. Một số quan chức lo lắng rằng Mỹ có thể dỡ bỏ những cấm vận với Nga sau cuộc điện đàm giữa Trump và Tổng thống Putin vào cuối tuần này.
Trump không giúp giải tỏa nhiều lo âu khi ông lấp lửng rằng vẫn có thể duy trì cấm vận kinh tế với Nga. "Chúng ta hãy chờ xem việc gì sẽ xảy ra", ông nói trong cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Theresa May.
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo đầu tiên với một lãnh đạo nước ngoài. Ảnh: AP. |
Bà May là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên gặp Trump sau khi vị tỷ phú chính thức nhậm chức. Điều này cho thấy sự sốt ruột của nữ thủ tướng Anh trong việc "đọc vị" người đàn ông khó đoán với cả thế giới. Trump tỏ ra thận trọng trong buổi họp báo chung, nhưng cũng tỏ ra thoải mái và không tiếc lời ca ngợi bà May.
Tổng thống Mexico lẽ ra đã đến Washington sau bà May. Nhưng điều này đã thay đổi sau khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp về xây tường biên giới. Nhà Trắng nhanh chóng đe dọa sẽ áp thuế 20% với hàng hóa từ Mexico để lấy kinh phí xây tường.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ sau đó cũng trấn an rằng đây chỉ là một trong những lựa chọn. Một thông báo từ Mexico về nội dung điện đàm giữa ông Trump và Nieto cho biết hai vị tổng thống đã đồng ý "sẽ không bày tỏ công khai" về sự bất đồng trong vấn đề chi phí xây tường biên giới. Còn thông báo của Nhà Trắng thì không có lời hứa tương tự.