Mới đây, bản dịch Nam Hoa Kinh của Nhượng Tống đã được Omega Plus phát hành.
Được viết bởi bậc thầy ngôn từ Trang Chu (hay còn được gọi là Trang Tử) - nhà tư tưởng, tác gia nổi tiếng của Đạo giáo, Nam Hoa Kinh luôn được coi là một trong những tác phẩm sâu sắc, uyên bác bậc nhất trong số các trước tác triết học Trung Quốc. Không chỉ vậy, Nam Hoa Kinh còn là một tác phẩm văn học trác tuyệt, có sức ảnh hưởng lớn lao đến triết lý, văn chương, nghệ thuật... của nhiều tác giả sau này.
Sách Nam Hoa Kinh. |
Tập hợp các giai thoại, ngụ ngôn được thể hiện bằng thủ pháp nghệ thuật ngôn từ đặc sắc, bố cục cuốn sách Nam Hoa Kinh có 33 thiên, được chia làm 3 phần gồm “Nội thiên”, “Ngoại thiên” và “Tạp thiên”. Ngoài ra còn có phần lời phụ bàn “cùng bạn đọc” của dịch giả và phần lời bình hoặc chú giải như “Phép đọc Nam Hoa Kinh”, “Tổng luận”... của Lâm Tây Trọng - người dành nhiều tâm sức nghiên cứu cổ văn, chuyên phân tích, bình chú các tác phẩm cổ điển Trung Hoa.
Các giai thoại trong Nam Hoa Kinh đa phần đều tương đối ngắn, không được viết theo lối luận giống như phần lớn các văn bản thời Tiên Tần (cách gọi chung về thời đại trước triều đại nhà Tần - tức là trước năn 221 TCN) mà được viết theo lối ngụ ngôn hoặc đối đáp trình bày quan điểm tư tưởng triết lý nhân sinh, cũng như cách nhìn nhận của con người về thị phi, thiện ác, sinh tử và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.
Điểm đặc biệt, các chuyện ngụ ngôn hóm hỉnh và giàu cảm xúc trong Nam Hoa Kinh không được viết dựa trên các truyền thuyết đã được lưu truyền trong dân gian, mà dường như đều do đích thân Trang Chu sáng tác. Nhiều câu chuyện trong “Nam Hoa Kinh” rất nổi tiếng, như đã trở thành điển tích được người đời sau nhắc tới như “Trang Chu mộng hồ điệp” hay câu chuyện tranh luận về cái vui của cá.
Chia sẻ cảm xúc khi đọc Nam Hoa kinh, nhà văn Nhượng Tống ghi lại: “Trong khi đọc Trang, tôi có cảm tưởng như được cất mình lên Tiên giới... Cõi đời ấy tự có riêng trời, đất, cỏ, hoa, không bợn chút bụi trần, và xa hẳn các tiếng cười, khóc, thở than, ồn ào trong vòng danh lợi”. Nhà văn dịch Nam Hoa Kinh là để “tìm chơi mối cảm nói trên” và mong rằng độc giả cũng tìm thấy những cảm xúc ấy.
Ngoài ra, theo nhà văn Nhượng Tống, những người thích nghiên cứu cũng có thể tìm thấy trong Nam Hoa Kinh những “mầm non" của các học thuyết mới, rất mới, chẳng hạn, của biện chứng pháp, của tiến hóa luận, của tư tưởng “hồi thuần”…”.
Cuốn sách Nam Hoa Kinh phù hợp với các bạn độc giả yêu thích sách kinh điển, muốn tìm hiểu về Đạo giáo Trung Quốc. Và bản dịch Nam Hoa Kinh do Omega Plus và NXB Thế giới liên kết xuất bản là bản dịch của Nhượng Tống trong lần in thứ hai năm 1962.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.