New York đang chật vật mở lại, và các nhân viên làm văn phòng hay quầy thu ngân đã quay lại làm. Ngày 6/7, thành phố bước vào giai đoạn mới, cho phép các dịch vụ như làm móng tay hay giải trí ngoài trời mở lại. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp của New York vẫn ở mức 20%, một tỷ lệ cao chưa từng thấy kể từ Đại Khủng hoảng đầu thập niên 1930.
Việc nghỉ tạm thời đang trở thành mất việc hẳn đối với nhiều người. Lệnh phong tỏa bốn tháng trước đã khiến ít nhất 1 triệu người mất việc và đe dọa sự tồn vong của các doanh nghiệp, theo New York Times.
Dù tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc đã giảm, tỷ lệ này ở New York đã tăng lên 18,3%. Ảnh: New York Times. |
Thất nghiệp cao nhất trong nửa thế kỷ
Việc sa thải vẫn tiếp diễn vào tháng 6 vừa qua, khi nhiều chủ doanh nghiệp từ bỏ hy vọng hồi phục hoặc cạn tiền trợ cấp liên bang.
Kelvin Rolling, 48 tuổi, là người điều phối xe taxi ở sân bay John F. Kennedy trong 5 năm qua. Tưởng rằng anh may mắn giữ được việc khi thành phố mở lại, nhưng đến tháng 6, anh đột ngột nhận thông báo bị cho nghỉ việc.
Đại dịch là cú sốc đột ngột và bao trùm mà thành phố New York chưa từng trải qua. Hầu hết khủng hoảng tài chính như một “căn bệnh kéo dài”, theo Frank Braconi, cựu chuyên gia kinh tế của văn phòng kiểm toán thành phố.
“Lần (khủng hoảng) này như một cơn đau tim”, ông nói với New York Times.
Có những ngành đang hoạt động hết công suất thì đột ngột đóng gần như hoàn toàn, như nhà hàng, khách sạn, rạp phim, bảo tàng và triển lãm.
Các nhà hàng đã được phép phục vụ khách bên ngoài, nhưng nhiều nhà hàng sẽ không thể mở lại sau khi đóng cửa dài như vậy. Ảnh: New York Times. |
Các nhà kinh tế sợ rằng hậu quả sẽ lây lan sang các ngành khác như giáo dục, y tế và dịch vụ chuyên nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp, bao gồm nhà hàng và khách sạn, dự kiến phải đóng cửa hẳn. Giới chức thành phố đã hoãn vô thời hạn việc cho phép hàng ăn phục vụ bên trong.
Tỷ lệ thất nghiệp toàn nước Mỹ giảm xuống 11,1% vào tháng 6, nhưng tỷ lệ của thành phố New York lên tới 18,3% vào tháng 5, mức cao nhất trong 44 năm mà dữ liệu được thu thập. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 6 sẽ được công bố ngày 16/7 tới. Trong cuộc Đại Khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp được ước tính là 25%.
Thống kê chính thức cho thấy 670.000 cư dân thành phố thất nghiệp vào tháng 5, nhưng con số thực tế cao hơn vì nhiều người không được tính vào thống kê chính thức, chẳng hạn người lao động nhập cư không có giấy tờ.
Ngay cả khi một số giới hạn dần được dỡ bỏ, các lao động vẫn đứng trước sự bất trắc. Veronica Carrero, 37 tuổi, được thông báo vào tháng trước rằng cô sẽ phải tạm nghỉ trong 3 tháng. Nhưng nếu trợ cấp thất nghiệp hết hạn vào tháng 7, cô sẽ phải tìm công việc mới.
“Mọi thứ làm kế hoạch của tôi đảo lộn”, cô Carrero nói. “Tôi còn không muốn lên kế hoạch cho năm sau”.
Kelvin Rolling, 48 tuổi, là người điều phối xe taxi ở sân bay, nhận thông báo bị cho nghỉ việc vào tháng 6. Ảnh: New York Times. |
Tình trạng còn kéo dài
Thiệt hại đối với người da màu là đáng kể. Ở New York, tính đến tháng trước, 1 trên 4 người gốc Á, gốc Nam Mỹ và gốc Phi đang thất nghiệp, so với khoảng 1 trên 9 người da trắng, theo văn phòng kiểm toán của thành phố.
“Thành phố New York đang trải qua đợt thất nghiệp sâu và kéo dài, đa phần ảnh hưởng đến các lao động da màu, và thành phố đang hồi phục chậm chạp với tỷ lệ thất nghiệp hai chữ số”, James Parrott, giám đốc về chính sách kinh tế tại Trung tâm Các vấn đề Thành phố New York, nói với New York Times.
Adam Kamins, nhà kinh tế cao cấp của công ty Moody’s Analytics, cho biết thành phố sẽ mất thời gian dài để phục hồi, so với các vùng khác của nước Mỹ. New York “bị thiệt hại nặng hơn các nơi khác” và “nằm trong số các thành phố mở lại chậm nhất”, ông nói.
Cư dân thành phố đã nộp 1,4 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong giai đoạn 15 tuần kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Bang New York đã phải chi tiền hỗ trợ nhanh đến mức cạn hết quỹ bảo hiểm thất nghiệp, và phải vay của chính quyền liên bang. Cho đến nay, số nợ đó là 3,4 tỷ USD - cao nhất mà một tiểu bang từng phải vay.
Một số chủ doanh nghiệp như John Fitzpatrick, chủ hai khách sạn ở Manhattan, phải sa thải nhân viên hai lần trong đại dịch: một lần khi thành phố đóng cửa giữa tháng 3, và lần hai vào tháng 6 khi không có dấu hiệu hồi phục ngành du lịch.
“Một số khách sạn sẽ không thể mở lại nữa”, ông Fitzpatrick nói với New York Times.
John Fitzpatrick, chủ của hai khách sạn ở Manhattan, đã phải sa thải nhân viên hai lần trong đại dịch. Ảnh: New York Times. |
Khách sạn nổi tiếng Omni Berkshire Place ở Manhattan đã đóng cửa hẳn, và 268 việc làm bị mất.
Junior’s, chuỗi nhà hàng ở New York nổi tiếng vì bánh phô mai, đã cảnh báo hơn 600 nhân viên rằng đợt nghỉ tạm thời có thể kéo dài vô thời hạn. Hiện tại chỉ được phép phục vụ khách hàng ở bên ngoài, nên các nhà hàng khó đoán được lúc nào có thể gọi nhân viên quay lại.
Alan Rosen, chủ của tiệm bánh phô mai Junior’s, đã mở lại quầy bán bánh ở tiệm ở Brooklyn, nhưng các tiệm ở Quảng trường Thời đại vẫn đang đóng. Ảnh: New York Times. |
Không có lượng du khách mùa hè như mọi năm, thành phố sẽ tiếp tục mất nhiều việc làm từ nay đến mùa thu, và còn sau đó nữa, một số kinh tế gia cho biết. Văn phòng Ngân sách Độc lập của New York dự đoán số việc làm sẽ còn giảm cho đến đầu năm sau.
“Tình hình tại đây tệ hơn nhiều so với những nơi khác, và tôi nghĩ những gì chúng ta thấy hiện tại sẽ còn kéo dài”, giám đốc của văn phòng, Ronnie Lowenstein, nói với New York Times.