Một giáo viên dạy nghệ thuật 23 tuổi, Evan Woodard, mừng vì thấy thành phố của anh lại trở nên nổi bật giữa một sự kiện toàn quốc. “Tôi tự hào gọi mình là một người New York”, anh nói với New York Times. “Đây là thành phố của mọi người”.
Người dân thành phố này mới tháng trước còn tuân thủ lệnh ở nhà và đeo khẩu trang, giờ đang xuống đường với con số hàng chục nghìn để cất tiếng hô vang, để bắt chính quyền phải lắng nghe.
Các cuộc biểu tình cũng nổ ra giữa thời điểm đầy lo lắng, khi mà các giới hạn giãn cách mới đang chuẩn bị được dỡ bỏ sau nhiều tháng. Dù số ca mới đã giảm đi, thành phố New York vẫn là tâm dịch ở Mỹ, với hơn 200.000 ca nhiễm và 21.000 đã tử vong hoặc được giả định là đã tử vong vì Covid-19.
Người biểu tình quỳ xuống ở Harlem ngày 4/6. Ảnh: New York Times. |
Được giải tỏa sau thời gian giãn cách
Sự thay đổi giữa hai cuộc khủng hoảng trái ngược - một đằng phải cách ly, một đằng phải tụ tập - là đột ngột, nhưng lại vô cùng giải tỏa cho nhiều người. Phải ở nhà nhiều tuần liền, để rồi bức xúc tới hạn bởi hình ảnh người da đen mất mạng dưới cái đầu gối đè xuống của cảnh sát Minneapolis, người dân New York đã đổ ra đường - khẩu trang chẳng còn quan trọng - để hòa vào mục tiêu lớn.
Simonez Dega, 23 tuổi, một bồi bàn ở tiệm Olive Garden, tới một cuộc biểu tình ở Trung tâm Barclays tại Brooklyn, cảm thấy mừng vì được ra khỏi nhà và tuần hành “kề vai” với nhiều người.
“Cảm giác thực sự ấm áp”, anh nói. “Cảm thấy như chúng ta là ong trong cùng một tổ... một năng lượng hoàn toàn khác”.
Anh nói thêm: “Là đàn ông da đen, tôi phải ra và biểu tình”.
Trái: Người biểu tình ở Harlem. Phải: Người Brooklyn ủng hộ từ cửa sổ. Ảnh: New York Times. |
Các cuộc biểu tình tuần qua đã khiến hàng nghìn người New York ra đường, tối này qua tối khác, và hô vang: “Tên anh là gì! George Floyd” hoặc “Chưa có công lý, đừng mong yên ổn” hoặc “Tôi không thở được” hoặc “Black Lives Matter” (người da đen đáng được sống).
Các cuộc tuần hành đa phần ôn hòa nhưng đã xảy ra đụng độ trong các đêm gần đây, khi nhiều người vẫn ở ngoài sau giờ giới nghiêm 20h.
Hơn 2.000 người đã bị bắt giữ. Các cuộc bắt giữ vẫn tiếp tục ngày 4/6 khi hàng nghìn người vẫn ở ngoài sau giờ giới nghiêm. Vẫn xảy ra đụng độ với cảnh sát.
Người biểu tình ở Bedford-Stuyvesant, Brooklyn. Ảnh: New York Times. |
Hai thước phim trái ngược
Một số kẻ hôi của đã lợi dụng tình hình để cướp phá các cửa hàng thời trang và tiệm Macy’s lâu đời ở Quảng trường Herald trên phố 34, cũng như là các tiệm nhỏ ở Bronx. Nhiều cửa hàng ở khắp các quận vốn đã phải đóng cửa từ tháng 3, giờ đây lại phải đóng ván gỗ để “phòng thân”.
Tất cả như hai thước phim đồng thời nhưng trái ngược - một thành phố đang vừa mở lại, vừa phải đóng ván gỗ để bảo vệ. Vào 19h ngày 3/6, người dân tại đây vẫn theo thói quen nhiều tuần nay là gõ nồi, xoong để ủng hộ các nhân viên y tế chống dịch, nhưng ngay sau đó hàng triệu màn hình điện thoại đồng loạt hiện thông báo giới nghiêm.
Đâu đó trong các cuộc trò chuyện là ký ức về các cuộc biểu tình trước đây ở New York, cũng để phản đối bạo lực dưới tay cảnh sát, với các nạn nhân như Abner Louima, Amadou Diallo hay gần đây hơn là Eric Garner. Nhưng những cuộc biểu tình này không rộng khắp và kéo dài như hiện nay.
Nhưng hình ảnh đau lòng về các túi đựng thi thể và xe tải đông lạnh vẫn còn trong tiềm thức của thành phố lớn nhất nước Mỹ. Và vẫn có lo ngại khắp nơi là virus có thể lây lan trong đám đông biểu tình.
“Nhiều người họ đeo khẩu trang, ơn Chúa, nhưng không giãn cách gì cả”, Thống đốc Andrew Cuomo nói ngày 4/6. “Chúng tôi sẽ mở các cơ sở để những ai đã đi biểu tình có thể xét nghiệm. Những người biểu tình có trách nhiệm công dân phải đến đó. Hãy là người có trách nhiệm. Hãy đi xét nghiệm”.
Trái: Simonez Dega. Phải: Đa phần người biểu tình ở Khu phố Tài chính đeo khẩu trang. Ảnh: New York Times. |
Aileen Torres, 42 tuổi, giáo viên từ Maspeth, Queens, kể lại việc đi biểu tình. “Từ việc ở nhà cách ly, rồi chuyển sang được đứng giữa mọi người... cũng có lo ngại, nhưng chỉ cần ở cạnh mọi người, thấy các khuôn mặt khác nhau và được ra ngoài đường là cảm thấy thật tuyệt”.
Cô nhìn những người biểu tình cùng mình ở Trung tâm Barclays, quận Brooklyn ngày 2/6, và nhận thấy bước ngoặt đối với họ, sau ba tháng khó khăn vì dịch bệnh.
“Đây là cách họ giành lại sự kiểm soát”, cô nói với New York Times.
Trong một bất ngờ vui vẻ, một nhóm người đã ra đường trong các cuộc biểu tình gần đây để ủng hộ: các y bác sĩ.
Ở Quảng trường Thời đại, một tài xế thể hiện sự đoàn kết. Ảnh: New York Times. |
“Cảm giác tuyệt vời”
Nhưng xa khỏi tâm điểm biểu tình, ở các khu vực xung quanh thành phố, người dân lại theo dõi tình hình một cách bất an.
Khu Vịnh Sheepshead, thuộc Brooklyn, dường như là một thế giới khác: câu cá và gió biển. Zev Fischer, 69 tuổi, một kỹ sư điện, lo sợ hậu quả của việc bỏ quên virus corona, như tăng vọt số ca nhiễm sau hai tuần.
Ông cảm thông sâu sắc với người biểu tình. “Tôi luôn biểu tình cho người Do Thái”, ông nói và cho xem một hình xăm giống hình mà cha ông bị xăm ở trại tập trung Auschwitz, Đức. Nhưng nạn hôi của, nhất là với các tiệm nhỏ ở quận Bronx, là “bi kịch chồng lên bi kịch”.
“Mọi người đã mất việc vì virus corona, và giờ đây họ lại mất việc vì hôi của”, ông nói. “Năm 2020 là ác mộng, và tôi không biết sẽ còn gì nữa”.
Cũng không ai biết chắc. Các cuộc biểu tình đã lan rộng, và mỗi ngày trên thời sự lại có tin mới về cửa sổ bị đập phá, cảnh sát quá mạnh tay, hay cảnh sát bị tấn công, theo New York Times.
Trái: “Đây là thành phố của mọi người”, Evan Woodard nói. Phải: Một người New York “biểu tình” từ tầng thượng. Ảnh: New York Times. |
Nhưng cô Torres, người giáo viên 43 tuổi, kể lại sự ôn hòa của các cuộc biểu tình, nhất là vào ban ngày. “Tinh thần của buổi đêm cũng ôn hòa. Có những lúc cả đám đông ra hiệu im lặng. Những phút im lặng đó rất xúc động”.
Isiah Duran, 19 tuổi, trong đám đông những người biểu tình ở Manhattan gần trạm xe buýt của Cảng vụ (Port Authority). Anh nói các cuộc biểu tình là “tuyệt vời”.
“Chúng tôi đang có mục tiêu chung để chiến đấu”, anh nói. “Đây là điều mạnh mẽ nhất mà chúng ta có, sẽ tồn tại lâu hơn cuộc đời chúng ta. Cảm giác rất tuyệt”.
“Tôi cảm thấy đang ở đúng nơi, đúng thời điểm”.