Trong lúc Ấn Độ đang hứng chịu cuộc khủng hoảng Covid-19 do sự bùng phát của làn sóng thứ hai, nước Mỹ - từng là nơi bị dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng nhất - đã bắt đầu khuyến cáo người dân có thể tháo khẩu trang, ngay cả ở nơi công cộng và khi tụ tập. Với Ấn Độ, đây là đợt dịch nghiêm trọng nhất ở quốc gia Nam Á này với số ca mắc mới tăng hơn 400.000 ca mỗi ngày. Ảnh: New York Times. |
Một số chuyên gia ở Ấn Độ miêu tả tại các tâm dịch, quang cảnh giống như vùng chiến sự. Bệnh viện cạn kiệt vật tư y tế, nhiều bệnh nhân tử vong do thiếu oxy y tế. Chính phủ nước này đang nỗ lực để ứng phó với cuộc khủng hoảng, trong khi các quốc gia trên thế giới viện trợ tài chính và vật tư. Trong ảnh, các bình tro cốt của bệnh nhân qua đời vì Covid-19 tại một lò hỏa táng ở New Delhi ngày 6/5. Ảnh: Reuters. |
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden tuần trước tuyên bố mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 160 triệu người Mỹ trước ngày 4/7. Tính đến ngày 13/5, hơn 117 triệu người Mỹ trưởng thành đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày tại Mỹ đang giảm. Vào ngày 10/5, lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020, số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày giảm xuống dưới 40.000 ca/ngày, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Ảnh: Reuters. |
Vào đầu năm nay, Vương quốc Anh vẫn là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19. Sau 4 tháng, có vẻ như các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt và chương trình tiêm chủng được triển khai nhanh chóng đã có tác dụng giảm mức độ lây nhiễm ở nước này. Trong ảnh, khán giả theo dõi một buổi hòa nhạc ở Liverpool, Anh, ngày 2/5. Ảnh: AFP. |
Các ca mắc mới Covid-19 hàng ngày giảm cho phép các nhà chức trách đẩy mạnh kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, dù đi lại xuyên biên giới vẫn bị hạn chế. Các dịch vụ ăn uống và giải trí trong nhà hoạt động lại từ giữa tháng 5, nhưng phải giãn cách xã hội. Ảnh: AFP. |
Ở bức tranh bên kia, quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên tổng dân số cao nhất thế giới là Brazil. Tổng số ca tử vong ở nước này là hơn 430.000 người, chỉ đứng sau Mỹ. Hiện làn sóng đại dịch vẫn đang lan rộng ở quốc gia này. Trong ảnh là nghĩa trang của các nạn nhân tử vong vì Covid-19 ở Manaus, Brazil. Ảnh: AFP. |
Dù từng là quốc gia có hệ thống y tế công vững mạnh, chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Brazil vẫn bị chậm do thiếu nguồn cung. Tính đến nay, chưa đến 8% dân số nước này được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: AP. |
Đầu năm nay, Kenya phải hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ ba với phần lớn ca bệnh được ghi nhận ở thủ đô Nairobi. Quốc gia Đông Phi này từng phải phong tỏa một phần. Cho đến nay, hơn 164.000 người bị mắc Covid-19 ở Kenya, với gần 3.000 trường hợp tử vong được ghi nhận. Ảnh: AP. |
Chương trình tiêm chủng Covid-19 ở nước này cũng gặp một số khó khăn. Thông qua chương trình chia sẻ vaccine COVAX, Kenya nhận được ít nhất 1 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca vào đầu tháng 3. Với hơn 930.000 người được tiêm chủng ở Kenya cho đến nay, nguồn cung vaccine sẽ cạn kiệt trong những ngày tới. Ảnh: AFP. |
Nepal, quốc gia có biên giới dài với Ấn Độ, ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tăng vọt, làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng cũng tàn khốc không kém gì Ấn Độ. Hôm 11/5, nước này ghi nhận 9.483 ca mắc mới và 225 trường hợp tử vong vì Covid-19, con số tử vong cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu. Chính phủ hiện thắt chặt biên giới với Ấn Độ và phong tỏa các tâm dịch. Ảnh: Reuters. |
Nam Phi vẫn là tâm chấn của đại dịch ở châu Phi. Chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 ở nước này bị gián đoạn, khiến tình hình không mấy cải thiện. Hơn 1,6 triệu người Nam Phi mắc Covid-19, trong khi chưa đến 500.000 người được đủ hai mũi vaccine. Số ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận cũng tăng lên hơn 55.000. Ảnh: AFP. |