Trong thông báo của Bộ Y tế Campuchia hôm 15/5, nước này có thêm 837 trường hợp khỏi bệnh. Số ca đang điều trị là 10.940 người và cả nước không có thêm ca tử vong nào. Đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng ở Campuchia do Covid-19 là 147 người, theo Khmer Times.
Từ 20/2, Campuchia trải qua gần ba tháng dữ dội chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ ba lây nhiễm trong cộng đồng.
Campuchia trải qua đợt bùng dịch nghiêm trọng trong cộng đồng sau ba tháng. Ảnh: Reuters. |
Ngày 20/2, sau một thời gian kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt, Campuchia bất ngờ ghi nhận 32 trường hợp dương tính với Covid-19 trong cộng đồng người Trung Quốc ở Sihanoukville.
Khi đó, Campuchia có 500 ca dương tính và chưa có ca tử vong. Lần gần nhất nước này ghi nhận tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng là thời điểm tháng 11/2020.
Chỉ bốn ngày sau, số ca dương tính tăng lên hơn 137 trường hợp. Nước này lập tức tuyên bố đóng cửa hơn 20 địa điểm để ngăn dịch bệnh lây lan. Khi đó, chỉ một phần đảo Koh Pich bị phong tỏa.
Ngày 11/3, Campuchia ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19. Bệnh nhân này có liên quan đến ổ dịch ở Sihanoukville. 5 ngày sau, Campuchia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục trong ngày với hơn 105 trường hợp.
Không dừng lại ở đó, số ca mắc mới một ngày tiếp tục tăng cao. Đến 27/3, kỷ lục được ghi nhận với thêm 179 ca dương tính trong vòng 24h.
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, ngày 1/4, chính quyền Phnom Penh đã ra lệnh giới nghiêm từ 20h tối đến 5h sáng hôm trên toàn bộ thủ đô trong vòng hai tuần.
Số ca lây nhiễm tăng nhanh buộc chính quyền phải áp đặt các biện pháp phòng dịch mạnh tay. Ảnh: Reuters. |
Ngày 14/4, Campuchia ghi nhận đến 300 ca mắc mới trong ngày. Nước này buộc phải phát lệnh phong tỏa kéo dài hai tuần ở toàn bộ thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao kể từ ngày 15/4. 11 ngày sau, quyết định này được gia hạn thêm một tuần.
Trong những ngày đầu áp đặt lệnh phong toả, tình trạng hỗn loạn xảy ra khi người dân Campuchia đổ xô đi tích trữ thực phẩm, trong khi giá cả hàng hóa tăng phi mã.
Nhiều trường hợp vi phạm lệnh phong tỏa đã bị xử lý nghiêm. Nhà chức trách Campuchia thậm chí còn phạt tù người vi phạm và tịch thu các phương tiện vi phạm.
Ngày 19/4, Tòa Thị chính Phnom Penh tuyên bố các quận Meanchey, Por Senchey và Toul Kork trở thành "vùng đỏ" trong đợt phong tỏa.
"Vùng đỏ" được cơ quan chức năng Campuchia dùng để xác định khu vực xảy ra tình trạng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng và áp dụng các biện pháp phong tỏa mạnh tay.
Trong khi đó, nhiều biện pháp cứu trợ nhu yếu phẩm đã được triển khai, nhằm giúp đỡ người dân Campuchia sống trong các khu vực bị cấm đi lại.
Đến tối 23/4, chính quyền Phnom Penh tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng dịch khi đóng cửa tất cả các chợ tại thủ đô trong vòng hai tuần.
Ngày 1/5, lần đầu tiên Campuchia ghi nhận số ca mắc mới trong ngày suy giảm với 388 trường hợp. Nhưng chỉ một ngày sau, con số này tăng lên mức 730 ca, còn thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm nóng của dịch bệnh.
Thậm chí, thời điểm đó, ngoài hình phạt roi và chạy ngoài đường, Lực lượng Can thiệp của Campuchia còn được vũ trang đầy đủ khi ra quân chống dịch.
Lực lượng Can thiệp của Campuchia được vũ trang đầy đủ khi ra quân chống dịch. Ảnh: Khmer Times. |
Đến ngày 5/5, Thủ tướng Hun Sen thông báo sẽ kết thúc phong tỏa ở Phnom Penh và nhiều địa phương các, trừ những nơi có nguy cơ bùng dịch cao.
Dù vậy, tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp. Ngày 11/5, với việc tỉnh Ratanakiri phát hiện các ca nhiễm virus corona đầu tiên, tất cả địa phương ở Campuchia đều đã có người mắc Covid-19.
Kể từ ngày 20/2 đến nay, Campuchia trải qua gần ba tháng chống chọi với làn sóng lây lan nghiêm trọng của đại dịch, với hơn 21.213 trường hợp dương tính ghi nhận tại cộng đồng. Nước này chỉ có 7 ca lây nhiễm khi nhập cảnh trong khoảng thời gian đó.