Làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Ấn Độ đã tàn phá các thành phố lớn của đất nước. Các bệnh viện cạn kiệt oxy, thuốc và giường bệnh, theo CNN.
Thế nhưng, tại các bang nông thôn xa xôi, các nguồn lực y tế thậm chí còn khan hiếm hơn. Một số nơi thậm chí không có nguồn lực y tế nào để mà cạn kiệt. Người dân chỉ có thể tự chiến đấu với dịch bệnh và trông chờ vào số phận.
90 người đã qua đời trong một tháng qua, gấp 3 lần con số tử vong trung bình một năm.
Anh Dinesh Makwana đã đưa cha đến 4 bệnh viện tại các thị trấn lân cận nhưng không tìm được một giường bệnh nào. Ảnh: CNN. |
“Không trung tâm y tế, không bác sĩ, không y tá”
Chogath là một cộng đồng nông dân ở phía tây bang Gujarat, với khoảng 7.400 cư dân, theo điều tra dân số cuối cùng vào năm 2011.
Đầu tuần này, ông Jeetu nói với CNN rằng có khoảng 500 đến 600 người mắc Covid-19 trong làng. Các cư dân tại đây cũng đã báo cáo số người tử vong tăng đột biến.
Gần như không có bác sĩ hay cơ sở y tế nào trong làng. Trong khi đó, thành phố gần nhất cách làng khoảng hơn một giờ lái xe. Một số thị trấn lân cận có trạm y tế, nhưng các cơ sở này đều rất nhỏ và đã hết giường bệnh cũng như các nguồn cung y tế thiết yếu khác.
Số ca bệnh và số người chết tăng đột biến của cả làng dường như dồn hết lên vai ông Jeetu. Là một dược sĩ kinh nghiệm, ông đảm nhiệm vai trò kê đơn thuốc và tìm nguồn cung oxy cho bệnh nhân trong làng.
“Không có ai cả, không trung tâm y tế, không bác sĩ, không y tá. Không có bất kỳ cơ sở nào trong ngôi làng này. Vì vậy, tôi đã quyết định đương đầu với Covid-19 theo cách mà tôi thấy phù hợp”, ông nói.
Ở Chogath, việc không nguồn lực y tế buộc những người dân làng tuyệt vọng phải đi đến các thị trấn xung quanh với hy vọng có thể tìm được giường bệnh.
Dinesh Makwana, một cư dân Chogath, cho biết anh đã cố gắng đưa người cha mắc Covid-19 của mình đến 4 bệnh viện khác nhau ở các thị trấn xung quanh nhưng đều vô vọng. Không còn bất kỳ chỗ trống nào. Không còn cách nào khác, anh đưa người cha bệnh nặng của mình về làng.
“Chúng tôi rất sốc (vì làn sóng Covi-19 thứ 2). Cả làng đều rất sốc, mọi người đều sợ hãi”, anh nói.
Anh cho biết nhiều người trong làng đã chết vì Covid-19 và nói: “Tôi rất sợ. Tôi lo cha sẽ mất”.
Dược sĩ Jeetu là nguồn trợ giúp y tế duy nhất tại làng Chogath, Gujarat. Ảnh: CNN. |
Ông Jeetu đã dốc hết sức để có thể cung cấp một số loại thuốc cho dân làng, trong đó có cha anh Makwana, nhằm giúp ổn định tình trạng của bệnh nhân.
Tuy nhiên, những rắc rối ập đến gia đình anh Makwana không dừng lại ở đó. Chị gái và mẹ của anh cũng đang nhiễm bệnh. Khi Makwana nói chuyện với CNN, mẹ anh đang nằm thở khó nhọc trước hiên nhà.
“Tôi lo cho gia đình mình. Nếu tôi chết, vợ con tôi sẽ tan nát mất. Tôi không sợ chết, mà chỉ lo cho vợ”, cha của anh Makwana, ông Jivraj, nói.
90 đám tang một tháng
Ông Girjashankar, một cư dân Chogath, dù đã 70 tuổi vẫn giúp đỡ các gia đình trong làng hỏa táng người thân đã mất.
Ngày ngày, ông ra rừng hoặc đồng để đốn gỗ, chất đầy chúng lên chiếc máy kéo rồi chở về làng, chuẩn bị hỏa táng người đã khuất.
Thông thường, mỗi năm làng có khoảng 30 người chết. Thế mà chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, họ đã hỏa táng tầm 90 thi thể, theo ông Girjashankar.
Ông nói, một số gia đình mất mấy người liền vì virus.
Ông Girjashankar, một người giúp việc hỏa táng, cho biết chỉ một tháng nay, làng đã có 90 người chết, cao gấp 3 lần số người chết trung bình hàng năm. Ảnh: CNN. |
Chính phủ đã nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 trong cả nước. Họ gửi nguồn cung oxy đến nhiều bang khác nhau và phân phối viện trợ từ nước ngoài.
Tuy nhiên, với nhu cầu khổng lồ, các nguồn cung dường như không đủ để phân bổ cho khắp cả nước. Điều này có nghĩa là phần lớn nguồn lực y tế sẽ được đưa đến các bang đông dân và bị ảnh hưởng nặng nhất.
Vì vậy, những ngôi làng nhỏ bé như Chogath phải tự lực cánh sinh trong cơn đại dịch chết chóc này.
“Làng không nhận được sự cứu trợ nào từ chính phủ. Không có bác sĩ. Không có bất kỳ nhân viên chính phủ nào. Cái cần đến không thể đến, và người cần đi (bệnh viện) không thể đi”, ông Girjashankar nói.
Dược sĩ Jeetu cho biết ông “rất tức giận” vì người dân ở đây không được hỗ trợ. Ông nói: “Mình tôi thì làm được gì? Chúng tôi không có giải pháp nào cả, người dân ở đây rất nghèo”.
“Tất cả người dân trong làng đều sợ hãi. Đã 15, 20 ngày nay không ai dám bước ra khỏi nhà. Ai cũng lơ sợ”, Makwana nói.