Theo Bloomberg, mới đây Kazakhstan - một trong những nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - quyết định ngừng xuất khẩu mặt hàng này cùng cà-rốt, đường và khoai tây.
Trong khi đó, Serbia dừng xuất khẩu dầu hướng dương cùng nhiều mặt hàng khác. Chính quyền Nga đang xem xét khả năng dừng xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm và đánh giá tình hình hàng tuần.
Hiện, chính phủ nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm hạn chế đi lại và tụ tập, tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu.
Bloomberg dẫn lời nhà phân tích nông nghiệp Ann Berg của Louis Dreyfus Co. nhận định sau bước đi này, các nước có thể sẽ hạn chế xuất khẩu thực phẩm để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Một số nước tạm dừng xuất khẩu lương thực để bảo vệ nguồn cung. Ảnh: Bloomberg. |
Một số nước đang bổ sung kho dự trữ chiến lược. Trung Quốc - nước trồng và tiêu thụ lúa gạo lớn nhất thế giới - cam kết tăng sản lượng thu mua kỷ lục từ nguồn trong nước dù đã sở hữu kho dự trữ gạo và lúa mì đủ dùng trong một năm.
Các nước nhập khẩu lúa mì như Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đặt mua ồ ạt, trong khi Morocco thông báo tạm ngừng đánh thuế nhập khẩu lúa mì cho tới giữa tháng 6.
Giới phân tích cảnh báo việc hạn chế xuất khẩu lương thực có thể làm gián đoạn hệ thống cung ứng thực phẩm toàn cầu kết nối chặt chẽ các quốc gia.
Kazakhstan đã tạm dừng xuất khẩu lúa mạch đen và hành trước khi ngừng bán lúa mì ra nước ngoài. Theo Bloomberg, quyết định này có thể ảnh hưởng tới nhiều công ty sử dụng nguồn cung bột mì từ Kazakhstan để sản xuất bánh mì.
Việc một số nhà xuất khẩu lớn ngừng bán hàng ra nước ngoài có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Ví dụ, Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp quan trọng của Bắc Phi.
Bản đồ xuất nhập khẩu lương thực thế giới. Ảnh: FAO/Bloomberg. |
"Chính phủ các nước cần hợp tác để đảm bảo nguồn cung toàn cầu, nếu không tình hình sẽ xấu đi", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Tim Benton, thuộc tổ chức tư vấn Chahham House (London, Anh) nhận định. Ông cảnh báo giá lương thực có thể bị đẩy lên cao.
Trên thực tế, giá giao dịch tương lai lúa mì trên thị trường Chicago (Mỹ) tăng hơn 8% trong tháng 3. Giá thịt bò bán sỉ tại Mỹ đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 2015. Giá trứng cũng nhích lên.
Dù vậy, chuyên gia Dan Kowalski, Phó chủ tịch CoBank, cho biết hiện nguồn cung toàn cầu của các mặt hàng thực phẩm quan trọng như ngô, lúa mì, đậu nành và gạo rất dồi dào. Do đó, khó có khả năng giá sẽ bị đẩy lên quá cao.