Sáng 27/4, đoàn giám sát của Quốc hội có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách pháp luật trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Tại buổi họp, đoàn giám sát đề nghị UBND TP Đà Nẵng phân tích rõ việc bổ nhiệm nhiều cấp phó hơn so với quy định.
Cụ thể, Sở Y tế Đà Nẵng hiện tại có đến 5 phó giám đốc: Trần Văn Nhật, Nguyên Út (kiêm Giám đốc Bệnh viện Ung bướu), Nguyễn Tấn Hải, Trần Ngọc Thạnh (kiêm Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng), Nguyễn Tiên Hồng.
Ông Trần Văn Túy cho rằng cần đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo lãnh đạo Đà Nẵng, việc "lạm phát" cấp phó ở Sở do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề lịch sử. Ngoài ra, trong thời gian tới TP này sẽ sắp xếp lại để còn 3 người theo đúng quy định. Cụ thể, 2 trường hợp sẽ nghỉ là các ông Trần Ngọc Thạnh (nghỉ hưu), Trần Văn Nhật (theo chính sách). Sở Nội vụ TP Đà Nẵng hiện có 4 phó giám đốc, đến năm 2018 sẽ có một người nghỉ hưu.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cho biết: “Việc bổ nhiệm này thực hiện theo kiểu đón đầu các đồng chí sắp nghỉ hưu hoặc luân chuyển. Đây không phải riêng ở Đà Nẵng mà là tình trạng chung ở nhiều tỉnh thành, theo nguyên tắc là thiếu mới bổ nhiệm”.
Chủ tịch TP Đà Nẵng, Trần Đức Thơ cho rằng việc tinh giản biên chế thực tế là câu chuyện khó khăn. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng đoàn giám sát, cho răng câu chuyện tinh giản biên chế cần giao quyền cho người đứng đầu, thủ trưởng đơn vị. Người lãnh đạo biết mình cần bao nhiêu người. Ngoài ra, việc đánh giá cán bộ cần dựa vào sản phẩm, vào thành quả họ làm được.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch TP Đà Nẵng, cho rằng việc tinh giản biên chế trong thực tế là câu chuyện khó khăn.
“Việc tinh giản biên chế thời gian qua thực chất số lượng không giảm, càng hô hào giảm thì càng tăng. Nếu khu vực hành chính công nghiêm ngặt quá, không vào được thì nhân sự sẽ đổ về các đơn vị sự nghiệp. Tựu trung, vẫn là gánh nặng cho ngân sách” vị chủ tịch thành phố nói.