Mưa lớn kỷ lục gây ngập sâu tại nhiều địa phương ở miền Bắc. |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, sau đó là liên tiếp những hình thái gây mưa như dải hội tụ nhiệt đới, xoáy thuận phát triển trên đất liền, miền Bắc vừa trải qua đợt mưa lũ tồi tệ và nghiêm trọng nhất trong vài chục năm qua.
Riêng về lượng mưa, số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, có 12 tỉnh/thành phố (trong số 25 tỉnh/thành phố) ở miền Bắc ghi nhận lượng mưa trong một ngày cao nhất lịch sử tháng 9, gồm Lạng Sơn, Hải Phòng, Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Nam Định.
Nơi mưa dữ dội nhất là Yên Bái với lượng mưa một ngày ở khu vực Bảo Yên lên tới 316,9 mm, vượt qua kỷ lục 12 năm trước. Thành phố Yên Bái cũng ghi nhận mưa kỷ lục vào ngày 10/9 với lượng mưa 264,5 mm. Tổng lượng mưa trong 2-3 ngày ở Yên Bái là đặc biệt lớn, tại Tân Phượng 1 ghi nhận 635 mm.
Yên Bái cũng là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lần này khi lũ sông Thao tại đây vượt qua kỷ lục lịch sử từ năm 1968. Trong nhiều ngày, lũ duy trì trên báo động 3 và chỉ xuống nhanh từ hôm qua.
Lào Cai cũng là một trong những địa phương ghi nhận mưa dữ dội nhất với hàng loạt kỷ lục được thiết lập ở các trạm đo tại Bắc Hà, Phố Ràng, Sa Pa. Trong mưa lớn ở Sa Pa phá kỷ lục duy trì suốt 54 năm qua, mưa tại Bắc Hà phá kỷ lục 42 năm. Tỉnh này ghi nhận thiệt hại nặng nề nhất về người và của khi xảy ra nhiều thảm hoạ lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài và lũ dâng cao.
Tam Đảo ở Vĩnh Phúc cũng ghi nhận mưa tới 312 mm vào ngày 8/9, vượt qua kỷ lục 34 năm trước. Uông Bí (Quảng Ninh) cũng ghi nhận lượng mưa vượt kỷ lục 69 năm.
Nam Định ngày 10/9, mưa tới 298 mm, cũng là ngày có lượng mưa lớn nhất trong lịch sử tháng 9 tại đây, phá kỷ lục ghi nhận từ năm 1993.
Tại trạm Phù Liễn (Hải Phòng) ngày 7/9, xảy ra trận mưa lớn nhất tháng 9 trong 47 năm qua. Một nơi khác của Hải Phòng cũng ghi nhận mưa kỷ lục là Hòn Dấu.
Ngày 8/9, Định Hóa (Thái Nguyên), trải qua ngày mưa lớn nhất trong lịch sử tháng 9 với lượng mưa 266 mm. Ngoài ra, các trạm đo ở Bắc Mê, Đồng Văn (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Lay (Điện Biên) đều ghi nhận kỷ lục.
Tính trong 3 ngày, nhiều điểm đo ở vùng núi Bắc Bộ ghi nhận lượng mưa đặc biệt lớn như Xây Luông (Lào Cai) 760 mm; Nấm Dần 2 (Hà Giang) 706 mm; Chợ Chu (Thái Nguyên) 662 mm; Yên Đổ (Thái Nguyên) 656 mm; Tân Phượng 1 (Yên Bái) 635 mm; Pú Dảnh (Sơn La) 626 mm; Kỳ Sơn (Hoà Bình) 579 mm; Tiền Hải (Thái Bình) 557 mm.
Tại nhiều địa phương khác, dù không ghi nhận mức kỷ lục nhưng cũng hứng chịu một đợt mưa rất lớn như Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lạng Sơn.
Do mưa lớn kéo dài, miền Bắc đang trải qua một đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong mấy chục năm qua.
Tại Hà Nội, nước lũ trên sông Hồng lên cao nhất 20 năm qua, tại sông Thao ở Yên Bái, đỉnh lũ cũng vượt qua kỷ lục năm 1968. Tại sông Cầu tối qua, lũ chỉ còn cách mức lịch sử năm 1971 khoảng 5 cm. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Thái Nguyên hứng chịu một đợt lũ lụt nghiêm trọng như vậy. Bắc Giang, lũ tương đương năm 1986, 2008, gây thiệt hại rất lớn. Hầu hết sông ở miền Bắc đều lên trên mức báo động 3.
Do lũ lên nhanh kết hợp với mưa lớn dài ngày, ngập lụt sâu trên diện rộng đã xảy ra ở hầu hết tỉnh miền Bắc. Đến chiều nay, lũ giảm nhanh ở các tỉnh vùng núi Bắc bộ nhưng vẫn duy trì mức cao tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hạ du sông Hồng – sông Thái Bình chiều nay, lũ vẫn dao động ở báo động 2- báo động 3.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, khu vực ngoài đê sông Hồng tại Hà Nội sẽ rút hết sau 2-3 ngày tới, vùng ven sông các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên cần thêm 3-5 ngày để nước rút, riêng vùng trũng thấp ở Chương Mỹ ven sông Bùi, sông Tích có thể cần thêm khoảng 7-10 ngày.
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.