Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Một ngày trong 'hang ổ hổ mang chúa' Su-30MK2

Su-30MK2 với biệt danh "hổ mang chúa" là thế hệ máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Không quân Việt Nam hiện nay.

MỘT NGÀY TRONG 'HANG Ổ HỔ MANG CHÚA' SU-30MK2

Su-30MK2 được gọi bằng biệt danh "hổ mang chúa" là thế hệ máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Không quân Việt Nam hiện nay. Đây chính là những người bảo vệ bầu trời Tổ quốc, trên đất liền cũng như trên biển.

Chuyến bay lúc mặt trời lặn

16h chiều, tiếng động cơ rít lên trên đường băng sân bay Biên Hoà. Chiếc Su-30MK2 cất cánh giữa bạt ngàn cỏ úa trong ráng chiều. Đó là chuyến bay đầu tiên của một buổi huấn luyện đêm với Su-30MK2 ở Trung đoàn 935, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không Không Quân. Các phi công gọi đây là chuyến “bay khí tượng” nhằm đánh giá tình hình thời tiết trước khi 6 chiếc Su-30MK2 lần lượt cất cánh bay vào màn đêm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.

Trung tá Vũ Đình Thi, Chủ nhiệm Chính trị của Trung đoàn 935, nói đợt huấn luyện này mang ý nghĩa đặc biệt với các phi công Su-30MK2 bởi sau thời gian tiếp nhận và làm chủ loại máy bay chiến đấu hiện đại này, đây là lúc các anh bắt đầu thử thách những giới hạn của máy móc thiết bị lẫn năng lực của các phi công.

Ở Trung đoàn 935, lúc mặt trời lặn và mọc là những khoảnh khắc đặc biệt. Đó là lúc báo hiệu cho những chuyến bay ngày hoặc bay đêm cùng Su-30MK2. Ở miền Nam, Trung đoàn 935 là đơn vị thực hiện các đợt huấn luyện, chuyển loại phi công, huấn luyện bay ngày, đêm; bay biển xa, biển đêm; bay ứng dụng chiến thuật, tiêm kích phòng không trên đất, trên biển; bay huấn luyện chuyên sâu từ miền Nam ra miền Bắc, bay huấn luyện đề cao cùng với chuyên gia Nga theo kế hoạch của Quân chủng.

huan luyen bay Su-30MK2 anh 1

Su-30MK2 bay song song trên bầu trời Việt Nam. Ảnh: Đinh Đức Việt.

Phải đến chiều tối, những chiếc Su30 mới bắt đầu xuất kích cho đợt huấn luyện đặc biệt. Nhưng để chuẩn bị cho chuyến bay đêm, những phi công của trung đoàn 935 đã bắt đầu làm việc từ 7h. Họ thảo luận rất kỹ cùng các chuyên gia về độ cao, các hình thái bay cần có trong đợt bay huấn luyện. Trên chiếc bảng ở phòng học chi chít các loại ký hiệu về đường bay, toạ độ, độ cao.

Ở Trung đoàn 935, thi thoảng sẽ gặp một bản đồ dạng đơn giản ở sân hay lối đi. Những đường xanh dương đánh dấu đường bờ biển, đường vàng là đường bay dân dụng, đường đỏ là đường bay quân sự. “Đây là hồ Trị An, kia là hồ Dầu Tiếng. Phạm vi hoạt động của Su-30MK2 rất rộng”, trung tá Phan Anh chỉ từng khu vực trên bản đồ. Nhìn ra phía xa của đường bờ biển, anh chỉ vùng biển nơi anh thực hiện các bài huấn luyện nhào lộn phi đội.

'Hổ mang chúa' Su-30MK2 tập luyện nhào lộn trên bầu trời Biên Hoà Trung đoàn Không quân 935 là đơn vị chiến đấu tinh nhuệ của quân chủng Phòng không - Không quân. Cùng Zing.vn bay huấn luyện của các phi công tiêm kích Su-30MK2 ở sân bay Biên Hòa.

Trước giờ bay ngày hay bay đêm, mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh các phi công đi lại, men theo những đường viền xanh đỏ trên tấm bản đồ mô phỏng. Ít giờ nữa, từ trên khoang lái, những phi công Su-30MK2 sẽ thấy đường bờ biển, nhà giàn DK1 hay quần đảo Trường Sa hiển hiện trước mắt.


huan luyen bay Su-30MK2 anh 5

Các phi công đang được chuyên gia người Nga hướng dẫn các kỹ thuật bay. Các chuyên gia thường xuyên sang Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm bay.

Để một chiếc Su30 cất cánh, không chỉ có các phi công làm việc, đại đội công binh hay bộ phận radar cũng phải chuẩn bị rất kỹ.

Sáng sớm, trên mặt đường băng cất và hạ cánh, hàng chục chiến sĩ của Đại đội Công binh đang quét dọn. Không thể dùng máy, mỗi người cầm chổi quét dò từng mét vuông trên đường băng để đảm bảo không có bất cứ vật thể ngoại lai nào xuất hiện.

“Kể cả một viên sỏi nhỏ cũng không được phép”, đại đội trưởng Trần Văn Hưng nói. Những ngày nắng nóng, mặt đường băng bỏng rát, có lúc lên tới hơn 50 độ C, chiến sĩ của đại đội sẽ phải làm việc vất vả hơn vì ngoài đất đá, lá cây, họ còn phải tính đến việc bê tông có thể nứt ra vì nhiệt độ cao.

huan luyen bay Su-30MK2 anh 6

Ở cách đó không xa, trạm radar của Tiểu đoàn Thông tin - Radar cũng đã sẵn sàng. Xe đài radar P37 đóng kín cửa, chỉ có tiếng máy chạy, các sĩ quan radar và trắc thủ tập trung vào màn hình để quan sát và hiệu chỉnh tham số khí tài một cách chính xác nhất.

huan luyen bay Su-30MK2 anh 9

Những chuyến bay ra Trường Sa của Su-30MK2

Chuyến bay khí tượng lúc 16h do Trung đoàn trưởng, thượng tá Đỗ Mạnh Hùng và Chủ nhiệm Chính trị, trung tá Vũ Đình Thi thực hiện. Bay khí tượng là thủ tục bắt buộc trước mỗi chuyến bay huấn luyện. Trước đó, trung đoàn trưởng Đỗ Mạnh Hùng đã thảo luận rất kỹ về thời tiết, tầm nhìn, tốc độ gió và nhiệt độ bên ngoài.

huan luyen bay Su-30MK2 anh 14

Su-30MK2 trước giờ cất cánh.

huan luyen bay Su-30MK2 anh 15

Trung tá Vũ Đình Thi và trung tá Phan Việt Anh kiểm tra bản đồ trước giờ bay.

Trung tá Vũ Đình Thi đã có thâm niêm 7 năm lái Su-30MK2. Trước đó, anh là phi công lái Su-22. Một trong những điểm thú vị của Su-30MK2 là có thể bay vượt âm. Tốc độ lớn nhất của “hổ mang chúa” là gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh. Ở lần thử nghiệm trước, trung tá Thi đã bay ở tốc độ cao 1,9 lần vận tốc âm thanh, lần bay cao nhất là 19.200 m, thấp nhất là 20-50 m.

“Cảm giác lúc bay vượt thanh rất khó diễn tả. Nó giống như chúng ta đi vào một môi trường khác, mắt tối lại một chút”, trung tá Thi chia sẻ về trải nghiệm bay vượt âm.

huan luyen bay Su-30MK2 anh 16

Động cơ Su-30MK2 cất cánh khiến những người đứng gần phải bịt tai.

"Người ta cứ hỏi anh là phi công thì bay cao nhất là bao nhiêu. Nhưng thật ra bay thấp mới khó”, trung tá Thi cười. Anh nói bay cao bao nhiêu là do tính năng của máy bay nhưng bay thấp thì phi công sẽ bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố như tầm nhìn hạn chế, ảnh hưởng của mặt đất.

huan luyen bay Su-30MK2 anh 17
huan luyen bay Su-30MK2 anh 24
huan luyen bay Su-30MK2 anh 25

Chuyến bay khí tượng kết thúc trong 30 phút.

Giờ bay đêm không cố định mà căn cứ thời điểm mặt trời lặn. Khi mặt trời chìm xuống phía tây, chiếc Su-30MK2 tham gia bay huấn luyện bắt đầu cất cánh. Trời tối dần, từ dưới mặt đất, "hổ mang chúa" chỉ như một chấm sáng nhỏ chao lượn trên không. Ở Trung đoàn 935, các chuyến bay huấn luyện ngày, huấn luyện đêm và hỗn hợp ngày đêm diễn ra thường xuyên.

Trung tá Vũ Đình Thi giải thích: "Thời gian bay ngày tính từ khi mặt trời mọc. Còn chuyến bay đêm tính từ khi mặt trời lặn. Bay hỗn hợp ngày đêm là ban bay cả ngày và đêm. Chuyến bay ngày đêm cất cánh khi mặt trời chưa lặn và hạ cánh khi mặt trời đã lặn".

huan luyen bay Su-30MK2 anh 26

Su-30MK2 nhìn từ đài quan sát.

Trung tá Phan Việt Anh kể chuyến bay gần nhất của anh là bay biển, ở khu vực mỏ Bạch Hổ. Trung tá Vũ Đình Thi là người bay chiếc Su-30MK2 còn lại, song song thực hiện các động tác nhào lộn trên không. “Bay biển khó hơn bay đất liền. Bay biển không có địa tiêu. Phi công dễ mất cảm giác về sự khác nhau của mặt biển và bầu trời”, phi công Phan Việt Anh chia sẻ.

huan luyen bay Su-30MK2 anh 27
huan luyen bay Su-30MK2 anh 30

Mặt trời lặn, chiếc Su-30MK2 bắt đầu rời ga đỗ để cất cánh. Su-30MK2 là loại máy bay chiến đấu có hai động cơ, được Việt Nam tiếp nhận năm 2004 và 2012. Mỗi đoàn bay gồm 2 phi công. Tuy nhiên, trong các đợt bay huấn luyên chuyên sâu, một phi công người Việt sẽ bay cùng một phi công người Nga. Tuỳ thuộc vào phương án huấn luyện, mỗi lượt bay có thể kéo dài trong quãng thời gian khác nhau.

Vào những ngày bay đêm, phi công sẽ ăn tối luôn ở khu vực gần đường băng. Tiêu chuẩn của phi công lái máy bay chiến đấu là 6.800 kcal/ngày.

Sau khi kết thúc, các phi công phải được nghỉ ngơi ít nhất 12 tiếng đồng hồ mới được tiếp tục bay.

huan luyen bay Su-30MK2 anh 31
huan luyen bay Su-30MK2 anh 32
Vài phút sau khi cất cánh, bầu trời tối đen như mực, chỉ còn thấy vài vệt sáng từ đuôi máy bay phát ra cùng tiếng rền vang trên không trung.

Có lẽ, chuyến bay dài nhất của Su-30MK2 là ra khu vực quần đảo Trường Sa để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu. Trên biển, trên đảo có lực lượng hải quân, còn trên bầu trời biển Đông luôn có lực lượng không quân canh giữ.

Đối với phi công Su-30MK2, bay ra Trường Sa luôn là những hành trình đáng nhớ. Những ngọn núi, con sông, hòn đảo hay nhà giàn DK1 không chỉ là những hình ảnh trên bản đồ hay màn hình radar mà tất cả hiện lên sống động phía dưới cánh bay.

huan luyen bay Su-30MK2 anh 33

huan luyen bay Su-30MK2 anh 37

huan luyen bay Su-30MK2 anh 38
huan luyen bay Su-30MK2 anh 41
huan luyen bay Su-30MK2 anh 42

“Bên cạnh những chuyến bay huấn luyện thì Su-30MK2 còn thực hiện các chuyến bay khẳng định chủ quyền biển đảo, đặc biệt là bay trên quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc”, Chính uỷ Trung đoàn 935, trung tá Đinh Đức Việt chia sẻ.

“Sau mỗi chuyến bay, đội ngũ phi công càng dày dặn hơn trong làm chủ trang thiết bị mới, sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ ngày đêm trên đất liền và trên biển”, anh nói.

Quỳnh Trang - Thuận Thắng - Hà Hương - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm