Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một năm sau liều vaccine đầu tiên, Mỹ đang trở lại thời kỳ đỉnh dịch

Bất chấp thành công trong nỗ lực tiêm chủng sớm ở Mỹ từ khi mũi vaccine Covid-19 đầu tiên được sử dụng, nước này một lần nữa đối mặt với số ca bệnh và tử vong tăng mạnh.

Gần một năm sau khi liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được triển khai tại Mỹ, quốc gia này đang tái chứng kiến những cảnh tượng ám ảnh của đại dịch: Người dân bắt buộc đeo khẩu trang, các điểm tiêm chủng hàng loạt vốn đã đóng cửa nay được mở trở lại, bệnh viện đông đúc và hoạt động hết công suất, và số người chết vì Covid-19 ngày càng tăng, theo Reuters.

Tháng 12/2020, giữa hy vọng nhân loại sẽ sớm đánh bại được virus nhờ vaccine, y tá Sandra Lindsay thuộc đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) của thành phố New York nhận được một mũi vaccine Pfizer - loại vaccine đầu tiên được phê duyệt khẩn cấp và tiêm ở Mỹ.

Kể từ đó, hơn 200 triệu người khác, chiếm trên 60% dân số Mỹ, đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Bất chấp thành công đó, số ca tử vong ở nước này vẫn tiếp tục tăng. Kể từ khi liều vaccine đầu tiên được sử dụng, thêm gần 500.000 người đã chết vì Covid-19, và quốc gia này dự kiến ​​vượt mốc 800.000 ca tử vong vào tuần tới, theo ước tính của Reuters.

Cả số ca mắc lẫn ca tử vong đều gia tăng trong những tuần gần đây, đặc biệt là khi thời tiết lạnh hơn ở những bang miền Bắc khiến các hoạt động tụ tập trong nhà tăng lên, cho phép lây truyền virus dễ dàng hơn.

My 1 nam sau lieu vaccine dau tien anh 1

Cheryl Sanders nắm tay chồng, một bệnh nhân Covid-19 đang được chăm sóc đặc biệt ở Trung tâm Y tế Khu vực San Juan, New Mexico, ngày 10/12. Ảnh: Reuters.

Tình trạng gia tăng mạnh số ca mắc mới vào ngày 10/12 đã khiến Thống đốc New York Kathy Hochul tái áp đặt lệnh đeo khẩu trang bên trong các doanh nghiệp và địa điểm không yêu cầu chứng nhận tiêm chủng.

“Đáng lẽ chúng ta không đến mức phải đối mặt với đợt bùng phát mùa đông, đặc biệt là khi vaccine có sẵn. Tôi đồng cảm về sự thất vọng của nhiều người dân New York rằng chúng ta vẫn chưa qua khỏi đại dịch này”, bà Hochul nói.

"Không một giây nào tạm dừng" tại các ICU

Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang đã được áp đặt như một công cụ làm giảm sự lây lan của virus ở nhiều bang của Mỹ trong làn sóng dịch tồi tệ nhất của nước này hồi cuối năm 2020.

Tuy nhiên, việc chống lại virus ngày càng phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới mạnh hơn như Delta, hay mới nhất là Omicron - được xác định tại Mỹ lần đầu vào tháng trước và đã lan ra hơn 25 bang.

Các chuyên gia cho biết việc chính trị hóa vaccine và sự chần chừ của nhiều người Mỹ trong việc tiêm chủng cũng đã góp phần kéo dài đại dịch.

Tại New Mexico, nhiều bệnh viện đang đạt mức công suất kỷ lục với các khu ICU luôn kín chỗ.

Tại một trong những bệnh viện bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bang ở hạt San Juan, giường chăm sóc đặc biệt thời gian gần đây không khi nào trống.

Bác sĩ Erin Philpott cho biết 8 bệnh nhân của bà đã chết trong tuần trước, hầu hết đều chưa được tiêm phòng.

My 1 nam sau lieu vaccine dau tien anh 2

Một y tá tại Trung tâm Y tế Khu vực San Juan, New Mexico, gạt nước mắt khi chứng kiến bệnh nhân Covid-19 thứ 3 của cô qua đời trong tuần này. Ảnh: Reuters.

“Nhiều khi tôi không kịp nghĩ ngợi vì bệnh nhân quá nhiều và đến liên tục. Các phòng bệnh được lấp đầy ngay sau có người rời đi và không có một giây nào tạm dừng”, bác sĩ Philpott nói và cho biết thêm rằng nhiều bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế Khu vực San Juan qua đời khi chỉ mới 30-40 tuổi, chủ yếu là nam giới.

Khoảng 94% trường hợp tử vong do Covid-19 tại đây là người chưa tiêm chủng.

Tại khu vực ICU của bệnh viện, y tá Patricia Thomas đứng bên một bệnh nhân nằm bất động dưới một lớp vải trắng sau khi cô rút ống thở. Người thân của ông quyết định ngưng điều trị để ông được ra đi thanh than vì không còn hy vọng. Kìm nén nước mắt, Thomas nói: "Đây là lần thứ ba của tôi trong tuần này".

Người chưa tiêm chủng là "nhiên liệu" cho "đám cháy" Covid-19

Cũng như các bang khác có tỷ lệ tiêm chủng sớm cao như Vermont, Rhode Island và New Hampshire, khả năng miễn dịch đã suy yếu ở New Mexico, đẩy các bang này lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng về số ca bệnh mới trong cả nước.

Thống đốc bang New Mexico Michelle Lujan Grisham đã thúc đẩy việc tiêm phòng sớm vào năm 2021 để cố gắng hạn chế số ca nhập viện.

My 1 nam sau lieu vaccine dau tien anh 3

Một điểm tiêm chủng tại Miami, Mỹ, vào tháng 3. Ảnh: AP.

Người đứng đầu tạm thời cơ quan y tế của bang New Mexico David Scrase đã ví von sự gia tăng số ca nhiễm ở bang là một "đám cháy", và những người chưa tiêm chủng là “nhiên liệu” cho "đám cháy" đó.

75% bệnh nhân Covid-19 của bang là những người chưa được tiêm chủng, các quan chức cho biết.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Michigan, nơi đang đối mặt với một trong những đợt bùng phát nghiêm trọng nhất nước.

Tại Connecticut, các quan chức y tế trong tuần này cho biết những người không được tiêm chủng có nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 5 lần, nguy cơ nhập viện cao gấp 12 lần, và nguy cơ tử vong cao gấp 16 lần.

Ngay sau khi biến chủng Omicron được phát hiện ở New Jersey, Thống đốc Phil Murphy trong tuần này đã mở cửa trở lại một trong những điểm tiêm chủng hàng loạt đã bị đóng cửa trước đây, kêu gọi người dân tiêm nhắc lại.

Hầu hết điểm tiêm chủng lớn ở các bang được mở ra hồi đầu năm nay để đẩy nhanh việc tiêm chủng đã đóng cửa.

CDC ước tính cho đến nay có khoảng 25% người Mỹ đã được tiêm vaccine tăng cường.

Người đàn ông có siêu kháng thể, tự khỏi bệnh Covid-19 John Hollis được phát hiện có "siêu kháng thể" trong máu giúp miễn dịch với Covid-19. Ngay cả khi pha loãng đến 10.000 lần, máu của ông vẫn có thể tiêu diệt được 90% virus.

Ổ dịch ngày Quốc khánh Mỹ hé lộ tương lai đại dịch

Phân tích về ổ dịch bùng phát trong dịp Quốc khánh tại một thị trấn thuộc bang Massachusetts có thể sẽ dự đoán được tương lai của nước Mỹ sau đại dịch Covid-19.

Chuyên gia Mỹ: Omicron có thể đột biến từ người suy giảm miễn dịch

Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH) của Mỹ, nhận định “hoàn toàn có khả năng” Omicron sẽ không phải biến chủng cuối cùng của SARS-CoV-2, virus gây bệnh Covid-19.

Hồng Ngọc

Theo Reuters

Bạn có thể quan tâm