“Hoàn toàn có khả năng Omicron sẽ không phải là biến chủng mới nổi cuối cùng khiến nhiều người phải chú ý và lo ngại”, ông Collins ngày 5/12 trả lời phỏng vấn trên đài NBC News, Hill đưa tin.
“Biến chủng này có số lượng đột biến nhiều nhất mà chúng ta từng thấy. Omicron có khoảng 50 đột biến so với chủng gốc”, ông Collins nói.
Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH) của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ông Collins đưa ra câu trả lời như trên trước câu hỏi liệu thế giới có phải đối mặt với một biến chủng chi phối mới mỗi 6 tháng hay không. Chẳng hạn, chủng Delta đã xuất hiện trong mùa hè, trước khi chủng Omicron được ghi nhận lần đầu tiên trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh.
Vị giám đốc NIH chia sẻ quan điểm chung của nhiều nhà khoa học, cho rằng biến chủng Omicron có thể bắt nguồn từ bệnh nhân bị suy yếu hệ miễn dịch - những người không thể hoàn toàn triệt tiêu virus.
“Vì thế, virus sẽ tồn tại dai dẳng trong cơ thể người, có thể trong nhiều tháng, cho tới khi họ khỏi hẳn”, ông Collins nói. “Đây dĩ nhiên sẽ là môi trường hoàn hảo để virus hình thành thêm các đột biến mới”.
“Nếu cả thế giới không có đủ mức độ bảo vệ miễn dịch, chúng ta có thể sẽ chứng kiến một điều gì đó khác. Chúng ta sẽ phải dùng đến một số chữ cái khác trong bảng chữ cái Hy Lạp”, ông Collins cảnh báo.
Các nhà khoa học đang gấp rút tìm hiểu thêm thông tin về Omicron - biến chủng được ghi nhận lần đầu tại Nam Phi vào cuối tháng 11. Tới ngày 5/12, biến chủng này đã lan ra hơn 30 quốc gia trên thế giới và 17 bang ở Mỹ.