Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một năm sau hội nghị liên Triều - Seoul nhiệt thành, Bình Nhưỡng thờ ơ

Hàn Quốc và Triều Tiên có phản ứng khác nhau về đàm phán hạt nhân đang lâm vào bế tắc, một năm sau thượng đỉnh liên Triều với cuộc gặp lịch sử giữa ông Moon và ông Kim.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc gặp gỡ đầu tiên vào ngày 27/4/2018 tại Khu phi quân sự chia cắt hai miền. Đó là sự kiện đầu tiên trong chuỗi những hoạt động ngoại giao bận rộn sau đó, để dẫn tới cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong Un tại Singapore.

Đó là khoảng thời gian tích cực, tràn ngập ước mơ và hy vọng. Tuy nhiên thực tế trở nên phũ phàng vào một năm sau, khi quá trình đàm phán hạt nhân lại rơi vào bế tắc. Những tiến triển rất nhỏ bé so với kỳ vọng, đặc biệt sau khi cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa ông Kim và ông Trump kết thúc mà không có thỏa thuận nào.

1 nam sau thuong dinh lien Trieu anh 1
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim và ông Moon tại Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018 được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Ông Moon - người đóng vai trò trung gian quan trọng cho cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump - đang cố gắng để xúc tiến lại quá trình đàm phán, nhưng phía Triều Tiên chưa cho thấy những phản ứng tích cực với nỗ lực này của Hàn Quốc.

"Ước mơ và thực tế"

Tổng cộng, ông Moon và ông Kim đã gặp nhau 3 lần trong năm 2018, hai lần ở Khu phi quân sự và một lần ở Bình Nhưỡng. Cuộc gặp tháng 5/2018 diễn ra ngoài dự kiến sau khi ông Trump đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore.

Nhưng tới lúc này, những trao đổi giữa hai miền đã giảm xuống đáng kể, sau khi ông Trump và ông Kim không đạt được thỏa thuận ở Hà Nội.

Một bài xã luận trên tờ báo có thiên hướng bảo thủ của Hàn Quốc là Dong-A Ilbo hôm 27/4 nhận định quan hệ liên Triều đã trở lại với "khuôn mẫu cũ", khi Seoul đơn phương tìm đến Bình Nhưỡng để hối thúc đàm phán dù liên tục không nhận được thiện chí.

Bài báo có đoạn viết: "Một năm trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như lắng nghe rất chăm chú những tuyên bố của Tổng thống Moon ở Bàn Môn Điếm, nhưng bây giờ ông ấy đã hoàn toàn lờ đi Hàn Quốc", "sự kiện kỷ niệm được tổ chức bởi một mình Hàn Quốc ngày hôm nay thể hiện giấc mơ và thực tế 1 năm sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều".

Ông Kim Jong Un bày tỏ thái độ mạnh mẽ với Hàn Quốc trong bài phát biểu trước quốc hội Triều Tiên hồi đầu tháng, cho rằng Seoul không nên "đóng vai 'người trung gian' và 'hướng dẫn viên' thích can thiệp" vào mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington.

1 nam sau thuong dinh lien Trieu anh 2
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un phát biểu trong hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị Trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 9/4. Ảnh: KCNA/Yonhap.

Kể từ cuộc gặp đó, phía Triều Tiên đã không lần nào dự buổi họp hàng tuần của văn phòng liên lạc hai miền, đặt tại khu công nghiệp Kaesong. Bình Nhưỡng cũng không tham gia vào các dự án chung khác với Seoul.

Trong khi đó, tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Kim cáo buộc Mỹ có ý đồ xấu tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

"Con đường Dài"

Triều Tiên cũng không phản ứng lại lời mời của phía Hàn Quốc tham dự lễ kỷ niệm một năm hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4, nơi mà mới một năm trước ông Kim và ông Moon còn trao nhau những cái ôm thắm thiết.

Thay vào đó, Ủy ban Hòa bình Thống nhất, cơ quan phụ trách quan hệ hai miền của Triều Tiên, kêu gọi Seoul cần "các biện pháp tích cực hơn" để cải thiện mối quan hệ. Theo cơ quan này, hội nghị thượng đỉnh Moon - Kim một năm trước đã khởi động lại "tiếng tích tắc của đồng hồ thống nhất", nhưng Mỹ đang gây áp lực nhằm buộc Seoul hạn chế tiếp cận Bình Nhưỡng.

"Một tình huống nghiêm trọng đang được tạo ra, có thể chứng kiến sự trở lại của quá khứ thảm họa, với sự nguy hiểm ngày càng cận kề của chiến tranh", ủy ban này nhận định trong một tuyên bố của Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA).

Các cuộc gặp cấp cao đã không được tổ chức kể từ ngày 15/10 năm ngoái. Trao đổi ngoại giao cấp thấp hơn cũng đã gián đoạn trong 9 tuần. Bình Nhưỡng còn im lặng trước đề xuất của Seoul hôm 18/3 nhằm tổ chức đối thoại quân sự cấp tướng để bàn luận về thỏa thuận quân sự có trong bản Tuyên bố Bình Nhưỡng.

Ông Lee Geun, giáo sư khoa quan hệ quốc tế của Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng việc cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc mà không có thỏa thuận đã hạn chế khả năng đàm phán với Triều Tiên của Hàn Quốc, vì Bình Nhưỡng cảm thấy Seoul không thể tác động tới Mỹ nhằm giảm các biện pháp trừng phạt.

1 nam sau thuong dinh lien Trieu anh 3
Việc ông Trump và ông Kim không đạt được một thỏa thuận trong cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ liên Triều. Ảnh: Reuters.

"Mối quan hệ liên Triều trở nên căng thẳng vì Seoul không thể giúp gì được cho mong muốn được giảm các biện pháp trừng phạt của Bình Nhưỡng", ông Lee nhận định.

Lễ kỷ niệm 1 năm hội nghị thượng đỉnh vẫn được Hàn Quốc tổ chức với tên gọi "Con đường Dài", nhằm nhắc nhở mọi người rằng dù vẫn còn ở rất xa, con đường dẫn tới hòa bình là điều bắt buộc phải lựa chọn, theo Arirang. Sân khấu đặc biệt được dựng lên ở những địa điểm mà ông Moon và ông Kim đã gặp gỡ hồi năm ngoái. Nghệ sĩ từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tham gia vào các màn trình diễn nghệ thuật và âm nhạc.

Em gái ông Kim Jong Un vắng mặt bí ẩn tại thượng đỉnh Nga - Triều

Em gái của ông Kim Jong Un đã không xuất hiện trong phái đoàn cấp cao tới Vladivostok dự cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều, dấu hiệu càng củng cố giả thuyết cô có thể bị giáng chức.

Dân chào đón tàu bọc thép của ông Kim Jong Un trở về Triều Tiên

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un về tới Bình Nhưỡng sau chuyến thăm Nga để gặp thượng đỉnh Tổng thống Vladimir Putin, theo hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA.


Sơn Trần (theo AFP)

Bạn có thể quan tâm