Các tiểu hành tinh có thể gây ra thảm họa nếu va chạm với Trái Đất. Ảnh: TechInsider. |
Các tiểu hành tinh tiếp cận Trái Đất luôn gây sự chú ý cho các nhà khoa học bởi tiềm năng gây ra thảm họa của chúng. Mặc dù hầu hết trong số chúng sẽ bốc cháy khi vào bầu khí quyển Trái Đất, một số tiểu hành tinh lớn hơn có thể gây ra thiệt hại đáng kể.
Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn thường xuyên theo dõi các thiên thạch này. JPL mới đây thông báo một loạt tiểu hành tinh sẽ bay ngang Trái Đất trong vài ngày tới.
Cụ thể, hệ thống Asteroid Watch của NASA chịu trách nghiệm theo dõi các tiểu hành tinh cho thấy một số thiên thạch và sao chổi sẽ tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách tương đối gần. Hệ thống này cũng có thể tính toán ngày chạm trán gần nhất, đường kính cũng như kích thước xấp xỉ và khoảng cách từ Trái Đất của mỗi tiểu hành tinh.
Chỉ trong 2 ngày 5-6/4, 5 thiên thạch sẽ tiếp cận hành tinh của chúng ta, với khoảng cách tiếp cận Trái Đất gần nhất là 913.000 km của thiên thạch 2023 GE, có kích thước bằng chiếc xe bus.
Hình ảnh thiên thể ghi lại bởi hệ thống AsteroidWatch. Ảnh: Twitter/NASA. |
2023 FZ3 - tiểu hành tinh lớn nhất trong số đó có đường kính khoảng 46 m, dự kiến đi ngang qua Trái Đất vào ngày 6/4. Thiên thể này đang lao về phía Địa Cầu với tốc độ 67.656 km/h và tiếp cận gần nhất ở khoảng cách 4,19 triệu km. Tuy nhiên, theo NASA, thiên thể này không gây nguy hiểm đối với Trái Đất.
Ngoài ra, các thiên thạch khác cũng sẽ tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách gần gồm có 2023 GE với đường kính 11 m; 2023 FE4 với đường kính 30 m; 2023 FQ7 có kích cỡ 20 m và 2018 FD với kích cỡ 45 m sẽ tiếp cận gần nhất với Trái Đất trong ngày 5/4 và 6/4.
Khoảng 30.000 tiểu hành tinh (trong đó có hơn 850 tiểu hành tinh rộng hơn 1 km) đã được NASA phát hiện sẽ tiếp cận gần Địa cầu trong tương lai và được xếp vào danh mục "Vật thể gần Trái Đất" (NEO). Tuy vậy, tất cả thiên thể này đều không đe dọa tới Trái Đất trong 100 năm tới.
Theo NASA, các tiểu hành tinh còn sót lại từ quá trình hình thành hệ Mặt Trời của chúng ta. Hệ Mặt Trời bắt đầu cách đây khoảng 4,6 tỷ năm khi một đám mây khí và bụi lớn sụp đổ. Khi điều này xảy ra, phần lớn vật chất rơi vào trung tâm của đám mây và hình thành nên mặt trời. Một số bụi ngưng tụ trong đã trở thành các hành tinh.
Gần đây, Văn phòng Điều phối Phòng thủ Hành tinh của NASA cho biết một thiên thạch mới được phát hiện với kích thước gần 50 m có khả năng sẽ va chạm với Trái Đất vào ngày 14/2/2046.
Mặc dù thông tin theo dõi tiểu hành tinh có sẵn từ nhiều nguồn khác nhau, phần lớn trong số đó được thu thập bởi các đài quan sát được NASA tài trợ như Pan-STARRS, Catalina Sky Survey và sứ mệnh NEOWISE.
Hệ thống giám sát tác động Sentry, đặt tại Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái Đất đang thực hiện các đánh giá liên tục, sâu rộng về quỹ đạo của các tiểu hành tinh nguy hiểm trong thời gian dài.
Những câu hỏi lớn - Vũ trụ
Sách đề cập đến những vấn đề cơ bản trong khoa học tự nhiên, dưới hình thức thảo luận 20 câu hỏi về thiên văn và vũ trụ như: Vũ trụ là gì? Vũ trụ rộng lớn thế nào? Vì sao các hành tinh luôn bay theo quỹ đạo?...