VNDirect đang là cổ đông lớn của tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating, đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ Bộ Tài chính. Ảnh: VND. |
Cùng với kiểm toán, hoạt động xếp hạng tín nhiệm là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính. Bởi thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư có thêm thông tin về mức độ rủi ro của từng công ty, tổ chức hoạt động trên thị trường đầu tư.
Công việc của một công ty hoạt động trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, theo ông Michael Goh - chuyên gia tài chính quốc tế tại Singapore - định nghĩa là nghiên cứu các báo cáo và dữ liệu tài chính thu thập được để thẩm định và xếp hạng tình hình tài chính, khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của một doanh nghiệp.
Thang điểm xếp hạng tín nhiệm hiện cao nhất hiện nay là mức AAA xuống đến thang điểm thấp nhất là D (default - vỡ nợ). Tuy nhiên, xếp hạng tín nhiệm là một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam và số lượng doanh nghiệp hoạt động mới đếm trên đầu ngón tay.
“Đại gia” chứng khoán đi làm xếp hạng tín nhiệm
Trong thông báo mới nhất, Bộ Tài chính cho biết tính đến tháng 8, cơ quan quản lý đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 4 tổ chức gồm Saigon Ratings, FiinRatings, VIS Rating và S&I Ratings.
So với danh sách công bố cuối năm 2023, Bộ Tài chính đã cấp phép xếp hạng tín nhiệm thêm một doanh nghiệp mới là S&I Ratings. Cuối năm ngoái, đại diện Bộ Tài chính tiết lộ tối đa được cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là 5 doanh nghiệp. Như vậy, trong thời gian tới, nhiều nhất cũng chỉ có thêm 1 doanh nghiệp nữa được tham gia vào thị trường dịch vụ xếp hạng này.
Trong số 4 công ty xếp hạng tín nhiệm đã được Bộ Tài chính cấp phép, đáng chú ý, cổ đông sáng lập các công ty này xuất hiện bóng dáng một loạt công ty chứng khoán trong nước.
Cụ thể, VIS Rating khai trương hoạt động xếp hạng tín nhiệm vào tháng 10 năm ngoái và hiện hoạt động theo mô hình liên doanh gồm tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s và các đối tác trong nước là 3 công ty chứng khoán gồm: ACBS, VNDirect, VPS. Cùng với đó là quỹ ngoại Dragon Capital, NamABank, Công ty tài chính TNHH TNEX cũng nằm trong danh sách cổ đông sáng lập VIS Rating.
VIS Rating cũng là công ty có quy mô vốn lớn nhất trong 4 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp phép với vốn điều lệ thực góp hơn 103 tỷ đồng, trong đó riêng Moody's nắm tới 49%.
5 cổ đông tổ chức còn lại là Dragon Capital, ACBS, NamABank, VPS và VNDirect có cùng tỷ lệ sở hữu là 8,84%. Trong khi công ty Tài chính TNHH TNEX sở hữu tỷ lệ nhỏ nhất với 6,8%.
Hiện tại, danh sách khách hàng được VIS Rating xếp hạng tín nhiệm khá ít, bao gồm LPBank, OCB, TPBank và Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An.
VỐN ĐIỀU LỆ 4 TỔ CHỨC XẾP HẠNG TÍN NHIỆM TRONG NƯỚC | |||||
Nguồn: Bộ Tài chính, Tổng hợp. | |||||
Nhãn | VIS Rating | Saigon Ratings | S&I Ratings | FiinRatings | |
Vốn điều lệ | Tỷ đồng | 103 | 50 | 30 | 25 |
Nếu tính theo quy mô vốn, Saigon Ratings là đơn vị lớn thứ 2 đạt 50 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông cá nhân là ông Phùng Xuân Minh nắm 77,5% vốn và 2 cổ đông tổ chức là CTCP Đầu tư Sài Gòn Phát Thịnh nắm 18%, Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Phát Thịnh nắm 4,5%.
Saigon Ratings hiện có một số khách hàng là các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, sản xuất như Khải Hoàn Land, Công nghiệp - Bất động sản và Xây dựng Song Phương, BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Tập đoàn Thành Thành Công, Huy Dương Group, TNPower, Dịch vụ Cáp treo Bà Nà, Bất động sản Hải Đăng, Bệnh viện TNH, Chứng khoán Rồng Việt, Bảo hiểm Phú Hưng..
Trong khi đó, S&I Ratings có quy mô vốn 30 tỷ đồng với 10 cổ đông sáng lập, trong đó 4 tổ chức và 6 cá nhân.
Đáng chú ý, công ty chứng khoán của đại gia Nguyễn Duy Hưng - SSI - đang nắm 14,99% vốn tại công ty xếp hạng tín nhiệm này. Ba cổ đông tổ chức còn lại là Công ty TNHH Tư vấn NDH, Công ty CP AGON và Công ty CP Pallas cùng nắm 10%. Trong đó, Công ty TNHH Tư vấn NDH cũng là công ty có liên quan ông Hưng.
Danh sách 6 cổ đông cá nhân khác của S&I Ratings bao gồm Nguyễn Thị Hà Dương (9,5%), Vũ Thị Hồng Hạnh (9,4%), Lê Tuyết Lan (9,3%), Nguyễn Việt Hà (9%), Bùi Huy Phương (9%) và Tô Minh Đức (8,81%).
Còn với FiinRatings, một trong những công ty xếp hạng tín nhiệm đầu tiên tại Việt Nam, hiện có vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm từ năm 2020.
Đến cuối năm 2023, FiinRatings có 3 cổ đông, lớn nhất là Công ty CP FiinGroup Việt Nam với tỷ lệ 99,994%. Hai cổ đông còn lại là ông Nguyễn Quang Thuân và ông Nguyễn Hữu Hiệu với mỗi người nắm 0,003% vốn.
Các khách hàng trong hệ sinh thái của FiinRatings đều là các doanh nghiệp lớn trong nước như Vingroup, Techcombank, Coteccons, Hà Đô, F88...
“Bánh ngon” không dành cho số đông
Báo cáo của Vụ Tài chính (Bộ Tài chính) công bố cho thấy năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tham gia xếp hạng tín nhiệm đạt gần 27.000 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2022.
Tuy nhiên, thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam vẫn được đánh giá là đang ở bước khởi đầu khi con số này mới chiếm khoảng 9% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm vừa qua.
Mặt khác, so với mục tiêu đặt ra về quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào 2030 của Chính phủ thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng 10% GDP.
Như vậy, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam còn có thể hưởng lợi từ tiềm năng, dư địa tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như các quy định mới của Chính phủ liên quan thị trường này.
Năm 2024 được dự báo là năm bùng nổ của thị trường xếp hạng tín nhiệm bởi quy định bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong một số trường hợp theo Nghị định số 65/2022 phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm.
Các yêu cầu này bao gồm doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng giá trị mệnh giá trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất hoặc tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.